Jack Ma lớn lên ở Hàng Châu (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp, Jack Ma đi xin việc hơn 30 lần nhưng đều bị từ chối, trước khi trở thành giáo viên tiếng Anh.
Năm 1995, ông tới Mỹ và được giới thiệu về Internet. Không biết gì về kỹ thuật, cũng chẳng có kiến thức kinh doanh, Jack Ma vẫn quyết định thành lập trang thương mại điện tử Alibaba. Giờ đây, người đàn ông này đã sở hữu hơn 35 tỷ USD và công ty mà ông thành lập có giá trị vốn hóa thị trường lên đến 396 tỷ USD.
"Tôi nghĩ ai cũng có thể thành công nếu biết thực sự cố gắng," Jack Ma nói trong cuộc hội nghị Viva Tech ở Paris vào tháng 5.
Jack Ma nghĩ vậy bởi chính ông cũng từng trải qua điều tương tự. Năm 1999, ông xây dựng Alibaba trong căn hộ của mình, không một xu dính túi, bên cạnh chỉ có một đội ngũ nhỏ. Đều là những con người bình thường, nghèo khó, nhưng họ lại lấy đó làm động lực cho mình.
"Một trong những điều chúng tôi muốn chứng minh: Nếu Jack Ma và các cộng sự có thể thành công, 80% số người trên thế giới cũng có thể thành công như vậy…"
Không cần tới kiến thức, tiền bạc hay quan hệ, thành công của Jack Ma đều gói gọn trong 3 bí quyết này.
Tư duy khác biệt là sức mạnh của bạn
"Nếu ai cũng đồng tình, có nghĩa là chẳng có cơ hội nào hết," Jack Ma nói tại Paris.
"Nếu người ta chỉ trích bạn, bạn phải biết suy nghĩ. Tôi dành cả đời mình để suy nghĩ về tương lai. Tôi dành cả đời mình để lắng nghe những phàn nàn. Bởi những người như tôi không có tiền, không có công nghệ, không có quan hệ. Thứ duy nhất chúng tôi có thể cạnh tranh với người khác là tầm nhìn về tương lai."
Khả năng nhìn thấy những điều mà người khác không thể đã giúp ông có được lợi thế khi xây dựng Alibaba. Lần đầu được giới thiệu về Internet trong chuyến đi tới Seattle năm 1995, ông ấy đã tìm thử từ khóa "Trung Quốc." "Không có dữ liệu gì về Trung Quốc cả," Jack Ma cho biết.
"Sau đó, tôi nói với bạn mình: Tại sao tôi không làm thứ gì đó về Trung Quốc? Thế là chúng tôi lập một trang web xấu xí tên là Trung Quốc," Jack Ma nhớ lại. Đó chính là nền tảng cho sự ra đời của Alibaba - một "thị trường điện tử dành cho thông tin."
"Nếu tôi nghĩ tương lai sẽ như thế này, còn người khác nghĩ tương lai như thế kia, thì rõ ràng là chúng tôi khác nhau. Khi tin vào tương lai của mình, chúng tôi sẽ bắt tay vào thực hiện."
"Nếu mọi người đều tin vào điều đó, bạn chẳng có cơ hội nào. Nếu không ai tin vào điều đó, nhưng bạn tin, bạn chứng minh được, thì đó là cơ hội của bạn," vị tỷ phú này cho biết.
Hãy giống như Forrest Gump: Không bao giờ bỏ cuộc
Jack Ma từng bị từ chối rất nhiều lần trong đời.
"Tôi đã trượt kỳ thi quan trọng ở trường 2 lần. Riêng cấp 2, tôi trượt đến 3 lần," Jack Ma cho biết. "Tôi đã ứng tuyển vào Harvard, nhưng bị từ chối 10 lần." Cuối cùng, ông học và tốt nghiệp Học viện Sư phạm Hàng Châu, chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh.
Jack Ma cũng từng bị hãng gà rán KFC từ chối đơn xin việc (có 24 người ứng viên nhưng chỉ mình ông trượt còn tất cả đều được nhận). Thậm chí, ông còn thất bại khi xin làm cảnh sát hay bồi bàn tại một khách sạn 4 sao ở Hàng Châu (em họ ông thì được tuyển).
Kể cả sau khi thành lập Alibaba, ông cũng phải đối mặt với sự từ chối. Năm 2001, Jack Ma gọi 5 triệu USD tiền vốn từ các nhà đầu tư Mỹ nhưng cũng bị khước từ. Tuy nhiên, ông không bỏ cuộc, và đến năm 2005, Yahoo đã mua phần lớn cổ phần tại Alibaba. Năm 2014, Alibaba đã lập kỷ lục chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở mức 25 tỷ USD.
Quan trọng là, bạn không được để thất bại khiến mình chùn bước.
"Dĩ nhiên là bạn chẳng vui vẻ gì khi người khác nói ‘không’. Hãy đi ngủ, thức dậy, rồi bắt đầu lại từ đầu," ông khuyên.
Jack Ma cho biết, chính nhân vật Forrest Gump đã truyền cảm hứng cho ông: "Tôi yêu Forrest Gump. Đơn giản thôi - đừng bao giờ bỏ cuộc."
Sử dụng các kỹ năng mà mình có
"Tôi không hiểu gì về công nghệ, tôi không hiểu gì về marketing, tôi không biết nhiều thứ," Jack Ma khẳng định. "Tôi chỉ hiểu con người."
Vì thế, ông đã tận dụng khả năng này. Ông học cách truyền cảm hứng và khơi gợi sức mạnh trong mỗi người khi còn là giáo viên tiếng Anh. Ông động viên, khích lệ đồng đội của mình.
Jack Ma đã tập trung năng lượng của mình vào những người ông phục vụ và những người cùng ông xây dựng công ty. Ông không quá quan tâm tới việc làm hài lòng các nhà đầu tư vì họ rất dễ thay lòng đổi dạ - "khi bạn gặp khó khăn, họ sẽ nhanh chân chạy mất."
"Hãy dành thời gian cho khách hàng. Hãy dành thời gian cho người của bạn, đồng đội của bạn," người sáng lập Alibaba khuyên. "Đừng dành thời gian cho các nhà đầu tư. Đừng dành thời gian cho đối thủ. Khi nhìn mọi người, bạn phải muốn phục vụ họ. Khi nhìn đồng nghiệp của mình mà thấy họ hạnh phúc, bạn sẽ thắng. Chỉ đơn giản thế thôi."