Khủng bố 'da trắng thượng đẳng' thách thức nước Mỹ

Thu Hằng |

Những kẻ khủng bố theo chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng", chứ không phải khủng bố Hồi giáo cực đoan, mới đang là thách thức nan giải với nước Mỹ.

Khi bạn nghĩ về một kẻ khủng bố, bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Trong suốt hơn một thế hệ, hình ảnh ám ảnh những cơn ác mộng của người Mỹ giống với thủ phạm của vụ tấn công 11/9: một phần tử thánh chiến Hồi giáo. Chứ không phải là một phần tử ‘da trắng siêu việt” 21 tuổi đến từ vùng ngoại ô Dallas giàu có.

Nhưng rất lâu trước khi thanh niên đó lái xe đến El Paso (bang Texas) ngày 3/8 và xả súng giết hại ít nhất 22 người tại siêu thị Walmart chen chúc người mua sắm mùa tựu trường, thì rõ ràng nhiều kẻ theo chủ nghĩa dân tộc da trắng đã trở thành gương mặt khủng bố ở Mỹ.

Những kẻ khủng bố "siêu trắng"

Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ được tờ Time trích dẫn, kể từ sau vụ khủng bố 9/11/2001, những kẻ theo thuyết "da trắng thượng đẳng" và những kẻ cực hữu khác bị coi là thủ phạm gây ra số vụ tấn công trên đất Mỹ nhiều gấp gần ba lần so với khủng bố Hồi giáo. Từ năm 2009-2018, các phần tử cực hữu đã gây ra 73% trường hợp tử vong liên quan đến chủ nghĩa cực đoan cực đoan trong nước - theo một nghiên cứu năm 2019 của Liên đoàn Chống phỉ báng Mỹ (ADL).

Và con số thương vong ngày càng tăng. Năm ngoái những kẻ cực hữu đã sát hại 49 người tại Mỹ, cao hơn bất cứ năm nào kể từ sau vụ đánh bom tại Oklahoma năm 1995. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã phát biểu trước Quốc hội vào tháng 7 vừa qua rằng phần lớn các cuộc điều tra khủng bố trong nước của cơ quan này kể từ tháng 10/2018 đều liên quan đến chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Khủng bố da trắng thượng đẳng thách thức nước Mỹ - Ảnh 1.

Nghi phạm thảm sát tại siêu thị Walmart ở El Paso, Texas, tên Patrick Crusius là một kẻ theo quan điểm cực đoan "da trắng thượng đẳng". Ảnh: Fox

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Mỹ đến nay vẫn thất bại trong việc đối mặt với mối đe dọa này. Trong các cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, các quan chức thực thi pháp luật và an ninh quốc gia hiện nay cũng như trước đây đã mô tả cảm giác hoang mang và thất vọng khi chứng kiến các cảnh báo của bị phớt lờ và mối đe dọa khủng bố da trắng thượng đẳng đang tăng lên. Trong thập kỷ qua, nhiều nỗ lực tập trung các nguồn lực liên bang để giải quyết vấn đề này đã bị cản trở.

Các quan chức FBI cho biết chỉ 20% trong số các đặc vụ chống khủng bố của cơ quan này tập trung vào các cuộc điều tra nội địa. Riêng năm nay, các đặc vụ FBI đã tiến hành điều tra nhằm vào vụ tàng trữ thuốc nổ để chế tạo bom ống ở Ohio; một sĩ quan Tuần duyên tự nhận là “siêu da trắng” đã tích trữ cả một kho vũ khí trong căn hộ ở Washington, D.C; cuộc tấn công hồi tháng 4 nhằm vào thánh đường ở ngoại ô San Diego và vụ tấn công ngày 28/7 nhằm vào lễ hội ẩm thực ở Gilroy (bang California) làm 3 người chết. Từ điều tra của họ, Cesar Sayoc, một người đàn ông 57 tuổi ở Florida, đã bị kết án 20 năm tù vào ngày 5/8 sau khi nhận tội gửi 16 quả bom ống cho đảng Dân chủ và chỉ trích Tổng thống Donald Trump.

Khủng bố da trắng thượng đẳng thách thức nước Mỹ - Ảnh 2.

Cảnh sát mang theo túi bằng chứng từ nhà của nghi phạm xả súng ở Gilroy, bang California. Ảnh: AP

"Ngay cả khi có một chiến dịch trấn áp ngay bây giờ, sẽ mất nhiều năm để động lực của các nhóm này suy giảm" - ông Daryl Johnson, cựu chuyên gia phân tích cao cấp của Bộ An ninh Nội địa (DHS), người từng đưa ra báo cáo về chủ nghĩa cực đoan cánh hữu hồi năm 2009, nhận định. “Tôi e rằng chúng ta đã đạt đến một điểm bùng phát và sẽ rơi vào kiểu bạo lực này trong một thời gian dài”.

Ẩn nấp trong bóng tối của không gian mạng

Khủng bố cánh hữu là một vấn đề toàn cầu, đã dẫn đến các cuộc tấn công đẫm máu từ New Zealand đến Na Uy. Nhưng nó đặc biệt nguy hiểm ở Mỹ, nơi có nhiều súng trên đầu người hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, nơi đau đầu với "đại dịch" xả súng hàng loạt, nơi quyền tự do ngôn luận bảo vệ cả quyền thể hiện những quan điểm thù hằn, cùng những đạo luật gây khó cho việc đối đầu với một phong trào tản mát, vốn chủ yếu tồn tại trong bóng tối của không gian mạng.

Khủng bố da trắng thượng đẳng thách thức nước Mỹ - Ảnh 3.

62 người đã bị giết trong các vụ xả súng hàng loạt chỉ từ đầu năm đến nay. Trong ảnh là hiện trường vụ tấn công ở Dayton ngày 4/8. Ảnh: AP

Các quan chức thực thi pháp luật cho biết "căn bệnh ung thư" của chủ nghĩa dân tộc da trắng đã di căn trên các phương tiện truyền thông xã hội và các góc tối của Internet, tạo ra một hiệu ứng "bắt chước" trong đó những kẻ giết người lấy cảm hứng và tìm cách vượt qua nhau. Nghi phạm ở El Paso, tên Crusius ít nhất là người thứ ba trong năm nay đăng một bản tuyên ngôn trên diễn đàn tin nhắn trực tuyến trước khi thực hiện hành vi giết người hàng loạt. Ngày hôm đó ở El Paso con số người thiệt mạng còn lớn hơn toàn bộ số quân nhân Mỹ thiệt mạng ở các chiến trường Afghanistan, Iraq và Syria trong năm nay (14 người).

Tên Crusius bị buộc tội sát hại 22 người, làm bị thương trên 20 người. Trước vụ tấn công, trong tuyên bố được đăng trực tuyến, hắn đã thể hiện sự phân biệt đối với người nhập cư và nói nước Mỹ đang bị "người gốc Tây Ban Nha xâm chiếm". Sau khi bị bắt, Crusius tiếp tục khai nhận mục tiêu của hắn là người Mexico.

Xem video cảnh sát tiến vào siêu thị Walmart, El Paso khi xảy ra vụ xả súng ngày 3/8 (Nguồn: Telegraph):

Khó khăn của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ

Theo tờ Time, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ thiếu nhiều vũ khí được sử dụng để chống những kẻ khủng bố nước ngoài như al-Qaeda. Để bảo vệ nước Mỹ khỏi mối đe dọa từ các nhóm khủng bố Hồi giáo, chính quyền liên bang đã xây dựng một hệ thống tình báo và giám sát trải khắp toàn cầu, có khả năng phát hiện và ngăn chặn các vụ tấn công trước khi xảy ra.

Đặc vụ liên bang được Quốc hội trao nhiều quyền lực để truy bắt các nghi phạm khủng bố nước ngoài. Nhưng một hệ thống như vậy không tồn tại trong cuộc chiến chống khủng bố nội địa. Khủng bố nội địa thậm chí còn không phải là một tội ác liên bang, buộc các công tố viên chỉ truy tố nghi phạm theo nhóm đạo luật gây tội ác vì thù hận.

“Hiện nay, tư tưởng da trắng thượng đẳng là mối đe dọa lớn hơn cả khủng bố quốc tế”, ông David Hickton, cựu luật sư, hiện là Giám đốc Viện An ninh, Chính sách và Không gian mạng thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ), nói. Nhưng các công tố viên liên bang lại bị hạn chế trong quá trình theo đuổi các vụ khủng bố nội địa.

FBI đã cảnh báo về nguy cơ khủng bố nội địa gia tăng từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng ở Nhà Trắng. Do đó, lãnh đạo cơ quan này đã không ưu tiên vấn đề bạo lực da trắng thượng đẳng trong số nhiều mối đe dọa trong nước, và nhiều năm qua coi chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan mới là nguy cơ hàng đầu - cựu đặc vụ Michael German phát biểu với Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện Mỹ hồi tháng Năm.

Nghi phạm thảm sát tại El Paso sinh năm 1998, ba năm sau vụ tấn công khủng bố nội địa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vụ đánh bom Tòa nhà Liên bang Alfred P. Murrah của thành phố Oklahoma được thực hiện bởi Timothy McVeigh, một cựu chiến binh Vùng Vịnh muốn trả thù chính quyền liên bang về các cuộc bao vây chết người ở Waco, bang Texas và Ruby Ridge, bang Idaho. Vụ thảm sát này đã làm 168 người thiệt mạng. Và cuộc điều tra mở rộng sau đó đã báo trước nhiều thách thức đối với việc thực thi pháp luật hiện nay.

Khủng bố da trắng thượng đẳng thách thức nước Mỹ - Ảnh 5.

Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence trước khi phát biểu tại Nhà Trắng về các vụ xả súng hàng loạt đầu tháng 8. Ảnh: The New York Times

Vụ đánh bom đã thu hút sự chú ý đến mối đe dọa khủng bố trong nước. Nhưng sự tập trung đó lại tan biến sau vụ tấn công 11/9, đẩy toàn bộ lực lượng của hệ thống an ninh quốc gia Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo. Từ năm 2005-2009, theo một cuộc kiểm tra của Bộ Tư pháp, số lượng đặc vụ FBI được điều vào các cuộc điều tra khủng bố trong nước chỉ đạt trung bình chưa tới 330 trên tổng số gần 2.000 đặc vụ FBI được chỉ định cho các vụ chống khủng bố nước ngoài.

Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush, mối đe dọa từ các nhóm cực hữu nội địa trở nên rõ ràng hơn. Theo đánh giá của DHS, viễn cảnh nước Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên khi đó đã làm tăng mạnh số lượng các nhóm cực hữu, từ những đối tượng được gọi là phong trào yêu nước cho tới các nhóm chống chính phủ. Cơ quan Mật vụ Mỹ đã tiến hành một bước đi chưa có tiền lệ là cung cấp gói bảo vệ ứng cử viên Barack Obama từ tháng 5/2007, vài tháng trước khi chiến dịch tranh cử của ông bắt đầu và sớm hơn nhiều so với thời điểm các ứng cử viên khác được bảo vệ.

Mối đe dọa “khủng bố trắng” tiếp tục lan rộng không kiểm soát được. Tháng 1/2011, cảnh sát địa phương ở Spokan, Washington, đã tránh được một thảm kịch khi họ chuyển hướng cuộc diễu hành nhân Ngày Martin Luther King khỏi một quả bom cài bên đường đặt trên lộ trình ban đầu, chứa đầy các mảnh kim loại.

Khi đó, đây là một trong những thiết bị nổ tinh vi nhất từng thấy ở Mỹ. Hai tháng sau, FBi bắt giữ Kevin William Harpham, 36 tuổi, một cựu binh Mỹ có liên quan đến Liên minh Quốc gia tân phát xít. “Luôn có một niềm tin rằng đây là al-Qaeda, chứ không phải một cựu binh – một người có tư tưởng da trắng thượng đẳng".

Khủng bố da trắng thượng đẳng thách thức nước Mỹ - Ảnh 6.

Người dân tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công khủng bố tại Lễ hội Tỏi Gilray ngày 28/7/2019. Ảnh: Getty

Thay đổi từ nhận thức

Những năm gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật đã có nhiều tiếng nói kêu gọi quy định khủng bố trong nước là tội phạm liên bang. "Hành vi bạo lực có ý định đe dọa người dân hoặc gây ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ nên bị truy tố là khủng bố trong nước bất kể hệ tư tưởng đằng sau chúng là gì", ông Brian Brian O'Hare, Chủ tịch Hiệp hội Đặc vụ FBI, viết trong một tuyên bố. Một sự thay đổi như vậy sẽ cung cấp cho công tố viên những công cụ mới để đối mặt với mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan trong nước.

Cũng đã có một sự thay đổi đáng chú ý trong cách các cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ nói về các cuộc tấn công này. Các đặc vụ FBI, các chính trị gia và luật sư liên bang đã nhanh chóng gán nhãn bạo lực cực đoan do người Mỹ da trắng gây ra là khủng bố. Vào ngày 6/8, FBI tuyên bố mở một cuộc điều tra khủng bố trong nước về nghi phạm xả súng ở Gilroy, lưu ý rằng tay súng đã lên danh sách nhiều mục tiêu khác thuộc các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị và các tòa nhà liên bang. Một ngày sau vụ tấn công ở El Paso, công tố viên liên bang ở Texas tuyên bố rằng vụ việc sẽ được coi là tấn công khủng bố.

"Nếu chúng ta không thể gọi một kẻ ác bằng tên của nó, làm thế nào chúng ta có thể hy vọng đánh bại nó?. Ta chỉ có thể thực sự đối phó với vấn đề này khi thừa nhận nó tồn tại", Mark Pitcavage, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Liên đoàn Chống phỉ báng, một tổ chức chống cực đoan, nhìn nhận.

https://baotintuc.vn/the-gioi/khung-bo-da-trang-thuong-dang-thach-thuc-nuoc-my-20190812175143340.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại