Khu phi quân sự ở Ukraine có thể được thiết lập như thế nào?

Mai Trang |

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, đang xem xét liệu có nên tạo ra trên lãnh thổ Ukraine một khu phi quân sự để Kiev không thể tiếp cận lãnh thổ Nga hay không. Vậy việc thiết lập một khu phi quân sự sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với Ukraine?

Vì sao Nga cần lập khu phi quân sự ở Ukraine?

Theo ông Igor Korotchenko, nhà phân tích quân sự và là Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng National Defense, về mặt hình thức, khu phi quân sự vẫn là lãnh thổ của Ukraine, nhưng Lực lượng Vũ trang Nga sẽ hiện diện ở đó, hoặc các cuộc tấn công sẽ được thực hiện để không có cơ sở hạ tầng quân sự nào của Ukraine hiện diện trong khu vực.

Mục tiêu và nhiệm vụ chính liên quan đến khu vực phi quân sự là ngăn chặn các cuộc pháo kích vào các thành phố, thị trấn của Nga và đảm bảo an toàn cho người dân.

Khu phi quân sự ở Ukraine có thể được thiết lập như thế nào? - Ảnh 1.

Nga đang xem xét lập vùng phi quân sự ở Ukraine. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Putin lưu ý rằng nếu Ukraine tiến hành các cuộc tấn công chống lại công dân Nga, Moscow sẽ xem xét việc thành lập một khu phi quân sự ở Ukraine vì mục đích an ninh.

“Nguy cơ Ukraine tiến hành pháo kích lãnh thổ của chúng tôi vẫn còn. Chúng tôi có một số giải pháp như tăng cường đẩy lùi những cuộc pháo kích đó, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc sẽ không còn các cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ của chúng tôi. Nên tôi đang xem xét thận trọng về việc tạo ra một khu phi quân sự trên lãnh thổ Ukraine ở khoảng cách xa đến mức không thể tiếp cận lãnh thổ của chúng tôi”, nhà lãnh đạo Nga cho hay.

Tổng thống Nga nhấn mạnh, công việc này sẽ không bắt đầu ngay lập tức, nói rằng Điện Kremlin phải xem tình hình diễn biến cuộc xung đột như thế nào.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, bất kỳ khu phi quân sự tiềm năng nào do Nga tạo ra ở Ukraine nên kéo dài đến gần biên giới Ba Lan.

“Chúng tôi đã tính đến việc Ukraine có thể được cung cấp vũ khí có tầm bắn xa hơn, nên vùng phi quân sự nên đi qua khu vực Lviv, để có thể đóng vai trò phòng thủ”, ông Medvedev nói, đề cập đến thành phố lớn ở phía Tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan.

Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Putin về việc thiết lập khu phi quân sự, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Moscow cần đẩy lùi cơ sở hạ tầng quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraine để đảm bảo an ninh cho các khu vực của Nga.

“Các cuộc pháo kích, ném bom vào mục tiêu dân sự của Nga được thực hiện từ lãnh thổ do chính quyền Ukraine kiểm soát. Nếu Ukraine có được những vũ khí hiện đại hơn và có tầm bắn xa hơn, các cơ sở hạ tầng của Nga nên được đặt trong khu vực phi quân sự”, ông Peskov nói.

Sputnik dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói chính xác Nga sẽ tạo ra khu phi quân sự như thế nào.

Ukraine tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các vùng lãnh thổ Nga sáp nhập hồi tháng 10/2022, bao gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Các lực lượng của Ukraine cũng tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự và tài sản quân sự ở các khu vực khác của Nga.

Vào đầu tháng 6, quân đội Nga đã lên tiếng cáo buộc Ukraine liên tục pháo kích vùng Belgorod của nước này.

“Điều quan trọng đối với chúng tôi khi thiết lập khu phi quân sự là đảm bảo lợi ích quốc gia, đảm bảo rằng các thành phố, thị trấn và công dân Nga không bị Lực lượng Vũ trang Ukraine tấn công”, ông Korotchenko nói.

Theo chuyên gia quân sự Korotchenko, giải pháp tốt nhất là tạo ra khu phi quân sự dọc sông Dnieper.

Một số khu phi quân sự trên thế giới

Khái niệm về vùng đệm phi quân sự đã nhiều lần được sử dụng trong thông lệ quốc tế để đảm bảo an ninh trong thời gian đình chiến.

Vào ngày 27/7/1953, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận đình chiến để thiết lập một khu phi quân sự (DMZ) dọc theo biên giới chung (248 km). DMZ rộng khoảng 4km. Ở cả hai phía của khu vực, có các bãi mìn và các nhóm binh sĩ đáng kể.

Sau Chiến tranh Yom Kippur (6/10/1973 – 25/10/1973), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thiết lập một DMZ dài 75km gần Cao nguyên Golan giữa Israel và Syria vào ngày 31/5/1974. Quân đội Syria và Israel bị ngăn cách bởi một khu vực rộng 400km2, trong đó lực lượng quân sự của hai nước không được phép hoạt động.

Ngày 26/3/1979, Cairo và Tel Aviv ký hiệp ước hòa bình quy định bán đảo Sinai - cây cầu đất liền nối liền Israel và Ai Cập - trở thành vùng đệm, sau hàng loạt xung đột gay gắt. Bán đảo được chia thành 4 khu vực, mỗi khu vực có những hạn chế riêng về số lượng quân đội Ai Cập và Israel có thể đóng quân ở đó.

Nga cần làm gì để tạo khu phi quân sự ở Ukraine?


Theo ông Igor Korotchenko, trước khi thiết lập một khu phi quân sự tiềm năng ở Ukraine, Nga nên giải quyết một số nhiệm vụ chính.

“Nhiệm vụ đầu tiên là đẩy lùi thành công cuộc phản công của Lực lượng Vũ trang Ukraine đang diễn ra. Nhiệm vụ thứ hai là giành quyền kiểm soát hoàn toàn một số phần lãnh thổ, hiện do Ukraine kiểm soát một phần”, chuyên gia Korotchenko nói, đề cập đến các khu vực của vùng Donbass, Zaporizhzhia và Kherson, những vùng Nga đã sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý và hiện do quân đội Ukraine kiểm soát một phần.

“Sau khi chúng tôi đạt được đường biên giới của Nga, theo Hiến pháp, đã bao gồm 4 vùng Nga sáp nhập vào năm ngoái, có thể nói rằng một khu phi quân sự có thể sẽ được tạo ra”, ông Korotchenko nói.

Theo ông, đó sẽ là khu vực không có bất kỳ đơn vị nào của quân đội Ukraine cũng như bất kỳ phương tiện tấn công nào vào lãnh thổ Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại