Bị lực lượng quân đội của mình "bán đứng", người Kurd mắc kẹt giữa tàn cuộc giao tranh

Thi Anh |

Khủng hoảng Kirkuk bộc lộ sự chia rẽ ăn sâu vào cộng đồng Kurdistan, không chỉ ở chính quyền mà còn cả sự trung thành của lực lượng Peshmerga với các đảng chính trị và người dân.

Giấc mơ vụn vỡ

Chỉ cách đây hơn 1 tháng, các lãnh đạo Kurdistan (thuộc Iraq) vẫn còn chắc chắn rằng con đường dẫn tới độc lập đã ở ngay phía trước.

Khu vực tự trị này vốn kiểm soát phần lớn lãnh thổ tranh chấp từng thuộc quyền quản lý của chính phủ liên bang ở Baghdad, bao gồm cả hạ tầng năng lượng và nguồn dự trữ dầu mỏ rộng lớn của Iraq.

Lực lượng vũ trang của người Kurd, còn được gọi là Peshmerga, vốn có tiếng uy lực. Họ là lực lượng chiến đấu chủ lực và hợp tác chặt chẽ với Mỹ cùng các đồng minh trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS.

Người Kurd nghĩ rằng, con đường vậy là rõ.

Nhưng ngày 16/10, lực lượng chính phủ Iraq lại đẩy lùi được quân Peshmerga khỏi thành phố tranh chấp Kirkuk, cùng những giếng dầu gần đó, vốn là nguồn doanh thu chính yếu của Chính quyền Khu vực Kurdishtan (KRG).

Thất bại xảy đến chóng vánh tới mức bàng hoàng và dẫn tới một cuộc tháo chạy đầy hỗn loạn khỏi các vùng lãnh thổ khác mà lãnh đạo KRG Masoud Barzani đã thề sẽ không bao giờ quay trở lại Baghdad.

Bị lực lượng quân đội của mình bán đứng, người Kurd mắc kẹt giữa tàn cuộc giao tranh - Ảnh 1.

Lãnh đạo KRG Masoud Barzani. Ảnh: Reuters

Cuộc tháo chạy khiến giấc mơ ly khai mà người Kurd ở Iraq hằng mong mỏi vụn vỡ. Tại thủ phủ Erbil, các quan chức, binh lính, cũng như người dân đều đang chật vật chấp nhận sự thật tủi nhục này.

"Cộng đồng người Kurd chưa bao giờ mường tượng tới phản ứng như vậy từ chính quyền Iraq", Alan, một thanh niên người Kurd chia sẻ, "Chúng tôi không ngờ họ sẽ tấn công mình và giành lấy Kirkuk bằng vũ lực. Giờ thành phố như thể bị phong tỏa vậy".

Chính quyền Iraq nhanh chóng ra tay

Nguyên do của cuộc khủng hoảng phần lớn bắt nguồn từ cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi hồi tháng trước, sự kiện vấp phải sự phản đối của rất nhiều bên.

Cuộc trưng cầu đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran xích lại gần nhau trong một lập trường thống nhất hiếm hoi trước các biện pháp trả đũa. Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đe dọa thực thi hành động quân sự nếu kết quả trưng cầu không được loại bỏ.

Thậm chí ngay cả các đồng minh cũng nài nỉ KRG ngừng, hoặc chí ít là trì hoãn cuộc bỏ phiếu vì lo ngại khu vực bị bất ổn.

Tuy nhiên, ông Barzani vẫn tiếp tục dấn thân, tự tin rằng kết quả trưng cầu sẽ dẫn tới những cuộc đàm phán ly khai mà người Kurd nắm ưu thế. Hóa ra, ông Barzani đã tính sai nước cờ.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành như dự kiến vào 25/9 và kết quả cho thấy mong muốn tha thiết của người Kurd: Tách khỏi Iraq.

Bị lực lượng quân đội của mình bán đứng, người Kurd mắc kẹt giữa tàn cuộc giao tranh - Ảnh 2.

Người Kurd vẫy cờ ăn mừng, ủng hộ trưng cầu dân ý tách khỏi Iraq. Ảnh: Reuters

Phản ứng sau đó diễn ra rất nhanh.

Bước đầu, Baghdad gạt bỏ những ưu tiên tự trị hiện có bằng cách cấm các chuyến bay quốc tế hạ cánh ở khu vực này và yêu cầu kiểm soát việc xuất khẩu dầu mỏ.

Nói là làm, ngay sau khi chiếm được Kirkuk, ông Abadi kêu gọi đàm phán. "Cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp đã qua, kết quả không có hiệu lực", ông Abadi đăng trên Twitter, "Chúng tôi kêu gọi đàm phán dựa trên hiến pháp của Iraq".

Có vẻ như quay trở lại bàn đàm phán là lựa chọn khả dĩ duy nhất đối với ông Barzani ở thời điểm hiện tại, dù ông sẽ ở vào tình thế thua thiệt hơn trước khá nhiều, nhất là khi Iraq và Ả rập Saudi đang bắt tay hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ.

Sự chia rẽ đầy cay đắng

Cuộc khủng hoảng Kirkuk đã làm nảy sinh và gieo rắc sự bất mãn, cay đắng, không chỉ giữa hai chính quyền đối đầu. Người Kurd ở Iraq giờ cảm thấy mình bị tất cả phản bội.

Quyền kiểm soát lực lượng Peshmerga vốn được phân chia giữa hai nhánh chính trị lớn nhất của Kurdistan, Đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) cầm quyền của ông Barzani và Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK).

Chính PUK là lực lượng đầu tiên rút khỏi Kirkuk sau khi đồng ý trước một thỏa thuận (do Iran hậu thuẫn) với lực lượng chính phủ Iraq. Sau đó, lực lượng KDP cũng rút chạy.

Giao tranh giữa lực lượng chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd.

Tuy nhiên, quan chức KDP và nhiều cơ quan truyền thông đã gắn cho lực lượng PUK cái mác "phản bội". Ngay cả ông Barzani, người không hề lộ diện trước công chúng một tuần liền sau khi để mất thành phố, cũng đổ lội thất bại cho "những người thuộc đảng chính trị người Kurd" trong một thông cáo.

Người dân không được thận trọng như vậy. Họ thẳng thừng bày tỏ suy nghĩ của mình. "Lực lượng Peshmerga đã bán đứng chúng tôi. Đó là những thủ lĩnh PUK, họ đã tự mình thỏa thuận thay cho toàn bộ Kirkuk", Dana, một sinh viên Kirkuk nói.

Về phần mình, quan chức PUK cũng như những người ủng hộ PUK lại chĩa mũi dùi sang KDP, lên án "sự tự cao, tự đại" của đảng này, trong khi chỉ trích Barzani thúc ép cuộc trưng cầu dân ý. "Đây là lỗi của Barzani, bởi ông ta đòi có một đất nước nhưng binh lính của ông ta còn chẳng bắn nổi hai viên đạn", một cư dân Erbil chia sẻ.

Cuộc khủng hoảng đã bộc lộ những mâu thuẫn trong lòng cộng đồng Kurdistan, chuyên gia của Chatham House Renad Mansour nhận định, "Sự việc này cho thấy tình trạng chia rẽ của khu vực Kurdistan, không chỉ ở vị trí của một nhà nước nhánh (substate) mà còn về sự trung thành của lực lượng Peshmerga với các đảng chính trị, và thậm chí cả người dân".

Chia rẽ và bị cô lập, người Kurd ở Iraq cảm thấy bị bỏ rơi, ngay cả với những đồng minh thân cận nhất. Người Mỹ phản ứng rất chậm với cả cuộc trưng cầu và tình trạng khủng hoảng ở Kirkuk. Washington coi những cuộc giao tranh giữa lực lượng Iraq và người Kurd chỉ là một "sự hiểu lầm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại