Việc Nga triển khai nhân viên quân sự tới Venezuela vào tuần trước đã trở thành lý do chỉ trích từ Washington trong những ngày qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều kêu gọi Moscow "rời khỏi" Venezuela, chấm dứt hỗ trợ cho Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và hỗ trợ chuyển giao quyền lực cho lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton - viện dẫn Học thuyết Monroe - thậm chí còn đi xa hơn bằng việc đưa ra một lời đe dọa bóng gió đối với Moscow, cảnh báo rằng bất kỳ bước đi quân sự nào ở Venezuela hoặc các khu vực khác ở Tây bán cầu được thực hiện bởi các cường quốc bên ngoài đều bị Mỹ coi là "mối đe dọa đối với hòa bình thế giới".
Elliot Abrams, đặc phái viên Mỹ tại Venezuela, đã chỉ trích vai trò quân sự của Nga ở Venezuela là nguy hiểm và đe dọa phản ứng của Mỹ bằng các biện pháp trừng phạt mới.
Moscow trong khi đó đã đáp trả bằng lời lẽ có phần hạn chế hơn và liên tục chỉ ra những điều vô lý của Washington để bảo vệ quan điểm của mình.
"Họ không nên lo lắng về việc triển khai của chúng tôi ở Venezuela, họ nên tập trung vào việc rút khỏi Syria", cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov nói.
Nga muốn làm trung gian giải quyết giữa chính quyền Venezuela và phe đối lập.
"Trước hết, chúng tôi muốn các chính trị gia của Washington hãy nhìn vào bản đồ. Một phần lãnh thổ của Nga - Bán đảo Chukotka - nằm ở Tây bán cầu. Nói cách khác, lục địa Mỹ là một láng giềng gần gũi của Nga", người phát ngôn của bộ Ngoại giao Maria Zakharova phát biểu.
Theo Moscow Times, Washington dường như đang có kế hoạch chống lại việc Nga lặp lại kịch bản của Syria ở Venezuela.
Vào tháng 8/2015, Moscow đã triển khai một lực lượng chiến đấu nhỏ tới Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, thay đổi cán cân lực lượng, tạo đòn bẩy mới cho Nga và hạn chế khả năng mở rộng của Mỹ.
Trong trường hợp tương tự xảy ra ở Venezuela, Mỹ đang bị cáo buộc muốn đẩy Tổng thống Maduro ra khỏi quyền lực bằng cách mang đến sự công nhận cho lãnh đạo phe đối lập Guaido để có lý do mang đến sự can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã khẳng định, sẽ không có một Syria thứ hai ở Venezuela. Do đó, nhà phân tích chính trị Nga Vladimir Frolov cho rằng, nỗi sợ hãi của Washington có lẽ bị đặt nhầm chỗ.
Mặc dù các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Nga từng nói về việc coi Syria là khuôn mẫu cho các hoạt động quân sự hạn chế ở nước ngoài trong việc đảm bảo lợi ích của Nga, nhưng Venezuela không phù hợp với các hoạt động đó do khoảng cách xa xôi với Nga, trong khi quá gần người Mỹ.
Bên cạnh đó, Nga cũng không có mục tiêu quân sự rõ ràng ở Venezuela khi tình hình chưa có gì đáng báo động.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Venezuela sẽ không phải là "Syria thứ hai".
Như vậy, bản chất thật sự của việc Moscow đưa nhân viên quân sự đến Venezuela là gì? Theo nhà phân tích Frolov, hành động của Nga ở Venezuela giống như chiến lược của Liên Xô tại Nicaragua vào những năm 1980, khi nước này viện trợ kinh tế và hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Sandinista chống lại quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn.
(Đáng lưu ý là Abrams, kiến trúc sư của chiến lược này hiện là đặc phái viên của Mỹ tại Venezuela).
Nga tin rằng Mỹ cuối cùng sẽ thay đổi chiến lược từ tác động bằng lời nói đến việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập nhằm lật đổ Tổng thống Maduro.
o đó, Moscow đang giải quyết vấn đề trên phương diện hai siêu cường với nhau - nói rõ với Washington rằng họ không có quyền tự do hành động quân sự ở bất kỳ nơi nào trên thế giới khi người Nga còn phản đối.
Ngoài ra, việc Nga đang mở rộng sự hiện diện của mình ở Venezuela để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ cũng mang tính biểu tượng rất lớn khi nó rơi vào thời điểm kỷ niệm 20 năm NATO ném bom Nam Tư.
Ở vào thời điểm sự việc xảy ra vào năm 1999, đã có những lời than thở phổ biến ở Moscow rằng Nga quá yếu để ngăn chặn NATO.
Điện Kremlin không muốn sự tương đồng đó xuất hiện ở Venezuela, và kết quả là Moscow coi quốc gia Mỹ Latinh là một thử nghiệm quan trọng về khả năng của Nga trong việc bảo vệ lợi ích và các đồng minh trên toàn cầu - nhà phân tích Frolov nêu quan điểm.
Cũng theo nhà phân tích này, trong khi Nga không có nghĩa vụ bảo vệ Venezuela (mặc dù tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft có khoảng 9 tỷ USD đầu tư ở đó), quốc gia Mỹ La tinh rất quan trọng đối với Nga trong việc trở lại sân khấu toàn cầu trong vai trò một cường quốc ủng hộ trật tự thế giới đa cực, cản trở sự bất ổn gây ra bởi chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.
Cảm thấy rằng chiến lược của Tổng thống Donald Trump ở Venezuela được lên kế hoạch rời rạc, Moscow hiểu rằng điều quan trọng là phải chống lại sự thay đổi chính quyền ở Venezuela để phản ánh các nguyên tắc của Nga về trật tự phải dựa trên luật pháp.
Bằng cách đứng ở sân sau của Mỹ, Moscow cũng hy vọng tạo dựng vị thế lớn hơn với Washington trong các vấn đề khác.
Để có được một thỏa thuận lớn với chính quyền Trump, Nga đang phải mặc cả nhiều vấn đề ở Venezuela, Trung Đông và Ukraine – điều vốn dĩ là khó khả thi, do đó việc trở lại mối quan hệ ngang hàng, bình đẳng với Washington được coi là rất quan trọng lúc này.
Moscow đã rất ngạc nhiên trước cách tiếp cận của Mỹ khi tiến hành các cuộc đàm phán song phương về Venezuela và đồng ý một cuộc họp ở Rome hai tuần trước. Các cuộc đàm phán đã gây tranh cãi và cả hai bên đều còn những điều bất đồng.
Tuy nhiên, Moscow hy vọng sẽ tiếp tục với định dạng hiện tại. Mục tiêu của Nga là làm trung gian giữa chính quyền Maduro và phe đối lập, đồng thời ủng hộ cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới theo cách mà nội bộ Venezuela sẽ tự quyết định chứ không phải là sự can thiệp từ bên ngoài, chuyên gia Frolov nhận xét.