Một cơ sở của tuyến đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin (Đức) Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) khép lại ở Uzbekistan, ông Putin quy trách nhiệm cho vấn đề mà ông gọi là "chương trình nghị sự xanh" gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng, đồng thời nhấn mạnh Moscow sẽ thực hiện các nghĩa vụ năng lượng của mình.
Theo đài CBC (Canada), giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2022 giữa lúc nguồn cung từ Nga sụt giảm. Sự tăng giá này khiến người tiêu dùng gặp khó và buộc một số ngành công nghiệp ngưng hoạt động.
Châu Âu cáo buộc Nga "vũ khí hóa" nguồn cung năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đáp lại, Nga tố phương Tây tiến hành chiến tranh kinh tế và các biện pháp trừng phạt đã cản trở hoạt động của tuyến đường ống Nord Stream 1, dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic.
Tuyến đường ống Nord Stream 2 được hoàn thành khoảng 1 năm trước, cũng nhằm dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ngưng tiến trình phê chuẩn dự án này không lâu trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hôm 24-2.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, chính phủ Đức hôm 16-9 thông báo tạm nắm quyền kiểm soát 3 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu Nga trước khi lệnh cấm vận nhằm vào dầu Nga có hiệu lực trong năm tới.
Cụ thể, theo Bộ Kinh tế Đức, hai công ty con của Tập đoàn dầu Rosneft (Nga) tại Đức là Rosneft Deutschland GmbH và RN Refining & Marketing GmbH sẽ chịu sự quản lý của Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (GFNA). Vì thế, GFNA sẽ tiếp quản số cổ phần của hai công ty này trong 3 nhà máy lọc dầu PCK Schwedt, MiRo và Bayernoil, nằm ở miền Đông và Nam nước Đức.
Bộ Kinh tế Đức cho rằng biện pháp trên dự kiến kéo dài 6 tháng và sẽ giúp bảo đảm nguồn cung năng lượng không bị gián đoạn. Trong khi đó, Thủ tướng Scholz gọi đây là quyết định chính sách nhằm bảo vệ đất nước và nhận định Nga không còn là nhà cung cấp năng lượng "đáng tin cậy". Hai công ty con của Rosneft nói trên hiện chiếm khoảng 12% công suất lọc dầu của Đức, nhập lượng dầu trị giá vài trăm triệu euro từ Nga mỗi tháng.