4 điều Nga yêu cầu bổ sung trong nghị quyết HĐBA
Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau các cuộc đàm phán kéo dài và phải hoãn đi hoãn lại ba lần từ ngày 9/2/2018 do có sự bất đồng lớn giữa Mỹ và Nga. Trong các cuộc đàm phán Mỹ đã tìm mọi cách để giữ nguyên văn bản của dự thảo nghị quyết, nhưng cuối cùng nghị quyết đã được thông qua với các điều khoản bổ sung của Nga.
Những điều khoản bổ sung do Moskva đề xuất được thông qua tại nghị quyết này là cực kỳ quan trọng:
1) HĐBA khẳng định cam kết mạnh mẽ tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
2) Lên án các hành động leo thang bạo lực không chỉ ở Đông Ghouta mà còn ở cả Idlib và thủ đô Damascus, trong đó có việc pháo kích vào các khu đoàn ngoại giao, các khu dân cư và các cơ sở y tế ở thủ đô Damascus.
3) Khẳng định cần phải có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria theo nghị quyết 2254 (năm 2015) của HĐBA.
4) Khẳng định lệnh ngừng bắn này không áp dụng với các chiến dịch quân sự chống Nhà nước Hồi giáo (IS), Al-Qaeda, Mặt trận Al-Nusra và các nhóm khủng bố khác có liên quan.
Nhà cửa và phương tiện giao thông bị phá hủy sau khi quân chính phủ Syria phát động không kích vào vùng giảm căng thẳng ở thị trấn Arbin, Đông Ghouta tại Damascus, ngày 23/2 (Ảnh: Qusay Noor/Anadolu Agency/Getty Images)
Lệnh ngừng bắn có thể bị lợi dụng
Mặc dù dự thảo Nghị quyết được cho là cấp bách nhằm ngăn chặn thương vong cho dân thường và tạo điều kiện để đưa cứu trợ nhân đạo vào Đông Ghouta, nhưng trên thực tế nó theo đuổi các mục đích hoàn toàn khác.
Trong tình hình quân đội Syria được Nga hậu thuẫn đang tấn công mạnh mẽ và các nhóm khủng bố gồm IS, Al-Qaeda, Mặt trận Al-Nusra, Failaq Al-Rahman, Jayesh Al-Islam... đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, dự thảo nghị quyết của Thụy Điển và Kuwait nếu được thông qua không có sự bổ sung của Nga thì rõ ràng sẽ tạo điều kiện để các tổ chức khủng bố bảo tòan lực lượng và ngăn cản quân chính phủ Syria đang trên đà tấn công tiêu diệt chúng.
Các nhóm vũ trang này được một số nước ngoài ủng hộ chắc chắn sẽ tận dụng thời gian 30 ngày ngừng bắn nhân đạo để bảo toàn lực lượng, khôi phục khả năng chiến đấu với quân đội Syria.
Các yêu cầu bổ sung của Nga là rất chính đáng và công bằng. Đông Ghouta là một trong những khu vực đầu tiên của Syria bị các nhóm vũ trang đối lập chiếm giữ vào đầu cuộc nội chiến. Đây là khu vực nằm ở ngoại ô chỉ cách thủ đô Damascus 5 km theo đường chim bay.
Các lực lượng đối lập, trong đó có cả các nhóm khủng bố thuộc IS, Al-Nusra hay Al-Qaeda... sử dụng Ghouta làm căn cứ và bàn đạp tấn công vào các cơ quan đầu não của chính phủ Syria. Mới đây nhất các lực lượng này đã pháo kích vào những khu dân cư, khu ngoại giao đoàn ở trung tâm Damascus. Đại sứ quán Nga đã bị trúng đạn.
Các đại diện thành viên HĐBA bỏ phiếu về nghị quyết ngừng bắn 30 ngày tại Syria (Ảnh: Craig Ruttle/AP)
Quân đội Syria bắt đầu một cuộc tấn công dữ dội trong khu vực vào đêm 19/2 để đáp trả lại các cuộc pháo kích từ Đông Ghouta và thủ đô Damascus. Theo các nguồn tin độc lập, trong ngày 19/2 đã có 114 quả đạn pháo được bắn vào Damascus làm 13 người chết và 77 người khác bị thương. Đây là chiến dịch quân sự lớn nhất của quân đội Syria vào Đông Ghouta kể từ năm 2013 đến nay.
Bộ tư lệnh quân đội Syria cho rằng, chiến dịch này là cần thiết để bảo vệ thủ đô. Từ tháng 5/2013, quân chính phủ đã bao vây Đông Ghouta, nhưng không kiểm soát được. Các chiến binh đã xây dựng được một hệ thống đường hầm chằng chịt nhằm cố thủ lâu dài để tấn công vào thủ đô Damascus.
Xung đột ở Đông Ghouta cũng gây ra thảm họa nhân đạo. Theo báo cáo của LHQ, khoảng 500 thường dân bị thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương. Riêng trong ngày 18/2 đã có ít nhất 100 người chết, 1.60 người bị thương và 400.000 người mắc kẹt trong khu vực bị bao vây.
Theo đại diện của tổ chức Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF), 13 bệnh viện đã bị phá hủy hoàn toàn, các bác sỹ không thể nhận được thuốc men và các thiết bị y tế để cứu sống bệnh nhân. Việc có một nghị quyết ngừng bắn là hết sức cần thiết cho việc cứu trợ nhân đạo.
Quân đội Syria chính thức tiến hành chiến dịch tấn công Đông Ghouta
Lệnh ngừng bắn mong manh
HĐBA thông qua nghị quyết ngừng bắn tại Syria là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài 8 năm tại đất nước này. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết này không hề dể dàng.
Ngày 25/2, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, ngay sau khi nghị quyết được thông qua, các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Đông Ghouta đang lập kế hoạch tấn công khiêu khích bằng chất độc để đổ lỗi cho chính phủ sử dụng vũ khí hoá học, tiếp tục pháo kích vào thủ đô Damascus vả tấn công quân đội chính phủ ở các vùng giáp ranh.
Hơn nữa, nghị quyết này chỉ quy định ngừng bắn 30 ngày thôi, còn sau 30 ngày thì chưa ai biết điều gì sẽ xảy ra.
Trước đây đã có nhiều cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Syria và các nhóm vũ trang đối lập, nhưng các nhóm này đã bác bỏ tất cả sáng kiến của Syria về việc mở những hành lang nhân đạo, ngăn cản dân thường rời khỏi vùng chiến sự và sử dụng họ làm lá chắn sống.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, những nghị quyết từ New York không đủ để ngừng bắn tại Syria mà cần phải có sự thỏa thuận giữa các bên tham chiến.
Mặt khác, theo nghị quyết 2401, quân chính phủ Syria vẫn có thể tiếp tục các cuộc tấn công chống khủng bố. Để thực hiện được lệnh ngừng bắn, HĐBA cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và các nước hậu thuẫn những phe tham chiến phải có trách nhiệm yêu cầu các bên tôn trọng nghiêm túc nghị quyết này.
Chừng nào chưa có giải pháp thì bất cứ một lệnh ngừng bắn nào cũng không thể đem lại hoà bình cho người dân Syria. Tình hình này đòi hỏi phải nối lại các cuộc đàm phán Geneva càng sớm càng tốt trên cơ sở nghị quyết 2254 năm 2015 của HĐBA và các khuyến nghị của Hội nghị đối thoại dân tộc Syria họp tại Sochi, Nga hôm 30-31/1 vừa qua.