Khung giá điện mới: “Mức tăng 15% sẽ tác động khá mạnh đến đời sống người dân và lạm phát”

Lê Hà |

Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, cần xem xét điều chỉnh giá bán điện ở mức phù hợp, đây là một bài toán khó và cần tính toán kỹ.

Từ ngày 3/2, áp dụng khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; và giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Tức, khung giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017.

Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.

Bình luận về khung giá mới, trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần xem xét điều chỉnh giá bán điện ở mức phù hợp.

“Nếu không, ngành điện sẽ thua lỗ, dòng tiền sẽ âm và không có tiền để thanh toán cho việc mua điện cho các đơn vị phát điện”, ông Thỏa nói và nhấn mạnh, tài chính âm của EVN sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, thu hút đầu tư của phát điện, truyền tải, phân phối điện.

Trong hoàn cảnh đó, tác động của điều chỉnh giá điện không trừ một ngành nào, lĩnh vực nào. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, tăng mức nào là một câu hỏi khó và cần tính toán kỹ.

Nếu thực hiện ngay và đúng nguyên tắc Luật giá là “giá phải đủ bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh cho ngành điện”, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa tính toán, mức phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện hành.

Vị chuyên gia lo lắng rằng mức tăng 15% sẽ tác động khá mạnh đến đời sống người dân và lạm phát.

Theo ông, nếu tăng 15% giá điện thì đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng 0,5%, chưa kể đến tác động đến vòng 2, đẩy giá thành sản xuất thép tăng 0,9%; xi măng tăng 2,25%, giá thành dệt may tăng 1,95%. Đó là những ngành sử dụng nhiều điện!

Vì thế, để giảm thiểu tác động, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đề xuất, có thể chia lộ trình tăng giá điện làm 2 đợt, mỗi đợt tăng 7-8%.

“Với mức điều chỉnh này chỉ đẩy lạm phát vòng 1 của đợt 1 tăng 0,2%”, ông Thỏa nói và góp ý: Chúng ta tính toán, theo dõi, nếu những tháng cuối năm tình hình thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát trong mục tiêu đề ra thì chúng ta có thể điều chỉnh giá đợt 2.

Bên cạnh đó ông cho rằng, nhà nước cũng cần phải có giải pháp tổng thể để bình ổn giá, ngăn ngừa tác động từ việc tăng giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, các hàng hóa dịch vụ khác, tránh việc lợi dụng tăng giá điện để đẩy mặt bằng giá lên, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Còn ngành điện, phải tiếp tục kiểm soát tiết kiệm chi phí thông qua các biện pháp nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại