Khủng hoảng hạ nhiệt hay mất kiểm soát: 7 câu hỏi lớn cho tương lai Catalonia

Ngọc Nguyễn |

Kể từ khi nghị viện Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập vào ngày 27/10, chưa có quốc gia hay tổ chức nào trên thế giới công nhận sự tồn tại của "Cộng hòa Catalonia".

Giới phân tích dự đoán việc chính quyền trung ương Tây Ban Nha sẽ chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp vùng Catalonia trong nhiều tháng tới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ủng hộ ly khai chưa công bố lộ trình nào cho hướng phát triển của vùng lãnh thổ này.

Ai đang chịu trách nhiệm về Catalonia?

Chính phủ Trung ương Tây Ban Nha của thủ tướng Mariano Rajoy đã nắm quyền điều hành chính quyền Catalonia theo Điều 155 của Hiến pháp nước này. Đây là động thái chưa từng có trong tiền lệ và đã được Thượng viện Tây Ban Nha phê chuẩn hôm 27, ít phút sau khi lãnh đạo vùng Catalonia tuyên bố độc lập.

Thủ hiến Carles Puigdemon và tất cả các thành viên của hội đồng điều hành Catalonia đều đã bị sa thải. Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Sáenz de Santamaría đã trở thành lãnh đạo tạm quyền của Catalonia. Các bộ trưởng Tây Ban Nha phụ trách các lĩnh vực tương ứng từ những người đồng cấp trong chính quyền Catalonia.

Madrid đã nhanh chóng thay thế lãnh đạo Mossos d'Esquadra - lực lượng cảnh sát vùng tự trị. Lực lượng hành pháp này bị Madrid nghi ngờ về lòng trung thành sau khi để diễn ra cuộc trưng cầu dân ý độc lập vào ngày 1/10. Cảnh sát trưởng Josep Lluis Trapero tuân thủ quyết định sa thải và kêu gọi tất cả các sĩ quan khác phải tôn trọng các mệnh lệnh từ lãnh đạo mới.

Tuy nhiên, câu chuyện chuyển giao quyền lực không diễn ra suôn sẻ với các bộ phận khác, khi khoảng 140 công chức ở các phòng ban khác nhau ủng hộ chính quyền độc lập vẫn đang tại nhiệm. Đây có thể được xem là dấu hiệu của những bất ổn tiềm tàng trong khi chính quyền Madrid muốn chuyển giao êm thấm.

Khủng hoảng hạ nhiệt hay mất kiểm soát: 7 câu hỏi lớn cho tương lai Catalonia - Ảnh 1.

Người biểu tình phản đối Catalonia ly khai diễu hành phản đối tuyên bố độc lập đơn phương của nghị viện Catalonia ngày 27/10/2017 (Ảnh: AP)

 Liệu sẽ có làn sóng phản đối quy mô lớn từ người dân?

Cuộc biểu tình quy mô lớn duy nhất trên đường phố Barcelona sau tuyên bố độc lập của nghị viện Catalonia lại đến từ hàng chục nghìn người phản đối quyết định này.

Tuy nhiên, nhiều thứ sẽ thay đổi trong vài tuần tới. Trong bất kỳ trường hợp nào, những bước đi của chính quyền thủ tướng Rajoy đều khiến lực lượng chủ trương ly khai điều chỉnh lại các chiến thuật của mình.

"Kế hoạch trước đây là kháng cự bằng mọi giá", trích lời một thành viên cao cấp của nghị viện Catalonia, một trong những nhóm dân sự ly khai hàng đầu. Nhưng bây giờ họ sẽ tiến hành chiến lược mềm mỏng hơn nhằm tránh đối đầu trực diện, nhưng rõ ràng vẫn không chấp nhận quyền điều hành của Madrid.

Các nhóm ủng hộ độc lập có tham gia bầu cử?

Các nhóm ủng hộ độc lập phải lựa chọn giữa 2 kịch bản. Một là, tẩy chay cuộc bầu cử vào tháng 12/2017 và đối mặt với nguy cơ bị gạt ra ngoài các thể chế mới của vùng Catalonia. Hai là tham gia vào cuộc bầu cử và ngầm chấp thuận quyền điều hành từ Madrid.

Đảng trung hữu PDeCAT của cựu thủ hiến Carles Puigdemont, một trong hai nhóm chính trị chủ chốt đòi ly khai, đã xác nhận sẽ tham gia bầu cử sớm. Nhưng đảng trung tả ERC của cựu phó thủ hiến Oriol Junqueras vẫn chưa công khai lập trường.

Các nhân vật cao cấp của 2 đảng này tin rằng họ có thể thông qua việc thuyết phục cử tri tin rằng cuộc bầu cử tới đây là một cách để củng cố quyền lực cho "nước Cộng hòa Catalonia".

Khoản đóng góp ngân sách hàng năm trị giá 34 tỷ euro của vùng Catalonia được nhận định là một vũ khí quan trọng cho phe ủng hộ độc lập chống lại chính phủ trung ương.

Quan điểm về cuộc bầu cử của các đảng nhỏ trong liên minh đòi độc lập cũng chưa rõ ràng. Có vẻ như đảng CUP sẽ tẩy chay cuộc bầu cử, nhưng không rõ quyết định sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong nghị viện địa phương đến đâu.

Tỷ lệ ủng hộ cho CUP chỉ khoảng 8 % trong cuộc bầu cử cuối cùng cách đây 2 năm và nhiều người ủng hộ CUP có thể chuyển sang bỏ phiếu cho đảng ERC của ông Junqueras.

Khủng hoảng hạ nhiệt hay mất kiểm soát: 7 câu hỏi lớn cho tương lai Catalonia - Ảnh 2.

Cựu thủ hiến Carles Puigdemont đang bị Tổng công tố Tây Ban Nha kêu gọi truy tố tội danh nổi loạn, sách động nổi loạn và biển thủ (Ảnh: AP)

Ai sẽ là lãnh đạo của phe ủng hộ độc lập?

Trong khi các nhân vật lãnh đạo của đảng Xã hội Catalonia - những đảng mạnh nhất trong nghiệp đoàn – có vẻ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho cuộc bầu cử vào ngày 21/12 thì các đảng chính ủng hộ giành độc lập lại đang lúng túng.

PDeCAT và ERC, hai đảng từng liên minh trong cuộc bầu cử khu vực hồi năm 2015, nhưng không rõ lần này họ có định hợp tác với nhau không. Kể từ tuần trước, mối quan hệ giữa hai đảng đang trở nên căng thẳng khi các nghị sĩ đảng ERC buộc tội thủ hiến Puigdemont phản bội do có nguồn tin nói là là ông Puigdemont định tuyên bố từ bỏ kế hoạch đòi độc lập.

Hiện đảng ERC đã thay thế đảng PDeCAT trở thành chính đảng có vai trò then chốt nhất trong phe đòi độc lập. Tất cả các cuộc thăm dò cho thấy cho thấy ERC đang dẫn điểm và chỉ ra cựu phó thủ hiến Junqueras là người có khả năng trở thành nhân vật đứng đầu.

Ngược lại, đảng PDeCAT sẽ cần chọn một ứng cử viên lãnh đạo mới, vì thủ hiến Puigdemont từ lâu đã bày tỏ ý định ông sẽ không tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Có nguồn tin cho rằng PDeCAT có thể chọn một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn và có khả năng tìm ra tiếng nói chung với Madrid trong những năm tới đây.

Bầu cử có giải quyết vấn đề gì không?

Hầu hết các cuộc trưng cầu dân ý chỉ ra thực tế người dân Catalonia đang bị chia rẽ mạnh về kế hoạch giành độc lập từ chính quyền Madrid. Một số cuộc khảo sát dự đoán rằng các đảng ly khai sẽ duy trì lợi thế hiện tại. Nhưng một số cuộc thăm dò khác lại cho thấy kết quả các đảng này sẽ mất đa số ghế.

Trong bất kỳ trường hợp nào, khả năng có được một chính quyền Catalonia mới mang tính nghiệp đoàn sẽ là rất nhỏ. Nếu các đảng ủng hộ độc lập mất đa số tuyệt đối, thị trưởng Barcelona ​​Ada Colau của liên minh cực tả của Catalunya en Comú chắc chắn đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành 1 chính phủ liên hiệp.

Kịch bản này sẽ mở đường cho một liên minh dựa trên những ý thức hệ chính trị rộng lớn hơn là chỉ chú trọng vấn đề độc lập khỏi Madrid. Ví dụ như, phe ủng hộ độc lập và ủng hộ thống nhất của cánh tả có thể liên minh với nhau để hình thành 1 chính quyền ưu tiên cho chính sách xã hội hơn là việc khẳng định một nhà nước độc lập.

Khủng hoảng hạ nhiệt hay mất kiểm soát: 7 câu hỏi lớn cho tương lai Catalonia - Ảnh 3.

Những người ủng hộ ly khai muốn ông Puigdemont tiếp tục dẫn dắt chính quyền địa phương chống lại Madrid, nhưng đã thất vọng và giận dữ khi thấy ông rời khỏi Catalonia để sang Bỉ (Ảnh: EPA)

Phe ủng hộ giành độc lập có đang suy yếu?

Cuộc bầu cử vào cuối tháng 12 tới đây sẽ kiểm tra lòng nhiệt huyết của những người ủng hộ giành độc lập tích cực nhất.

Họ từng hứa hẹn dựng nên một "Cộng hòa Catalonia" vào năm 2015 và trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1/10 vừa qua. Liệu họ có thể đoàn kết mọi lực lượng trong cuộc bầu cử quyết định tới đây hay không?

Những nỗ lực chứng tỏ sự độc lập của Catalonia trong vài tuần qua đã bị giảm sút đáng kể khi gần 1.700 công ty quyết định chuyển trụ sở của mình ra khỏi vùng sau cuộc trưng cầu dân ý.

Nhiều người dân đã nhận ra rằng việc tách khỏi Tây Ban Nha sẽ dẫn tới những hậu quả kinh tế vô cùng tồi tệ.

Ngoài ra, việc không có sự hậu thuẫn từ cộng đồng quốc tế khiến cho nhiều người vỡ mộng về khả năng Liên minh châu Âu (EU) sẽ đứng về phía họ.

Thêm vào đó, việc huy động nghiệp đoàn tham gia các cuộc biểu tình đòi độc lập đã khiến cho nhiều người phe ủng hộ độc lập cảm thấy khó chịu.

[VIDEO] Hàng chục nghìn người biểu tình ở Barcelona phản đối Catalonia ly khai Tây Ban Nha

Điều gì có thể thay đổi cục diện?

Cuộc khủng hoảng đã có nhiều diễn biến bất ngờ trong vài tuần vừa qua và có thể trở nên khó đoán hơn nữa trong thời gian tới.

Yếu tố có thể làm thay đổi cục diện chính là số phận của hàng chục cựu lãnh đạo Catalonia vừa bị Madrid sa thải, đặc biệt là cựu thủ hiến Puigdemont - nhân vật đang bị truy tố tội lạm dụng công quỹ vào các hành động liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch độc lập.

Các nhà lãnh đạo của hai nhóm dân sự ủng hộ độc lập lớn nhất cũng đang bị tạm giữ mà không được bảo lãnh, trong khi chờ đợi một cuộc điều tra chính thức về các cáo buộc nổi loạn.

Nếu Puigdemont hoặc cựu quan chức cao cấp của Catalonia cũng bị giam giữ, tình hình sẽ trở nên mất kiểm soát. Đó là chưa kể, Tổng công tố Tây Ban Nha đang kêu gọi tòa án cho phép truy tố thêm tội nổi loạn đối ông Puidgemont và các cựu lãnh đạo vùng. Đây là tội danh có mức hình phạt lên tới 30 năm tù giam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại