Khu trục hạm Đô đốc Shaposhnikov lừng lẫy của Nga còn cách tàu Arleigh Burke Mỹ bao xa?

Bảo Lam |

Việc nâng cấp tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov cỡ lớn và lừng lẫy một thời của Hải quân Nga đã giúp tính năng chiến đấu của nó tăng gấp bội, nhưng như thế vẫn là chưa đủ...

Báo chí Mỹ đặc biệt quan tâm tới "Đô đốc Shaposhnikov"

Tạp chí The National Interest của Mỹ đã hướng sự chú ý của các độc giả tới chiếc tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov của Hải quân Nga, khi nhận định nó "được vũ trang tới tận răng". Sự quan tâm này là vì chiếc tàu khu trục hạng nhẹ (đôi khi nó còn được phân loại là khinh hạm) vừa hoàn thành quá trình nâng cấp.

Đô đốc Shaposhnikov là 1 trong số 12 chiếc tàu khu trục thuộc Đề án 1155 lớp Udaloy được biên chế cho Hải quân Liên Xô vào thập niên 1980. Các tàu chiến này được chia đều cho Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.

Đến thời điểm hiện nay, 8 chiếc vẫn còn đang hoạt động và nhiều chiếc trong số chúng đang được nâng cấp để đưa vào phục vụ.

Kích thước của các tàu khu trục thuộc Đề án 1155 lớp Udaloy nhưu sau: Dài - 164m, rộng - 19m, mớn nước - 7,8m. Choán nước - 7.620 tấn. Vận tốc tối đa - 30 hải lý/h. Tầm hoạt động - 6.350 hải lý. Thời gian hoạt động độc lập - 30 ngày. Thuỷ thủ đoàn - 275 người.

Chiếc tàu được thiết kế để phù hợp tối đa đối với nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt các tàu nổi và tàu ngầm của đối phương. Lớp tàu này đặc biệt mạnh trong khả năng chống ngầm nhờ được trang bị tổ hợp thuỷ âm tối tân "Polinom".

Ban đầu, dự kiến giới hạn tải trọng của các tàu này ở mức 4 nghìn tấn. Tuy nhiên, việc lắp đặt dưới đáy tàu tổ hợp "Polinom" nặng nhiều tấn, với độ nhạy cao và tầm quan sát rộng, đã khiến phải tăng tải trọng của chúng.

Để tìm kiếm các tàu ngầm của đối phương, người ta đã biên chế cho nó 2 chiếc trực thăng chống ngầm Ka-27PL.

Để tiêu diệt tàu ngầm, người ta trang bị máy phóng lôi, hệ thống rocket chống ngầm bên cạnh những ống phóng tên lửa chống hạm để diệt tàu nổi.

Còn để phòng vệ, các kỹ sư thiết kế đã "tiết kiệm". Trên tàu, người ta bố trí 2 khẩu pháo 100mm, 2 khẩu - 45mm. Một bệ pháo phòng không 6 nòng 30mm. Tổ hợp tên lửa phòng không Kinzal (phiên bản hải quân của tổ hợp tên lửa Tor) làm nhiệm vụ bảo vệ tầm gần.

Vào năm 1983, sau khi phân tích kinh nghiệm có được khi vận hành những chiếc tàu đầu tiên, Tư lệnh Hải quân Nga đã đề nghị nâng cấp đề án 1155, với sự tăng cường vũ khí phòng không, pháo và tên lửa chống hạm.

Khu trục hạm Đô đốc Shaposhnikov lừng lẫy của Nga còn cách tàu Arleigh Burke Mỹ bao xa? - Ảnh 2.

Tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov

Kết quả là vào năm 1990 đã xuất hiện chiếc tàu nâng cấp duy nhất thuộc đề án 1155.1 - "Đô đốc Chabanenko".

Người ta đã lắp đặt cho nó tên lửa chống hạm siêu thanh Moskit, những khẩu pháo chủ lực thay bằng pháo lớn hơn, cỡ 130mm, còn thay vào pháo phòng không 6 nòng 30mm tự động là tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Kortik.

Tiếp tục nâng cấp sâu: "Trang bị vũ khí tận răng"...

Hiện nay Hải quân Nga chưa có kế hoạch chế tạo các khu trục hạm để hoạt động ở vùng biển nước sâu trong thời gian tới, nên họ đã quyết định sử dụng các tàu khu trục thuộc Đề án 1155 để trang bị vũ khí hiện đại, vì thế chúng cần phải nâng cấp.

Giá thành sau nâng cấp được đánh giá vào khoảng 1-2 tỷ rúp (vào khoảng 13-26 triệu USD). Đó là số tiền không nhỏ.

Nhưng rõ ràng là rẻ hơn nếu so với việc sản xuất các tàu chiến mới có khả năng tác chiến khu vực biển sâu vốn không chỉ hết sức tốn kém, mà quá trình triển khai đóng mới cũng kéo dài nhiều năm. Điều mà chúng ta có thể thấy rất rõ quá trình sản xuất các tàu hộ vệ của Nga.

Một trong những tàu khu trục lớp Udaloy được đưa vào nâng cấp sâu là Đô đốc Shaposhnikov. Chiếc tàu này được khởi đóng năm 1983, hạ thuỷ cuối năm 1984 và được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương vào cuối năm 1985. Tiến độ thần tốc này khi đó được đánh giá là không tưởng.

Nó bắt đầu nhiệm vụ chiến đấu vào năm 1988 tại Vùng Vịnh, nơi chiếc tàu trong vòng 7 tháng đã hộ tống 19 đoàn gồm tổng cộng 41 tàu thuyền. Vào năm 1990 nó đã tham gia sơ tán những công dân Liên Xô khỏi Ethiopia.

Vào cuối năm 1990, "Đô đốc Shaposhnikov" đã làm nhiệm vụ trinh sát và theo dõi trên Vùng Vịnh các lực lượng đa quốc gia tham gia vào chiến dịch "Bão táp sa mạc".

Chiếc tàu này từng 3 lần tham gia tuần tra chống cướp biển trên Ấn Độ Dương. Đã giải cứu một chiếc tàu dầu của Nga khỏi cướp biển Somali. Nó từng thượng cờ tại những cảng biển của châu Á và châu Phi,…

Vào năm 2016, nó được đưa vào sửa chữa và nâng cấp. Tháng 6/2020, sau khi quá trình nâng cấp hoàn thành, "Đô đốc Shaposhnikov" ra khơi để chạy thử trên biển Nhật Bản. Dự kiến tàu sẽ quay trở lại hàng ngũ chiến đấu vào cuối năm nay.

Nhưng từ giờ nó đã lột xác hoàn toàn. Và nếu theo phân loại của NATO, thì đó là khu trục hạm mang tên lửa có điều khiển.

Khu trục hạm Đô đốc Shaposhnikov lừng lẫy của Nga còn cách tàu Arleigh Burke Mỹ bao xa? - Ảnh 4.

Tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov

Hiện nay, trên tàu lắp đặt 8 ống phóng tên lửa chống hạm Uran với 8 quả tên lửa Kh-35. Để triển khai các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu trên bộ, nó sử dụng 16 tên lửa hành trình Kalibr bố trí trong các ống phóng đa năng.

Những ống phóng này cũng có thể triển khai cả tên lửa hành trình siêu thanh Onyx lẫn Zircon. Hệ thống pháo được thay thế bằng pháo 100mm với công nghệ tàng hình.

Các phương tiện phòng không vẫn giữ nguyên như cũ. Tuy nhiên, nó có thêm tổ hợp tác chiến điện tử.

Những hệ thống điện tử hiện đại như radar, thiết bị liên lạc, định vị, điều khiển vũ khí. Hai trực thăng chống hạm vẫn được giữ lại. Tất cả đều tuyệt vời, mọi thứ đều làm tăng những khả năng chiến đấu của chiếc tàu.

... nhưng còn cách tàu khu trục lớp Arleigh Burke Mỹ bao xa?

Tuy nhiên, nếu so sánh nó với các khu trục hạm mang tên lửa điều khiển lớp Arleigh Burke của Mỹ, thì những lời thán phục của tạp chí Mỹ về việc tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov Nga "được vũ trang tận răng" là điều hoàn toàn không thể hiểu được.

Hai chiếc tàu này có lượng choán nước và kích thước gần giống nhau, trong đó tàu Arleigh Burke choán nước khoảng hơn 9.000 tấn.

Và thuỷ thủ đoàn của chúng cũng không có nhiều khác biệt - 275 so với 337m cũng như về vận tốc và tầm hoạt động. Nhưng điều đầu tiên đập vào mắt - đó là sự khác biệt rất lớn trong các vũ khí phòng không.

Khu trục hạm Đô đốc Shaposhnikov lừng lẫy của Nga còn cách tàu Arleigh Burke Mỹ bao xa? - Ảnh 5.

Tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov

Trên "Đô đốc Shaposhnikov" có 64 quả tên lửa của tổ hợp Kinzal tầm gần, với khoảng cách đánh chặn là 12km, tầm cao là 6km. Vận tốc tối đa của các mục tiêu cần đánh chặn - khoảng 2M.

Trong khí đó, trên chiếc tàu chiến của Mỹ có 24 quả tên lửa RIM-7 cũng đánh chặn các mục tiêu ở tầm gần, nhưng nó còn có thêm 74 quả tên lửa SM-3 cực kỳ tối tân, có thể hạ gục những mục tiêu ở độ cao lên tới 500km và tầm bắn tối đa 900km hoặc thậm chí hơn, có khả năng đánh chặn được tên lửa đạn đạo tầm trung.

Nhưng ưu điểm quan trọng nhất của hệ thống phòng không hải quân Mỹ đó là "trái tim Aegis" thực hiện phức hợp cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau, có thể chỉ huy và phân công các tàu trong nhóm tác chiến hải quân chia mục tiêu và phối hợp tấn công chúng.

Số lượng tên lửa trên tàu Nga cũng không thể sánh bằng. Thực ra, các tên lửa chống hạm Harpoon cũng tương đương Kh-35 trên Đô đốc Shaposhnikov mà thôi, chỉ có điều không hiểu tại sao người Mỹ vẫn giữ chúng, dù đã lỗi thời từ lâu.

So với 16 tên lửa Kalibr, hoặc Onyx, hoặc Zircon mà sắp sửa xuất hiện trong biên chế của quân đội Nga, trên tàu chiến của Mỹ có tới tận 56 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Gấp tới gần 4 lần.

Thậm chí số lượng ít ỏi các tàu Đề án 1155, mà Nga sẽ nâng cấp, còn không thể mang ra so sánh với số lượng lên tới 68 chiếc khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, đó là chưa kể hơn 10 chiếc nữa đang trong quá trình đóng mới ở các giai đoạn khác nhau.

Cho nên, có thể coi đánh giá "được vũ trang đến tận răng" về Đô đốc Shaposhnikov của Tạp chí The National Interest Mỹ là một "câu nói đùa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại