Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa

VŨ UYÊN |

Dẫu biết công nghiệp hóa, hiện đại hóa là giải pháp cải thiện tình hình kinh tế tại Ấn Độ song nhiều người nông dân ở bang Gujarat lại không đồng tình với chính sách này.

Những cung đường rộng mở, những tòa nhà cao tầng cùng nhiều chiếc xe hơi sang trọng hiệu BMW như thay thế hoàn toàn cho sự cũ kỹ và đông đúc ở trung tâm thành phố Ahmedabad.

Một vài người lớn tuổi cho biết: "Cánh đồng lúa mạch, xen lẫn vài luống ngô xanh bát ngát chẳng còn nữa. Bởi vậy, nông dân tại các ngôi làng nằm bên rìa đô thị giàu có đều lo ngại mình sẽ mất chỗ đứng trong xã hội ngày càng hiện đại".

 Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa - Ảnh 1.

Nông dân tại huyện Gandhinagar, bang Gujarat biểu tình bảo vệ đất.

Đối mặt với tình hình khó khăn, ông Lalji Bhai Thakor - một người dân sống tại ngôi làng Bhavanpur nằm cách thành phố Ahmedabad, bang Gujarat khoảng 15km về phia Tây nói rằng: "Hãy để chúng tôi yên. Chúng tôi hoàn toàn vui vẻ với công việc làm nông và không muốn những ngôi nhà của mình biến mất".

Song họ chẳng có sự lựa chọn nào khác, vì câu chuyện về một Ấn Độ hiện đại đã vô cùng rõ ràng – hoặc công nghiệp hóa, hoặc chấp nhận lụi tàn. Nhưng hơn 100.000 cá nhân sống tại nhiều vùng trên khắp bang Gujarat lại ra sức phản đối trước giải pháp này.

Sự phản đối của hơn 100.000 nông dân

Khi đương kim Thủ tướng Ấn Độ ông Narendra Modi còn đảm nhiệm cương vị Thủ hiến bang Gujarat vào năm 2012, chính quyền của bang này đã tiến hành mở rộng vùng đô thị trực thuộc 12 thành phố lớn và "nuốt chửng" khoảng 800 ngôi làng xung quanh.

Nhiều người dân ở gần các thành phố Morvi, Wankaner, Surat hay Himmatnagar từng thi nhau biểu tình nhằm phản đối việc nơi sinh sống bị quy hoạch vào dự án phát triển đô thị.

 Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa - Ảnh 2.

Người dân trồng rau ngay bên ngoài thành phố Calcutta, bang West Bengal.

Có tổng cộng 42 ngôi làng được thoát khỏi thẩm quyền của Ban Phát triển Đô thị thành phố Junagadh vào tháng 9/2015 sau chuỗi ngày biểu tình kéo dài. Song tại những khu vực khác thuộc bang Gujarat thì mọi nỗ lực đều không đem lại kết quả khả quan nào.

Cụ thể, chính quyền thành phố Ahmedabad vẫn đưa ra đề xuất thu hồi 40% quỹ đất từ các ngôi làng để làm đường, xây dựng bệnh viện cũng như khu đô thị mới. 

Họ cũng khẳng định rằng, điều đó giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và nâng cao giá trị của 60% diện tích đất còn lại.

"Họ nói việc làm này thừa sức đền bù cho 40% diện tích đất mà chúng tôi buộc phải từ bỏ ban đầu.

Nhưng tất cả người nông dân sống tại 68 ngôi làng khác xung quanh thành phố Ahmedabad hoàn toàn không muốn mất gần một nửa quỹ đất do bản thân sở hữu chỉ để đổi lại lời hứa về một tương lai tốt đẹp hơn. Chẳng ai tin vào điều ấy, và tôi cũng vậy!", ông Thakor bình luận.

 Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa - Ảnh 3.

Làng Bhavanpur, cách thành phố Ahmedabad, bang Gujarat khoảng 15km.

Khoảng 100.000 nông dân sống tại nhiều vùng trên khắp bang Gujarat đã tiến hành gặp mặt nhằm bàn thảo giải pháp chống lại sự mở rộng của các thành phố. Thậm chí, nhiều người đã đưa vấn đề này ra tòa án bang Gujarat.

"Chúng tôi tin đây là một âm mưu lừa đảo hòng chiếm đoạt đất đai. Vì sao họ cần nhiều đất như vậy chỉ để làm đường và xây các công trình công cộng? Chỉ một lượng nhỏ trong quỹ đất đó là quá đủ rồi", ông  Jassu Ba, một lão nông 70 tuổi sống tại làng Nasmed chia sẻ.

Nhiều ý kiến trái chiều

Đối với người nông dân trồng lạc, bông, lúa gạo và cây thì là, việc bị mất gần một nửa quỹ đất sẽ khiến các cánh đồng mà họ sở hữu bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình sản xuất nông nghiệp.

"Làm nông trên những miếng đất nhỏ là một điều khủng khiếp, bởi cây trồng sẽ không thể phát triển tốt như trước. Chúng tôi chẳng thể nào duy trì đủ sinh kế", ông Dara Singh, đứng đầu hội đồng làng Nasmed nói.

 Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa - Ảnh 4.

Ông Dara Singh, đứng đầu hội đồng làng Nasmed.

Tầng lớp nông dân tại bang Gujarat cũng lo ngại quá trình đô thị hóa trên quy mô lớn sẽ khiến nguồn nước tưới tiêu bị thiếu thốn trầm trọng.

"Đa phần nguồn nước nông nghiệp tại khu vực phía Bắc và Trung được cung cấp bởi con sông Narmada. Song chính quyền bang này lại mới thông báo rằng, chúng tôi chỉ có thể nhận nước tưới tiêu tới tháng 3/2018 và phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên, nếu họ đổ bê-tông ở khắp mọi nơi thì còn lấy đâu ra nguồn nước ngầm nữa", ông Singh nhấn mạnh.

 Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa - Ảnh 5.

Hơn 100.000 nông dân tại Ấn Độ phản đối đô thị hóa.

Tháng 11/2017 vừa qua, đương kim Thủ hiến bang Gujarat ông Vijay Rupani đã tuyên bố nơi này có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất cả nước – chỉ 0,9% nếu so với mức trung bình toàn quốc là 5%.

Nguyên nhân dẫn tới sự thành công trên cũng hết sức rõ ràng, đó là vì Gujarat là một bang được công nghiệp hóa và đô thị hóa tương đối mạnh mẽ. Song không phải ai cũng đồng ý với lời giải thích từ ông Rupani.

"Chúng tôi chẳng có kỹ năng gì để làm việc trong môi trường đô thị. Nếu buộc phải lao động chân tay thời vụ tại các thành phố thì phẩm giá của biết bao người sẽ bị tổn hại", ông Thakor nói.

 Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa - Ảnh 6.

Nhiều khu vực đã mở rộng quá nhanh mà không được quy hoạch theo cách hợp lý.

Bà Persis Ginwalla - một nhà hoạt động vì quyền người nông dân thuộc tổ chức phi lợi nhuận Andolan Gujarat tại thành phố Ahmedabad cho rằng, tình trạng thiếu việc làm là một hậu quả tự nhiên của quá trình đô thị hóa quá nhanh.

"Những khu khu công nghiệp cũng như trung tâm đô thị cần nguồn lao động thời vụ hoặc bán thời gian với mức lương thấp, dễ dàng tuyển dụng và đào thải. Nông dân tại các ngôi làng chịu đô thị hóa sẽ lấp đầy nhu cầu đó", bà Ginwalla khẳng định.

 Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa - Ảnh 7.

Các hệ lụy liên quan tới vấn đề cung cấp nguồn nước và nhà ở cho cư dân.

Số liệu thống kê cho thấy: Bang Gujarat là một trong những địa phương có quá trình đô thị hóa mạnh nhất Ấn Độ với khoảng 42/100 người sống tại các thành phố - khi con số trung bình của toàn quốc chỉ là 31.

Do vậy, nhiều khu vực ở bang này đã mở rộng quá nhanh mà không được quy hoạch theo cách hợp lý. Điều đó gây nên các hệ lụy liên quan tới vấn đề cung cấp nguồn nước và nhà ở cho cư dân.

Tiếp tục đấu tranh

Một nhân viên cấp cao thuộc cơ quan phát triển đô thị cho rằng, sở dĩ nhiều người dân muốn chuyển tới sống tại các thành phố vì họ muốn tìm kiếm cuộc sống thoải mái và tiện nghi hơn gấp nhiều lần. 

Nhưng ông Singh lại không đồng ý với nhận định trên: "Năm 2009, làng Nasmed của  chúng tôi bị chuyển vào sự quản lý của Ban Phát triển Đô thị thành phố Ahmedabad (AUDA).

Nếu lời hứa hẹn từ quan chức chính phủ là sự thật, chắc hẳn  chúng tôi đã có những con đường nhựa đẹp đẽ cùng hàng loạt ngôi nhà khang trang rồi. Vậy mà hãy nhìn xem, liệu bạn có trông thấy con đường nhầy nhụa đất kèm theo khu cống rãnh nhơ nhuốc ngoài kia?

Trước thực trạng như vậy, chúng tôi nhất định phải tiếp tục cuộc chiến nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của AUDA".

Cử tri sống tại vùng nông thôn không ủng hộ

Kết quả bầu cử địa phương vào tháng 12/2017 vừa qua đã phần nào cũng cho thấy sự phản đối của người dân bang Gujarat đối với giải pháp đô thị hóa: Đảng Nhân dân Ấn Độ BJP cầm quyền chỉ giành một thắng lợi duy nhất vào phút chót, và hầu như không nhận được sự ủng hộ của tầng lớp cử tri sống tại vùng nông thôn.

 Không muốn mất đất, Nông dân Ấn Độ gay gắt với chính sách đô thị hóa - Ảnh 8.

Đương kim Thủ hiến bang Gujarat ông Vijay Rupani.

Các nhà phân tích nhận định rằng, nếu tiến hành bầu cử riêng lẽ tại các khu vực nông thôn của bang Gujarat thì đảng BJP sẽ phải chịu thất bại thảm hại.

"Chính quyền không cho người dân sống ở vùng nông thôn tiếp cận với cuộc sống tốt đẹp mà bắt họ phải chuyển tới các thành phố khác - nơi chất lượng sống thấp hơn mức hiện tại.

Ngoài ra, những mô hình đô thị hoạt động kém hiệu quả cũng đang phát triển tại nơi ở vốn có của họ", ông Sagar Rabari - thư ký của tổ chức bảo vệ quyền lợi nông dân Khedut Samaj khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại