Đường Bàn Cờ dài khoảng 460 m, thuộc địa bàn phường 2 và 3, quận 3, TP. HCM. Vào năm 1910, dưới thời Pháp thuộc, thành phố Sài Gòn khi ấy được mở rộng về phía Tây. Khu đất phía trong đường Nguyễn Thiện Thuật được quy hoạch, xẻ ngang, vạch dọc như ô bàn cờ để phân cho dân chúng xây nhà. Vì vậy, người dân đặt đây là khu Bàn Cờ. Con đường chính băng qua khu này được gọi là đường Bàn Cờ.
Đây là kiểu quy hoạch tương tự với một số thành phố lớn trên thế giới như Barcelona (Tây Ban Nha), New York, Seattle (Mỹ)... Kiểu quy hoạch này giúp giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là khu vực trung tâm do các lưu lượng xe cộ được dàn đều khắp đô thị. Bù lại, đường đi thực tế sẽ dài hơn nhiều so với đường chim bay.
Nơi đây có mật độ dân số hơn 72.000 người /km2, cao gấp 4 lần quận 1 và gần 2 lần so với trung bình của quận 3. Hơn thế nữa, khu vực này là giao điểm của các quận trung tâm nên các con đường càng đông đúc. Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết khu này ít xảy ra tình trạng ùn tắc nhờ kiểu quy hoạch ô bàn cờ. Trong ảnh là ngã bảy Lý Thái Tổ, nơi tiếp giáp các quận 1, 3, 5, 10.
Vào khoảng thập niên 1930-1940, khu Bàn Cờ còn được gọi là “xóm thợ” - các xóm lao động tự phát ở các vùng đất ven kênh rạch, đất trống. Dân cư ở đây chủ yếu đi làm việc cho các nhà máy. Từ năm 1957, khu Bàn Cờ chuyển từ đất trống, đất tạm cư lên phố, trở thành nơi ở của công chức, y tá, nhà giáo, sinh viên…Vào những ngày chiến tranh cuối thập niên 1960, nhiều căn nhà nhà tại khu Bàn Cờ bị cháy, nhất là khu Vườn Bà Lớn (nay là phường 1, quận 3). Sau đó, khu này được tái thiết nhanh chóng .
Cũng trong thời gian này, Bàn Cờ phát triển như một khu phố lớn "kiểu mẫu" với nhiều tiện nghi. Trong đó, chợ Bàn Cờ là một địa danh được nhiều người biết đến. Đây không phải chợ nhà lồng giống chợ Tân Định hay Phú Nhuận, mà chỉ họp trong hẻm. Nếu đi đường Nguyễn Thiện Thuật, du khách có thể vào chợ Bàn Cờ qua 4 hẻm khác nhau. “Những con hẻm đan xen làm đa số người vào đây lần đầu bị lạc”, ông Dũng (69 tuổi) sống tại khu Bàn Cờ, chia sẻ.
Nơi đây từ lâu đã là điểm đến quen thuộc của dân ghiền “đồ si” ở TP. HCM. Con hẻm 51 rộng khoảng 1,5 m từ đường Cao Thắng vào chợ đông đúc từ sáng đến tối. Các mặt hàng ở đây chủ yếu là quần áo, phụ kiện thời trang, giày dép và các loại túi xách. Vì là đồ si nên hàng hóa tại đây có xuất xứ vô cùng đa dạng, từ Trung Quốc, Campuchia cho đến Australia, Mỹ…
Quanh đó, con đường Nguyễn Đình Chiểu lần lượt hình thành các cửa hiệu chuyên bán giày, áo cưới. Còn Nguyễn Thiện Thuật thì được gọi là “con phố của âm thanh” với các tiệm nhạc cụ.
Khu Bàn Cờ còn nổi tiếng vì là căn cứ địa cách mạng trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Trong đó, căn nhà số 51/10/14, Cao Thắng, Quận 3 là cơ sở cách mạng (Ban Tuyên huấn xứ ủy Nam bộ), nơi hoạt động, nương náu của các tên tuổi lớn như Lê Thị Riêng, Ngô Bá Thành (Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống)...
Quanh các con hẻm lớn nhỏ của khu Bàn Cờ có nhiều hàng quán lâu đời, nổi danh như phở Nghi Xuân, phở Tàu Thủy, bánh mì Hà Nội, bánh mì Hoà Mã, cà phê Cheo Leo… Trong đó, bánh mì Hoà Mã tọa lạc trên đường Cao Thắng hơn nửa thế kỷ, được xem là một trong những tiệm bánh mì đầu tiên tại TP. HCM.
Tại Bàn Cờ còn có nhà thờ và nhiều đền chùa, nổi tiếng là Tam Tông Miếu trên đường Cao Thắng và Kỳ Viên Tự trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Dân Bàn Cờ còn "hưởng lợi" từ bốn bệnh viện gần nhà, đó là Từ Dũ, Bình Dân, Nhi Đồng và Saint Paul (nay là bệnh viện Mắt TP. HCM).