Vào tháng 11/2013, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phát hiện một vấn đề phát sinh trên các chiếc Boeing 777 . FAA cảnh báo các vết nứt bên dưới ăng-ten vệ tinh nằm ở thân máy bay có thể làm mất tính toàn vẹn cấu trúc của máy bay.
FAA cùng với đó thúc giục một số hãng hàng không trong đó có Malaysia Airlines, tìm ra các dấu hiệu ăn mòn nếu có dưới lớp vỏ máy bay.
Thân máy bay do phần lớn làm từ nhôm nên dễ bị ăn mòn theo thời gian, dẫn tới tình trạng dễ hư hại cấu trúc khung thân máy bay. Khi khung máy bay bị hư hại, chênh lệch áp suất khi máy bay ở độ cao trên 10.000 m có thể sẽ gây ra tình trạng giảm áp đột ngột làm vỡ khung.
Tại thời điểm đó, FAA tuyên bố nhận được một báo cáo về các vết nứt và ăn mòn ở thân máy bay bên dưới bộ chuyển đổi ăng ten SATCOM. Cụ thể, một nhà điều hành thông báo đã phát hiện ra một vết nứt dài 0,4 m dưới ăng-ten SATCOM 3 của một máy báy 14 tuổi.
Sau khi phát hiện ra vết nứt này, nhà điều hành trên tiếp tục kiểm tra 42 máy bay khác từ 6-16 tuổi và phát hiện thêm một số ăn mòn cục bộ.
FAA lo ngại tình trạng tương tự có thể xảy ra ở nhiều máy bay khác nên kêu gọi các hãng hàng không mở các đợt kiểm tra bổ sung với giá thành khoảng 2.400 USD (hơn 50 triệu đồng) vào lịch bảo trì định kỳ của đội bay Boeing 777 trên toàn thế giới.
Chưa đầy 1 tuần trước khi MH370 biến mất, Malaysia Airlines tìm thấy một vết nứt dài gần 0,4 m trên thân một chiếc phi cơ trong đội bay Boeing 777 của hãng.
FAA khẳng định 2 ngày trước khi MH370 mất tích, họ đã đưa ra cảnh báo cuối cùng tới Malaysia Airlines, yêu cầu hãng hàng không mấy kiểm tra tất cả các máy bay còn lại.
Tuy nhiên, Boeing sau đó nói rằng chiếc Boeing 777 chở 239 hành khách gặp nạn hôm 8/3/2014 không sử dụng ăng ten giống như những chiếc 777 còn lại nên không thể có rủi ro từ các vết nứt hay ăn mòn máy bay.
Malaysia cũng xác nhận chiếc máy bay gặp nạn đã hoàn thành công tác bảo trì vào ngày 23/2, 12 ngày trước chuyến bay cuối cùng.
Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc chở theo 239 người.
Trong báo cáo công bố ngày 30/7/2018 dài 495 trang, các điều tra viên Malaysia cho biết họ vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác máy bay biến mất.
Hồi đầu tháng 3/2019, chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ cân nhắc mở lại chiến dịch tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines nếu xuất hiện các bằng chứng mới hợp lý.