Khủng hoảng phân bón: Peru tìm đến giải pháp thay thế từ thiên nhiên, nhưng liệu có đủ?

Hồng Anh |

Khi giá phân bón hóa học tăng cao, nhiều người nông dân Peru đã tìm đến phân chim - thứ được bán với mức giá trợ cấp tương đương khoảng 13 USD cho 1 bao 50kg.

"Giải pháp thay thế" của Peru

Khi nhiều quốc gia trên thế giới gặp khó vì thiếu phân bón nhập khẩu, Peru đã có ngay cho mình một giải pháp đã được thử nghiệm và kiểm chứng: guano - tức phân chim.

Theo The Guardian, phân chim đã được "khai thác" và kinh doanh từ thế kỷ 19. Đây là một loại phân bón hữu cơ tuyệt vời có chứa hàm lượng nitơ, phốt phát và kali đặc biệt cao - tất cả các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng.

Guano - phân chim - từng trở thành một mặt hàng có giá trị đến mức Chile, Peru và Bolivia từng xung đột để tranh giành nguồn cung vào những năm 1880.

Hiện tại, chính phủ Peru đã triển khai con tàu hải quân có tên Pelicano để vận chuyển loại phân bón đặc biệt này từ các đảo và bán đảo vào đất liền, nơi giá phân bón nhập khẩu đã tăng gấp 3-4 lần.

Khi giá phân bón hóa học tăng cao, nhiều người nông dân Peru đã tìm đến phân chim - thứ được bán với mức giá trợ cấp tương đương khoảng 13 USD cho 1 bao 50kg.

Ông Segundo Cruz, một người nông dân ở thị trấn nông nghiệp Mala, cho biết: "Phân chim có chất lượng tốt và mức giá hợp lý". Nhưng ông lo ngại rằng trồng cây bằng phân chim sẽ lâu hơn so với phân bón hóa học.

"Do giá phân bón tăng nên người dân không còn gieo sạ nhiều như trước nữa, họ chỉ trồng một phần ba vụ chứ không nhiều như trước", ông Cruz nói. "Do đó sản lượng thu hoạch được sẽ không đủ để cung cấp cho thị trường và giá sẽ còn tăng cao thêm nữa."

Peru có 2,4 triệu người làm nghề nông trên quy mô vừa và nhỏ đang sử dụng phân urê nhập khẩu và các loại phân bón khác. Mặc dù phân chim được coi là phương án thay thế khả thi, nhưng cũng có những lo ngại rằng sẽ không có đủ lượng phân chim để bù đắp cho sự thiếu hụt về phân bón nhập khẩu.

Được biết, mỗi năm Peru khai thác khoảng 30.000-40.000 tấn phân chim, đáp ứng khoảng 5-10% nhu cầu phân bón của cả nước, nghĩa là nguồn cung loại phân bón tự nhiên này thực chất rất hạn chế.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Peru, giá một bao tải 50kg phân urê đã tăng gấp 3 lần, từ khoảng 20 USD lên 65 USD, do lượng phân bón nhập khẩu đã giảm 58% so với mức trung bình của 7 năm qua.

Một báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã cảnh báo về "cơn bão hoàn hảo" của đói nghèo hậu đại dịch, lạm phát toàn cầu và khủng hoảng khí hậu đã làm tăng gấp đôi nguy cơ mất an ninh lương thực ở Peru và ảnh hưởng đến hơn 1/2 trong số 33 triệu dân của nước này.

Liên Hợp Quốc nỗ lực thúc đẩy giảm giá phân bón toàn cầu

Theo Reuters, bà Rebeca Grynspan - Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đã nhận định rằng: "Nếu chúng ta không thể hạ giá phân bón, thì cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả trong ngày hôm nay sẽ là cuộc khủng hoảng về khả năng cung cấp trong ngày mai. Đó là điều LHQ đang nỗ lực thúc đẩy."

Phát biểu với báo giới tại Geneva, bà Grynspan nhấn mạnh: "Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trong tương lai, chúng ta cần phải hạ giá phân bón."

Khủng hoảng phân bón: Peru tìm đến giải pháp thay thế từ thiên nhiên, nhưng liệu có đủ? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Người nông dân châu Âu "chống đỡ" khủng hoảng phân bón ra sao?

Trên lục địa già, nhiều người nông dân cũng đang đau đầu với bài toán chi phí phân bón tăng cao. Một số người đã dự trữ đủ số phân bón cho vụ mùa năm nay, nhưng họ vẫn phải tính đến viễn cảnh cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài trong năm sau.

Sau đây là những cách "chống đỡ" của nông dân châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng phân bón:

1. Đổi loại cây trồng

Sản lượng ngũ cốc của Liên minh châu Âu (EU) giảm 9% trong năm nay do hạn hán tàn phá các cánh đồng ngô. Nhà phân tích Vincent Braak của Strategie Grains nhận định rằng người nông dân có thể sẽ chuyển một số diện tích đất sang các loại cây trồng cần ít phân bón hơn.

2. Giảm lúa mì

Lúa mì và lúa mạch châu Âu chủ yếu được gieo trồng vào mùa thu và cần nhiều phân bón nhất vào mùa xuân để thu được thành phẩm chất lượng cao sử dụng cho bánh mì và bia.

Tuy nhiên, nếu người nông dân không có đủ phân bón hoặc giá bán ngũ cốc quá thấp để bù đắp chi phí, họ có thể giảm phân bón, thành phẩm sẽ có chất lượng thấp hơn nhưng có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

3. Cân nhắc nuôi ít bò hơn

Cuộc khủng hoảng phân bón cũng khiến những người chăn nuôi đau đầu, vì phân bón cũng được sử dụng cho đồng cỏ hoặc các loại cây làm thức ăn cho gia súc. Trong khi đó, giá bán thịt có thể không đủ bù đắp cho phần chi phí này. Do đó, lựa chọn nuôi ít bò hơn cũng là điều đang được người nông dân cân nhắc.

4. Giải pháp công nghệ?

Một số người đã sử dụng loại cảm biến gắn trên máy kéo giúp phát hiện sức khỏe cây trồng và chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cho những cây đang cần chất dinh dưỡng nhất. Mặc dù vậy, giải pháp này tuy tiết kiệm nhưng lại rất đắt đỏ và không phải ai cũng có thể áp dụng./.

Tổng hợp: The Guardian, Bloomberg, Reuters


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại