Không thể mua Pfizer hay Moderna, các nước thu nhập thấp dùng vắc xin Covid-19 gì?

Minh Thu |

Không thể tiếp cận các loại vắc xin Covid-19 nổi tiếng có giá thành đắt đỏ, nhiều nước nghèo chuyển sang dùng vắc xin giá rẻ và dễ tiếp cận hơn.

Trong nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong nước, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã thực hiện tiêm mũi tăng cường thứ 3 vắc xin Pfizer.

Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã tiêm mũi 3 vắc xin Pfizer vào tuần trước. Ngoài vắc xin Covid-19 Pfizer, quốc đảo 5,7 triệu dân còn sử dụng cả vắc xin Moderna trong chương trình tiêm phòng toàn dân. Đầu tháng Chín, Singapore thông báo sẽ tiêm liều tăng cường cho người suy giảm miễn dịch, người già trên 60 tuổi và người sống trong các viện dưỡng lão.

Không thể mua Pfizer hay Moderna, các nước thu nhập thấp dùng vắc xin Covid-19 gì? - Ảnh 1.

Người dân Cuba tiêm vắc xin Covid-19 nội địa Abadala. (Ảnh: Reuters)

Những quốc gia giàu có khác như Anh và Israel cũng đã đặt hàng số lượng lớn các loại vắc xin Covid-19 thuộc thương hiệu nổi tiếng để tiêm phòng cho người dân trong nước nhằm tăng khả năng miễn dịch cộng đồng trước các biến chủng virus corona mới

Còn ở những quốc gia đang phát triển và kém phát triển, nhiều nước chọn cách sử dụng các loại vắc xin Covid-19 có thương hiệu không nổi tiếng bằng Pfizer hoặc Moderna. Những loại vắc xin Covid-19 ít tên tuổi ra đời trong bối cảnh nguồn cung vắc xin Covid-19 trên toàn cầu đang thiếu hụt và gây ảnh hưởng lớn tới chiến dịch tiêm phòng của những nước nghèo hơn.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhằm đối phó kịp thời với dịch bệnh, nhiều nước đã tìm kiếm các loại vắc xin Covid-19 có giá thành rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn. Điển hình là Abdala, 1 trong 5 loại vắc xin Covid-19 do Cuba nghiên cứu và sản xuất. Các nước Mỹ Latinh cùng những quốc gia vùng Caribe như Argentina, Venezuela và Jamaica đã thể hiện sự quan tâm và muốn mua các loại vắc xin do Cuba nghiên cứu. Thậm chí, Iran đã bắt đầu sản xuất và cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19 Soberana 2 của Cuba từ đầu năm nay.

Theo cơ quan chức năng Cuba, vắc xin Covid-19 Abdala đạt 92% hiệu quả ngăn chặn virus corona trong các cuộc thử nghiệm ở nước này. Thông tin này đồng nghĩa với việc vắc xin Abdala ngang hàng với các loại vắc xin Covid-19 hiệu quả nhất hiện nay như Pfizer và Moderna.

Vắc xin Covid-19 Abdala của Cuba được tiêm 3 liều. Ưu điểm của vắc xin này là ổn định ở nhiệt độ 2 - 8 độ C nên không yêu cầu thêm chi phí cho thiết bị làm lạnh chuyên dụng. Điều này giúp các nước thu nhập thấp sẽ dễ dàng sử dụng vắc xin Abdala hơn so với các loại vắc xin mRNA cần được bảo quản ở tủ lạnh âm sâu.

Ngoài 2 loại vắc xin Covid-19 Abdala và Soberana 2, Cuba còn có 3 loại khác là Soberana 1, Soberana Plus và Mambisa (vắc xin dạng xịt mũi).

Tại Ấn Độ, giới chức nước này đã thông báo kế hoạch nối lại hoạt động xuất khẩu các loại vắc xin Covid-19 nội địa từ tháng 10. Trước đó, vào tháng Ba, Ấn Độ tuyên bố tạm dừng xuất khẩu vắc xin để tập trung tiêm phòng cho người dân trước sự càn quét của làn sóng Covid-19 thứ tư.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya đã chia sẻ với truyền thông địa phương hồi tuần trước rằng, tổng sản lượng vắc xin Covid-19 được sản xuất trong nước sẽ vượt con số 1 tỷ liều trong quý IV năm nay và “cao hơn nhu cầu tiêm trong nước”.

Trước khi dừng xuất khẩu hồi tháng Ba, Viện Serum của Ấn Độ, đơn vị sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, đã tài trợ hoặc bán hơn 65 triệu liều vắc xin Covid-19 cho hàng chục quốc gia. Ấn Độ sản xuất các loại vắc xin Covid-19 nổi tiếng của nước ngoài gồm Covishield, phiên bản của vắc xin AstraZeneca của Anh, cùng Johnson & Johnson của Mỹ và Sputnik V của Nga.

Ấn Độ hiện có 3 loại vắc xin Covid-19 được cấp phép sử dụng trong nước bao gồm vắc xin nội địa Covaxin do công ty Bharat Biotech phát triển.

Giới chức thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cho trong tháng 10 sẽ tiến hành thảo luận để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin Covaxin của Ấn Độ. Trên thực tế, một số nước đã và đang sử dụng vắc xin Covaxin để tiêm phong cho người dân như Guyana, Philippines và Zimbabwe.

Công ty Bharat Biotech cho hay, đơn vị này dự kiến sản xuất 35 triệu liều vắc xin Covaxin trong tháng Chín và 55 triệu liều trong tháng 10, cùng kế hoạch cho ra đời 100 triệu liều mỗi tháng tính tới cuối năm nay.

Bharat Biotech nhấn mạnh, kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy vắc xin Covaxin đạt hiệu quả 77,8% hiệu quả phòng Covid-19. Vắc xin Covaxin hiện chiếm 12% trong tổng số vắc xin Covid-19 được tiêm cho người dân Ấn Độ. Ngoài ra, 65% trong tổng số 944 triệu người trưởng thành ở Ấn Độ đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 Covaxin.

Hai loại vắc xin Covid-19 khác do Ấn Độ tự bào chế là Zydus Cadila và Corbevax. Trong đó, Zydus Cadila được chính phủ Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước hồi tháng Tám. Còn vắc xin Corbevax do công ty Biological E ở Hyderabad phát triển cũng đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm. Khả năng vắc xin Corbevax sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 12 năm nay.

Nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đang tự phát triển các loại vắc xin Covid-19 nội địa để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng trong những năm sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại