Không phải Mỹ, siêu vũ khí Nga được dùng để "trị" Trung Quốc?

Tiệp Nguyễn |

Tiến sĩ Norman Friedman, người đã có nhiều bài viết quan trọng về vũ khí trên các ấn bản của Học viện Hải quân Mỹ nhận định: tuyên bố về các loại vũ khí mới trong thông điệp trước Quốc hội Liên bang Nga của tổng thống Putin có thể là để nhắm tới Bắc Kinh chứ không phải Washington.

Trong thông điệp trước Quốc hội Liên bang Nga tháng 3.2018, tổng thống Putin đã thông báo về 5 loại vũ khí chiến lược mới mà phương Tây đã biết tới phong thanh trong nhiều năm.

Đó là tên lửa đạn đạo Sarmat, tên lửa siêu thanh Avangard, tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal, tàu ngầm nguyên tử tự hành Status-6, tên lửa hành trình có động cơ năng lượng hạt nhân được phát triển từ thời Chiến Tranh Lạnh.

Chỉ có tên lửa hành trình là có ý nghĩa quan trọng dù cho các nhà phân tích đã biết về nó còn giới truyền thông thì không. Ông Putin tuyên bố một vài vũ khí đã được đem ra sử dụng. Ông đã mô tả chúng dựa vào những hình vẽ trên slide chứ không phải bằng ảnh và những vũ khí thật.

Trong khi đó, CNN có thông tin từ một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng có rất nhiều vụ thử tên lửa hành trình động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân được thực hiện không thành công, tên lửa bị rơi.

Một vài nhà bình luận coi tuyên bố của Putin là một nỗ lực để khiến phương Tây dè chừng ông hơn, trong khi số khác viện dẫn tới chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.

Những cuộc thăm dò ý kiến của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy dân chúng Nga chỉ trích phương Tây và những lệnh trừng phạt quốc tế đã gây nên sự yếu kém cho nền kinh tế của đất nước hơn là lỗi của chính phủ Nga.

Những tuyên bố của ông Putin về sức mạnh lấn át rõ ràng rất được lòng công chúng trong nước khi mà Mỹ đang làm việc với những tên lửa phòng thủ chiến lược một cách tổng thể là để chống lại nước Nga thay vì tự bảo vệ trước một lượng nhỏ các tên lửa đạn đạo nằm trong tay của các chế độ như Iran hay Triều Tiên.

Điều quan trọng hơn là ông Putin không tiết lộ những yếu tố khác trong sự phòng thủ của Nga chống lại các vũ khí chiến lược của phương Tây. Hệ thống phòng thủ tên lửa trên diện rộng là cách duy nhất để làm nghiêng cán cân về hạt nhân, dù cả Nga và Mỹ đều không thể mua đủ các hệ thống đánh chặn để phòng thủ chống lại số lượng vũ khí hạt nhân mà cả hai bên đang sẵn có.

Thiếu đi một lá chắn phòng thủ tên lửa mới, ông Putin chỉ đơn thuần đe dọa phương Tây bằng những gì Nga đã có thể làm trong nhiều thập kỷ. Vũ khí hạt nhân trở thành một hình thức rẻ cho việc phô bày sức mạnh quân sự và thậm chí còn rẻ hơn khi có Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân vì chúng không bao giờ cần phải chứng minh sức mạnh của mình.

Video cách thức tác chiến của tên lửa siêu thanh Avangard.

Nói chung, ông Putin có vẻ vẫn tin tưởng vào những điều ông được tuyên truyền từ khi còn là một sĩ quan KGB trẻ tuổi rằng phương Tây và những xã hội mở là một mối đe dọa sống còn với nước Nga. Điều này không có gì mới trong lịch sử của nước Nga.

Việc tồn tại song song sự thù ghét tính cởi mở trong xã hội và điều hấp dẫn của phương Tây đã tồn tại hàng trăm năm. Câu hỏi cho những ai muốn chống lại chủ nghĩa tự do của phương Tây luôn là khi nào thì Nga chỉ cần phong tỏa, chống lại những ảnh hưởng xấu hay khi nào thì Nga cần nắm lấy thế chủ động.

Nhưng mối e ngại này không hoàn toàn giải thích việc ông Putin nhấn mạnh về những vũ khí hạt nhân trong bài phát biểu của mình.

Học giả Mỹ cho rằng có thể đối tượng khán giả của ông Putin nằm ở phía đông mà cụ thể là Trung Quốc. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã nuôi cấy chủ nghĩa dân tộc ngày càng mạnh mẽ dựa trên ý nghĩ rằng Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy bởi những quyền lực nước ngoài.

Sự thù hằn với Nhật Bản hay việc lấy lại Hồng Kông và Macao là những minh chứng rõ ràng nhất. Bản đồ Trung Quốc vẫn phơi bày điều mà Bắc Kinh luôn cho rằng đó là "những đối xử không công bằng" giữa các nước với triều đại nhà Thanh.

Trong đó, Nga sở hữu một phần lớn Siberia, nơi vẫn còn nhiều dân người Hoa sinh sống ngày nay. Dù Liên Xô đã từng hỗ trợ Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa nhưng trước khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, Liên Xô cũng đối xử với Trung Quốc giống như phương Tây. Khi Liên Xô và Trung Quốc chia rẽ, Trung Quốc trở thành một kẻ thù công khai của Liên Xô.

Hiện tại, Nga và Trung Quốc tuyên bố tình hữu nghị nhưng câu hỏi đặt ra cho cả phương Tây và Nga rằng tình hữu nghị này sẽ sâu sắc đến đâu. Khi chính phủ Nga bắt đầu bán vũ khí hiện đại cho Trung Quốc vào những năm 1990, rất nhiều người Nga đã không hài lòng.

Hiện tại, việc mua bán vũ khí không còn tầm quan trọng lớn với nền công nghiệp quân sự Trung Quốc đang có những bước tiến triển. Rất nhiều người Nga nhận thức rằng lực lượng quân đội Nga mỏng trong khi Trung Quốc lại có một chiếc hồ sâu không đáy về nhân sự, kết hợp với các vũ khí ngày càng tinh vi hơn.

Trung Quốc đã thử nghiệm hệ thống đánh chặn chống tên lửa đạn đạo kể từ 2010. Vụ thử mới nhất diễn ra vào tháng 2.2018. Nga có thể hiểu vụ thử này như là một mối đe dọa với tài sản quân sự quan trọng nhất của họ là vũ khí hạt nhân.

Ở một thời điểm trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ có hệ thống phòng thủ chiến lược quốc gia. Nhưng họ không thể triệt hạ được một cuộc tấn công nguyên tử lớn như người Nga hay Mỹ có thể làm.

Nói cách khác, Trung Quốc sẽ có mong muốn hơn so với người Mỹ rằng sẽ thực hiện một thỏa thuận lớn nếu điều này có thể đảm bảo quyền lực của những lãnh đạo đất nước tại Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang nghĩ họ có thể mua đủ hệ thống đánh chặn để đạt được điều này.

Không phải Mỹ, siêu vũ khí Nga được dùng để trị Trung Quốc? - Ảnh 2.

Các nhà bình luận cho rằng vũ khí mới là con bài trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Putin nhưng không loại trừ khả năng đây là một thông điệp với Bắc Kinh.

Trong hoàn cảnh đó, có thể thông điệp của ông Putin hướng trực tiếp tới Bắc Kinh thay vì Washington. Ông có thể coi tên lửa hành trình có động cơ năng lượng nguyên tử là điều tăng khả năng của Nga nếu phải đánh Trung Quốc - giúp Nga tuần tra và kiểm soát một khu vực rộng lớn, xả hết phóng xạ trên đường bay trước khi nổ - mà không vi phạm những hiệp ước đã làm giảm đi kho vũ khí chiến lược của Nga.

Ông Putin rõ ràng muốn sử dụng chính sách ngăn chặn hơn là tấn công Trung Quốc. Nhưng những mục tiêu của ông còn đi xa hơn việc đảm bảo hủy diệt lẫn nhau và ngăn chặn cuộc chiến hạt nhân giữa Mỹ và Nga. Ông Putin muốn làm Trung Quốc nản lòng trong việc thử phá hoại sự kiểm soát của Nga với Siberia và một đội quân chùn bước có thể giúp thực hiện điều này.

Hệ thống phòng thủ chiến lược quanh Moscow có thể không đủ để phòng thủ trước một cuộc tấn công toàn lực của Mỹ, nhưng ông Putin có thể nghĩ rằng nó sẽ đủ để tiêu diệt những cuộc chiến quy mô nhỏ được thực hiện bởi số vũ khí chiến lược hạn chế của người Trung Quốc.

Ông cũng có thể nghĩ sự tiến bộ áp đảo về đầu đạn sẽ giúp Nga đánh và có thể giành chiến thắng một cuộc chiến hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại