Từ vũng bùn nhơ bẩn, "kẻ lót đường" khiến bóng đá Việt Nam phải cúi đầu

Bát Vân |

Từ chỗ bị đánh giá chỉ là phận lót đường, đội tuyển Indonesia đang có cơ hội rất lớn để giành chức vô địch AFF Cup 2016.

1. Trở về từ World Cup 2014 với danh hiệu Á quân, cùng với giải thưởng Vua phá lưới, Bambang Pamungkas và các đồng đội trở thành những người hùng dân tộc. Họ đã khiến bóng đá thế giới chấn động, trong đó có chiến tích vượt qua chủ nhà Brazil tại tứ kết.

Ở tuổi băm và thể lực không còn sung mãn, nhưng với hơn chục năm kinh nghiệm chinh chiến tại những đội bóng hàng đầu châu Âu như Dortmund và AS Roma, Bambang vẫn đang là đầu tàu của Jakarta Metropolitan và giúp CLB thống trị giải quốc nội với 4 chức vô địch liên tiếp, cũng như làm mưa làm gió tại AFC Champions League.

Không chỉ riêng với Bambang Pamungkas, người vẫn được gọi bằng cái tên trìu mến Bepe, mà với tất thảy người dân Indonesia, giấc mơ đó quả thật rất đẹp. Nhưng giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ, giấc mơ của những người làm nên "Today We Will Win", bộ phim về đề tài bóng đá của Indonesia được khởi chiếu năm 2013.

Từ vũng bùn nhơ bẩn, kẻ lót đường khiến bóng đá Việt Nam phải cúi đầu - Ảnh 1.

Thực tế là Bambang Pamungkas chưa từng ra nước ngoài thi đấu, chứ đừng nói Serie A hay Bundesliga. Và thực tế là, cơ hội để đội tuyển Indonesia có vé dự World Cup… còn khó hơn việc trúng giải độc đắc của Vietlott.

Những bộ phim về bóng đá trên thế giới không hề hiếm, nhưng để làm một phim về bóng đá cho hay lại không hề dễ. Gần tháng trước, "Sút" - phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam về bóng đá cũng được ra mắt công chúng. Khen có, chê có, nhưng tựu trung lại, "Sút" vẫn chưa đem đến một cảm giác "đã" cho những người yêu bóng đá.

Đó là điều mà "Today We Will Win" làm được. Một trận derby của hai đội bóng chung thành phố, nhưng nóng tới mức các cầu thủ phải đi xe bọc thép tới sân. Một trận chung kết sớm khiến người lao động bỏ việc, những doanh nhân hoãn găp đối tác và các quan chức chẳng để tâm đến bức điện của Phó tổng thống.

Từ vũng bùn nhơ bẩn, kẻ lót đường khiến bóng đá Việt Nam phải cúi đầu - Ảnh 2.

Những cầu thủ mình đẫm mồ hôi, những pha tranh chấp quyết liệt, những khán đài rực lửa và những sân vận động chật kín… tất cả đều rất chân thực.

Sự chân thực còn đến từ những tình huống phạm lỗi bị trọng tài cố tình ngó lơ, những tay cá độ thực hiện giao dịch ngay trên sân, những thương vụ đi đêm, móc ngoặc với những huấn luyện viên, cầu thủ, và những trận đấu đều bị thao túng bởi một thế lực ngầm đứng sau. Tất cả cũng đều rất thật. Nếu chỉ có thế, bóng đá Indonesia vẫn còn quá tươi sáng.

2. Nói đến bóng đá Indonesia, người hâm mộ Việt Nam thường nghĩ ngay đến trận Tiger Cup 1998, trận đấu bị xem là đáng xấu hổ nhất trong lịch sử bóng đá khu vực giữa Indonesia và Thái Lan. Nhưng ít người biết, Indonesia chính là đội bóng đầu tiên của châu Á từng được tham dự World Cup. Khi đó, Indonesia vẫn còn là một phần của Hà Lan.

Cũng chính Indonesia đã từng cầm hòa đội tuyển Liên Xô cũ, mà khi đó trong đội hình có sự góp mặt của "Nhện đen" Lev Yashin, thủ môn được coi là vĩ đại nhất lịch sử. Nếu lấy thước đo là những thành tích trong lịch sử, chẳng phải Thái Lan, mà Indonesia mới là đội tuyển giàu truyền thống nhất Đông Nam Á.

Đáng buồn thay, "tấn kịch" năm 1998 lại không phải là "vết nhơ" duy nhất của bóng đá Indonesia.

Cuối năm 2014, hai đội bóng tại giải hạng 2 nước này bị chính các cổ động viên tố cáo đá chỉ mong thua vì không muốn đi tiếp, để rồi phải gặp đội bóng được một băng đảng mafia bảo kê ở vòng tiếp theo.

Từ vũng bùn nhơ bẩn, kẻ lót đường khiến bóng đá Việt Nam phải cúi đầu - Ảnh 3.

Nhưng đó chỉ là hệ quả của một nền bóng đá đã thối ruỗng, mục nát đến mức không gì có thể che đậy nổi, mà điểm khởi nguồn lại từ chính LĐBĐ Indonesia, PSSI.

Tại vòng loại World Cup 2018, đội tuyển Indonesia đã bị FIFA tước bỏ tư cách thi đấu, xóa hoàn toàn kết quả cũng như bị cấm tham dự vô thời hạn các giải đấu quốc tế tiếp theo.

Án phạt cứng rắn của FIFA được đưa ra khi chính phủ Indonesia đã can thiệp quá sâu vào những hoạt động của PSSI. Chiếu theo luật, FIFA hoàn toàn đúng. Với chính bản thân FIFA, họ buộc phải làm điều đó, nếu không muốn nhìn một nền bóng đá đi vào con đường tự diệt.

Và với chính những người dân Indonesia, họ cũng không hề muốn bóng đá sẽ biến mất trong đời sống tinh thần. Vì lẽ đó, mà năm 2010, đích thân Tổng thống đương nhiệm Yudhoyono phải đứng ra tổ chức họp kín với các quan chức nhà nước để tìm ra giải pháp cứu bóng đá Indonesia.

Một năm sau đó, chứng kiến sự khủng hoảng của nền bóng đá xứ Vạn đảo, FIFA còn tước luôn quyền điều hành của PSSI. Quan chức tham nhũng, các trận đấu bị dàn xếp tỷ số trắng trợn và các đội bóng thì chịu sự chi phối của những tổ chức mafia, đó là thời điểm mà bóng đá Indonesia trải qua những giây phút đen tối nhất.

Từ vũng bùn nhơ bẩn, kẻ lót đường khiến bóng đá Việt Nam phải cúi đầu - Ảnh 4.

Bỏ lại những điều xấu xa, dơ bẩn phía sau...

Đỉnh điểm của sự tha hóa, Chủ tịch PSSI, Nurdin Halid bị bắt vì tội buôn lậu nhưng vẫn tiếp tục điều hành cả nền bóng đá sau hai song sắt nhà tù.

HLV lão làng Aris Budi Sulisto cay đắng: "Bóng đá Indonesia đang chết rồi". Đúng, bóng đá Indonesia khi đó tưởng như đã chết. Một cái chết cay nghiệt, ai oán, giống như cái chết của hai cầu thủ ngoại binh đến từ Cameroon và Uruguay, qua đời vì mắc bệnh nhưng không có tiền mua thuốc vì CLB chủ quản không trả lương.

Những người còn lại, từng được hứa hẹn về một cuộc sống sung túc khi theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số, thậm chí còn chẳng nuôi nổi mình và mỗi ngày chỉ dám ăn một bữa. Sống như thế, thì chuyện đá vòng loại Asian Cup 2010 mà không thắng nổi một trận thì đâu có gì lạ.

3. Đội tuyển Indonesia cũng đã ở sát với "cửa tử" tại AFF Cup 2016. Trận thua trước người Thái ngay ở trận ra quân giống như thứ niềm tin ít ỏi bị sụp đổ, vì khiến HLV Alfred Riedl chút nữa đã còn chẳng thể tại vị.

Họ đã gần "chết" nếu không có bàn thắng của Lilipaly trong trận quyết định vòng bảng gặp Singapore. Và họ cũng đã trải qua 120 phút "chết đi sống lại" trong trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình.

Từ vũng bùn nhơ bẩn, kẻ lót đường khiến bóng đá Việt Nam phải cúi đầu - Ảnh 5.

...thầy trò HLV Alfred Riedl đang sống với giấc mơ tuyệt vời nhất.

Nhưng đất chết chẳng thể giết được niềm tin. Niềm tin rũ bỏ những điều xấu xa, dơ bẩn nhất để tìm về ánh sáng.

Giống như cô phóng viên Andine trong "Today We Will Win" quyết tâm theo đuổi sự thật đến cùng, dù cô có phải mất cả người bạn từ thơ ấu và thậm chí cả mạng sống của mình, thầy trò Alfred Riedl đã đánh đổi không chỉ mồ hôi, mà cả nước mắt và máu để chạm tới chức vô địch, thứ có thể giúp họ thay đổi cả cuộc đời.

Nhiều người cho rằng, người Thái thua Indonesia chỉ vì muốn "giúp" AFF Cup 2016 không trở nên quá nhàm chán và vẫn còn cái để mà xem trong trận lượt về. Người hâm mộ Việt Nam cũng đã từng tin như thế. Chỉ một bàn và không để thủng lưới là đủ. Nhưng cứ chờ xem, bàn thắng đó không phải thứ người Indonesia dễ dàng cho đâu. Vì các cầu thủ Indonesia đang chiến đấu cho giấc mơ của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại