Không thể chọc thủng A2/AD Nga-Trung, tàu sân bay có bị Mỹ bỏ đi?

Hải Vy |

Theo quan điểm của một số nhà phân tích, việc Mỹ đầu tư vào lớp tàu sân bay Ford thế hệ mới chẳng khác nào "ném tiền qua cửa sổ", khi đối mặt với các hệ thống A2/AD của Nga, Trung.

Mỹ đã quyết định đầu tư hàng tỷ USD vào tàu sân bay lớp Ford để thay thế các tàu lớp Nimitz (phục vụ từ năm 1975).

Ngay khi chính phủ Mỹ quyết định khoản đầu tư này, một loạt các nhà phân tích đã tranh cãi rằng mức độ nguy hiểm ngày càng tăng của các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) mà Trung Quốc, Nga và Iran có trong tay đã khiến tàu sân bay trở nên lỗi thời.

Theo quan điểm này thì việc đầu tư vào một lớp tàu dự kiến sẽ phục vụ trong 90 năm có vẻ chẳng khác nào "ném tiền qua cửa sổ".

Điều này thực chất có đúng hay không?

Theo nhà phân tích Robert Farley, mặc dù các hệ thống A2/AD trên thế giới thực sự có thể hạn chế hiệu quả hoạt động của tàu sân bay lớp Ford nhưng Mỹ vẫn sẽ tìm ra mục đích sử dụng khác cho những con tàu này.

Không thể chọc thủng A2/AD Nga-Trung, tàu sân bay có bị Mỹ bỏ đi? - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford.

Thế nào là "lỗi thời"?

Nhiều nhà phân tích quân sự thường đánh đồng "lỗi thời" với "vô dụng", song không phải như vậy. Trong mọi cuộc chiến, nhiều lực lượng lục quân, hải quân và không quân vẫn chiến đấu bằng các thiết bị cũ, thậm chí cổ lỗ.

Chiến hạm USS New Jersey, được cho là đã lỗi thời khi Thế chiến II kết thúc, vẫn tham gia chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Li-băng. Một trường hợp tương tự khác là cường kích A-10 "Warthog", song nó vẫn tiếp tục góp mặt trong các cuộc chiến của Mỹ hiện nay.

Thậm chí, tất cả các lực lượng quân đội hiện đang tham chiến ở Syria và Libya đều sử dụng những thiết bị quân sự mà Mỹ cho rằng đã "lỗi thời" nhiều thập kỷ trước.

Điều muốn nói ở đây là: Dù tàu sân bay lớp Ford không thể vượt qua các hệ thống A2/AD thì nó vẫn có thể đáp ứng những mục đích khác, như biểu dương sức mạnh, tham gia các hoạt động cứu trợ hoặc tấn công mục tiêu trong môi trường không có quá nhiều thách thức.

Tàu sân bay và chiến lược A2/AD

Người ta đã dự đoán về sự lỗi thời của tàu sân bay kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Liên Xô đã phát triển hệ thống tàu ngầm, các cảm biến tinh vi và máy bay chuyên dụng để tấn công tàu sân bay Mỹ.

Washington cũng triển khai một số biện pháp đối phó, trong đó có máy bay F-14 Tomcat để đánh bại và đánh lạc hướng các hệ thống của Liên Xô.

Không thể chọc thủng A2/AD Nga-Trung, tàu sân bay có bị Mỹ bỏ đi? - Ảnh 2.

Máy bay ném bom Tu-22M "Backfire"

Do chiến tranh 2 phía không nổ ra nên chúng ta không có cơ hội kiểm nghiệm năng lực đối phó của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trước các máy bay ném bom Tu-22M "Backfire" của Liên Xô.

Song, có thể thấy rõ một điều, cả Liên Xô và Mỹ đều đã nỗ lực để đối phó nhau, đáp trả hệ thống vũ khí tiên tiến của đối phương bằng một hệ thống khác tinh vi hơn nhiều. Máy bay ném bom chiếm ưu thế ở một số khía cạnh và tàu sân bay cũng có những lợi thế nhất định.

Ngày nay, mặc dù các tên lửa Trung Quốc có tầm bắn xa và khả năng cơ động ở pha cuối để tìm kiếm tàu sân bay Mỹ nhưng các hệ thống phòng thủ và tác chiến điện tử có thể khiến chúng trở nên không hiệu quả, thậm chí vô dụng.

Tương tự, những bước tiến trong công nghệ chống ngầm có thể hạn chế hoặc loại bỏ các mối đe dọa mà tàu sân bay phải đối mặt dưới lòng biển.

Sự linh hoạt

Sự hữu dụng của tàu sân bay chủ yếu đến từ các loại máy bay mà chúng mang theo. Tàu sân bay vẫn tồn tại bởi chúng hữu ích trong những nhiệm vụ khác, thay vì xâm nhập vào khu vực được phòng thủ chặt chẽ bằng các hệ thống A2/AD.

Không thể chọc thủng A2/AD Nga-Trung, tàu sân bay có bị Mỹ bỏ đi? - Ảnh 3.

Minh họa máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Mỹ.

Trong vòng 25 năm qua, tàu sân bay đã mang lại ưu thế rất lớn cho Hải quân Mỹ khi tiếp cận không phận đối phương.

Mặc dù Mỹ có chậm chân hơn một số quốc gia khác trong việc thích ứng với các mối đe dọa chống tiếp cận mới nhưng chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 và thế hệ 6, cũng như các hệ thống tấn công trên hạm tầm xa có thể giúp khôi phục tính hữu dụng của các tàu sân bay lớp Ford.

Kết luận

Nhiều vũ khí trên thế giới nhanh chóng trở nên lỗi thời. Những thiết giáp hạm khổng lồ thời Thế chiến II được đưa vào cất trữ sau khi hoạt động chưa đầy 1 thập kỷ. Các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu thế hệ đầu thậm chí có tuổi thọ ngắn hơn.

Tuy nhiên, tàu sân bay vẫn được duy trì bởi máy bay có phạm vi hoạt động ngắn và các sân bay cố định lại có những điểm yếu nhất định về mặt quân sự và chính trị.

Song, cũng cần nói rõ rằng, không phải vì những lý do trên mà tàu sân bay lớp Ford là một sự đầu tư lý tưởng đối với quốc phòng Mỹ. Các lỗ hổng của tàu sân bay vẫn luôn tồn tại và Washington cần phải có những phương thức khắc phục các vấn đề này hoặc xem xét một phương tiện thay thế khác trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại