img
“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 1.

Năm H’Liu mang thai H’Ne, cơn đau chập chờn quanh vú nhiều lần khiến H’Liu không lết ra khỏi giường… 

Ở buôn H’Liu, người Ê-đê sống nương vào cây cà phê và đất bazan màu mỡ. Nhưng chỉ một ngày nghỉ, gia đình H’Liu sẽ đối diện với cái đói vì thiếu gạo trước vụ mùa. H’Liu nằm nhà một hôm, sớm sau lại dằn cơn đau, theo chồng lên nương.

Sinh H’Ne hơn 8 tháng, đầu vú trái của H’Liu bắt đầu bít sữa, sữa vừa chảy ra đã vón cục, đặc quánh như cao su. Nhiều lần luồn tay qua vú, H’Liu loáng thoáng cảm nhận những cục nhỏ li ti, nhỉnh hơn quả trứng cút. H’Liu lắc đầu, tự an ủi mình.

“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 2.

"Để mai đưa em đi huyện?" - nửa đêm, chồng H’Liu nói.

"Thôi! Vài ngày lại hết, nhà không gạo, con không có ăn".

"Không! Anh đưa em đi…"

Sáng sau, Y’Thân (chồng H’Liu) bắt con chó bán được hơn 400 nghìn đồng, hai vợ chồng đèo xuống huyện. Bác sĩ đẩy H’Liu vào thử máu, siêu âm, chụp phim, hết nửa ngày thì chẩn đoán đau dạ dày, bốc ít thuốc cho về. Đợt đó, có thuốc, hết đau H’Liu lại lên nương. 

Nhưng chẳng bao lâu, cái bụng H’Liu đã chướng lên gấp hai, mặt bọng bóng nước và hàng ngàn con kiến như bò quanh núm vú cắn vào mạch sữa khiến chị co quắp tê dại. Nhiều đêm, nước mắt giàn giụa, H’Liu ôm con nghĩ chuyện chẳng lành.

"Gia đình đưa chị xuống tỉnh, bác sĩ cho nhập viện. Bác sĩ gọi mệ, gọi chồng vào phòng, nói gì đó mà lúc ra không ai dám gặp chị, ngồi hành lang khóc cả ngày…" - H’Liu nhớ lại.

H’Liu nghĩ về sự chẳng lành. Ung thư - H’Liu đã nhiều lần xem trên phim truyền hình, nghe qua loa phát thanh của huyện và chương trình y tế mỗi năm tỉnh về buôn tổ chức. Nhưng trước giờ buôn H’Liu ở chưa ai bị.

"Con ung thư hả mệ?" – H’Líu hỏi.

"Không! Làm gì có". Mẹ chị lắc đầu.

"Mệ đừng giấu con!"

"Mệ không giấu con! Bệnh con để lâu nên nặng, bác sĩ muốn con đi Sài Gòn, khi nào có giấy thì mệ con mình đi…"

Trong đầu của người phụ nữ dân tộc trình độ vừa hết lớp 6, H’Liu thừa biết bệnh chuyển xuống Sài Gòn là nặng lắm. Nhưng cái chết thì H’Liu chưa bao giờ dám nghĩ tới. Chuyến xe đưa H’Liu đi vào một chiều tháng 11, bên kia nương, khói bếp vừa sực toả trên nếp nhà sàn cũ kỹ. Chị ôm con xíu rồi đi. 

“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 4.

Những con xe to gấp 5, 6 lần chiếc máy cày từng khiến H’Liu tò mò, rồi quen dần. Con đường đông nghịt người ngày ngày đến viện từng khiến H'Liu hoảng sợ, sau này chị phải đi qua nó nhiều hơn số lần từ buôn ra chợ huyện. Và căn phòng nồng nặc mùi thuốc của bệnh viện Ung Bướu TP.HCM từng khiến H’Liu bật khóc, dần dà cũng thân thuộc như buôn làng H’Liu cả đời lớn lên.

Lần đầu tiên H’Liu xuống phố, mẹ H’Liu một mực theo con. Đôi dép lê bám đát, cái nón cời và chiếc túi xách to… được chị chất đống lên vai. Chuyến xe đi xuyên đêm, vòng vèo uốn lượn gần 400 km đường rừng, bên vách đá, bên vực sâu. H’Liu nhìn ngôi nhà mình nhập nhoà qua ô cửa, nắm tay mẹ, chị khóc cả đêm. Bởi đó là lần đầu H’Liu ra khỏi buôn, lần đầu H’Liu ngồi trên con xe lớn ngoài chiếc máy cày quê mình. Sau này, chị đếm không xuể bao nhiêu lần trên chuyến xe đi Sài Gòn ấy, chị khóc.

6h sáng, xe đậu bến Miền Đông, người ta "tống" H’Liu lên xe ôm, lao vun vút giữa dòng người ken đặc. H’Liu nhắm chặt mắt, tay cầm vạt áo tài xế không buông. Xe dừng trước cổng, H’Liu đọc 2 chữ ung bướu, chị rùng mình. 

Đợt đó, chị ra ra vào vào viện hơn 2 tháng, nhưng bác sĩ chỉ lắc đầu.

Lần tiếp theo, cả nhà gom góp một triệu hai cho H’Liu xuống phố. Người chồng muốn theo phụ vợ, nhưng chị ngăn, "tiền anh đi đủ để em đi đi về về thêm lần nữa…".

H’Liu đi một mình. Lúc khoẻ xếp hàng xin cơm, mệt thì nhờ người chia bớt rau củ ăn qua ngày. Ở viện hơn tháng, chẳng còn một đồng về xe, H’Liu buộc phải ở lại Sài Gòn. Chí ít ở đây, bảo hiểm lo đủ 100% tiền thuốc, ăn cơm từ thiện, ngủ nhà tình thương. Còn về quê, H’Liu lại dằn vặt giữa tiền mua gạo cho con hay vé xe đi Sài Gòn.

Sau 2 tháng, khối u nhỉnh hơn quả trứng cút giờ đã thành trứng gà, đã chạy sang gan, vào trong xương, u mẹ đẻ u con xâm chiếm toàn cơ thể chị. Nhiều ngày liền sau khi vào thuốc, chị lên cơn co giật, chập chờn mê sảng, có khi vừa mở miệng cầu cứu thì môi, lưỡi, răng đã đông cứng như đá.

“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 6.

Tháng 7 cùng đợt nóng cuối cùng của mùa khô đã sắp hết. Nhưng nhiệt độ thành phố lúc này vẫn tăng cao. Nắng nóng trên 40 độ C giữa trưa khiến mọi thứ trở nên ngột ngạt. Như có lửa. Chiếc quạt chết đừ quay trên trần nhà bệnh viện không đủ xua đi sự mệt mỏi thường trực.

Khác hẳn vẻ xinh đẹp của tán điệp vàng rủ hoa ngoài sân, trên bậc tam cấp, trước phòng bệnh đều lấp đầy khuôn mặt lo âu, nhăn nhúm. Vài đứa trẻ mắt chột, đầu to, cụt chân không còn ầm ĩ, chúng nằm lả đi trên vai bố mẹ, trong khi vài người khác đã kịp ngả lưng xuống chiếc ghế nhựa, chờ đợi được gọi tên. Bên kia nữa, tốp phụ nữ trọc đầu ngồi trên hành lang, cố giấu mình trong tấm khăn mỏng, như trốn tránh cái nóng.

Ngày bệnh viện dài như vô tận.

Tôi gặp H’Liu trước cửa khoa Nhi, H’Liu bận chiếc áo hoa, tay xách cái gùi con, nói chuyện bằng mớ tiếng Kinh tương đối sõi cùng chị em đồng bệnh. Tháng trước, một trong số chị em ấy, cũng ngồi đây, vui vẻ. Vậy mà đợt vừa về, trong cơn dằn thuốc, có chị tự tử. Ngày đưa tang, người đến viếng, khóc ròng.

"Hồi vào viện, bác sĩ đưa giấy khám của chị ghi ung thư IV. Nghe ung thư chị nghĩ mình chết chắc, nhưng còn số thì đọc không ra. Chị chạy đi hỏi số mấy, họ bảo số 4, ung thư 4 là sao, họ kêu cuối, chết rồi…" - H’Liu cười.

Đêm đêm, H’Liu nằm nhớ các con. Cái hồi H’Ne 3 tuổi rưỡi, có lần chị co giật, sốt mê man 40 độ đến mức phải bò đi trong nhà, con bé đỡ mẹ mãi không nổi, bốc vốc thuốc hối chị uống nhưng chị đã ngất. Lúc tỉnh dậy, đi tìm con thì chị thấy H’Ne đã trốn trong góc giường, trùm cái mền mà khóc sưng mắt. Chị hỏi "Con sao thế?", con bé bảo: "Mệ đau, con đau, mệ khóc, con khóc, nhưng con không muốn mệ chết"…

Từ đó, H’Liu sợ chết vô cùng!

Chết ở Sài Gòn, H’Liu sẽ chết một mình, sẽ không có tiền đưa xác về nhà, sẽ chẳng nhìn mặt các con mà dặn "đừng buồn mệ!". Chị thầm cầu nguyện được về nhà chết.

Vài hôm sau, như hay điềm chẳng lành, H’Ne khóc lóc, nài nỉ đòi gặp mẹ. Qua điện thoại, mẹ nó ú ớ trong tiếng nức nở của con: "Con ở nhà có mệ cô giáo rồi, không đòi mệ nữa. Mệ vô thuốc… Đừng chết… Về với con".

Chị khóc như mưa.

“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 8.

Tới lần hóa trị thứ 6, tiền bạc trong nhà cạn kiệt, người chồng hiền lành đâm vào rượu. Ngày ngày, anh say,  chửi mắng, doạ đánh H’Liu. Gương mặt đỏ au, hung hãn đôi lúc làm H’Liu chẳng còn nhận ra Y’Thân, nhận ra người từng yêu chị hết lòng.

13 năm trước, H’Liu đổ vỡ trong một cuộc hôn nhân vội vã. Người chồng trước yêu H’Liu, nhưng anh cấm H’Liu bước chân ra khỏi nhà, cấm H’Liu mặc đồ đẹp, gặp mặt, nói cười líu lo với mọi người. Vừa tròn 18 tuổi, H’Liu đã sống như con chim non nhốt trong lồng. Cô đơn. Tội nghiệp.

Cho tới khi gặp Y’Thân, chàng trai chưa vợ thương cô gái hiền lành, ngày ngày cúi gằm mặt vác bó củi, bươn con suối trên nương. Ngày H’Liu ly dị, Y’Thân quỳ gối trước bố mẹ chị: "Cả đời còn lại con sẽ chăm sóc cho em…". H’Liu mủi lòng.

Vậy mà, rượu vào, Y’Thân thành người khác hẳn. Y’Thân cho rằng vì H’Liu mà nhà hết gạo, chửi H’Liu đi Sài Gòn bỏ cha con giữa mùa, chửi H’Liu, mong H’Liu chết để anh đỡ khổ.

Chửi rồi quên. Sáng sau, Y’Thân một mình lên nương, sau khi đã nấu niêu cơm, đã bẻ trái bơ để trước nhà: "Xuống bán kiếm tiền rồi về với cha con anh nhé…". Nghe chồng nói H’Liu chẳng đành buông tay.

4h30 chiều, cuộc hành trình của H’Liu bắt đầu. Hôm nay, H’Liu đi bệnh viện với hai bàn tay trắng, ví tiền rỗng và cái gùi nhỏ và thùng bơ xanh. Những quả bơ to ụ sắp ngay ngắn trong xấp lá chuối, đó sẽ là số tiền H’Liu đi xe, sống sót ở đất khách và vượt cái chết để trở về.

Xe vừa xuất bến, mắt H’Liu đã ươn ướt, nhìn con mãi không thôi. H’Ne dần quen với bữa cơm vắng mẹ, quen những đêm chập chờn thức giấc nhìn mẹ vật lộn với cơn đau, quen những chiều mẹ lặng lẽ đi xa, một cảm giác sợ mẹ chết khiến nó vỡ oà. 

Con bé chẳng biết Sài Gòn là gì, có bao điều mới lạ, nhưng nó chắc chắn Sài Gòn có bác sĩ, bác sĩ thì cứu được mẹ nó. Bữa đi, H’Ne dặn: "Đem bơ đổi thuốc… Về với con". 

Chị khóc. 

“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 10.

"Lúc chị yếu đuối nhất, sợ chết nhất, chị lại nghĩ con còn đang ở nhà chờ, nên mình không được phép chết ở Sài Gòn. Nhưng cứ bước lên xe là một lần chị sợ sẽ chết đâu đó ở đây" - H’Liu kể.

Những ngày đồng hành cùng H’Liu, tham gia hỗ trợ bệnh nhân ung thư và tận mắt chứng kiến cuộc vật lộn vì khối u thành hình trong cơ thể, tôi mới thấu hiểu sâu sắc những khó nhọc mà người đàn bà Ê-đê này phải chịu. Sài Gòn với H’Liu không phải miền đất hứa, không tạo ra tiền, miếng ăn, việc làm. Sài Gòn với H’Liu là nỗi ám ảnh sợ chết, là cơn đau tê dại và cuộc mưu sinh kiếm đủ 400 nghìn đồng vé xe.

“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 11.

Với nhiều bệnh nhân, bản án khắc nghiệt của căn bệnh ung thư khiến họ suy sụp, u buồn. Lần đầu vào thuốc tóc đã rụng hẳn, sụt cân. Mất mát hiện trên cơ thể khiến sự tự tin của họ bị phá hủy, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, muốn được từ bỏ điều trị trước khi căn bệnh vào giai đoạn cuối.

Riêng H’Liu, chị không gào khóc, không chạy trốn, chị chấp nhận ung thư như một phần cơ thể, như da, như thịt. Nhưng đau. 

5 giờ sáng, đêm chưa kịp tan, H’Liu đã tất bật lên chuyến xe từ mái ấm Gary (Thủ Đức, TP.HCM) lên viện, suốt nhiều ngày dài chờ đợi xét nghiệm, thử máu, hoá trị. Trong cơn đau có lúc cắn chặt răng chịu, nhưng H’Liu vẫn sẵn sàng nhường giường cho người yếu hơn để ngồi truyền thuốc trên ghế nhựa.

Sau ngày vào hoá chất, H’Liu lại vui vẻ muốn được ăn ngon để bù trừ cho cái bụng đói buổi sáng. Chị hài lòng khi xếp hàng đợi đĩa cơm 2.000 đồng có thịt, ngồi tỉ mẩn lựa quần áo cũ cho H’Ne trong đống đồ tình thương chất thành núi.

“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 12.

Tay trắng và bệnh tật, nhưng H’Liu vô cùng mạnh mẽ. Có lúc băng qua đường, H’Liu đột ngột dừng lại, lục túi áo rồi kéo tờ 10 ngàn phẳng phiu đặt vào chiếc nón rách của một người ăn xin.

- Con gửi cô - Chị cười mỉm, rồi quay đi trong tiếng cảm ơn nhỏ thẻ của người ăn xin ngoài 50, lành lặn và tỉnh táo hơn chị.

"Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp mất…" - Nam Cao đã viết như vậy. Ở H’Liu, "cái chân đau" đó chưa bao giờ phá huỷ con người lạc quan của chị. 

"Sài Gòn cho chị đủ thứ, cho chị ăn, cho chị ở, cho chị thuốc chữa bệnh nên chị phải giúp người nghèo hơn…" - chị cười.

Điều gì khiến H’Liu mạnh mẽ? Có phải khối u khiến chị ham sống? Từ bao giờ chị lạc quan như vậy?… Ngày gặp H’Liu, tôi đã đặt ra hàng ngàn câu hỏi trước nghị lực phi thường của người phụ nữ ấy. Đáp lại tôi, H’Liu bảo: "Chị không muốn chết ở Sài Gòn. Chị muốn gặp lại con ở nhà…" 

H’Liu tính, khi khoẻ hơn, chị sẽ ở lại Sài Gòn hẳn, xin chân công nhân trong xí nghiệp. Không về buôn, không thành gánh nặng tiền bạc, lại dư chút đỉnh tiền nuôi các ăn học. Đó là mơ ước còn lại của H’Liu.

Chiều thứ 6, sau đợt vào hoá chất cuối cùng, chị sắp xếp lại đồ đạc, lên chuyến xe trở về. Trên tay H’Liu hôm nay có thêm bộ quần áo cũ cho con. Tôi mường tượng khuôn mặt chị sẽ tươi vui biết bao khi ngắm H’Ne nhỏ xíu trong chiếc áo Mickey, búp bê Barbie cũ.

16h, dòng người tan tầm đổ ra đường. Những con người nhanh chân đang mong mỏi trở về nhà để kịp buổi cơm tối. Trên con đường đi về muôn ngả ấy, H’Liu cũng đang trở về nơi cách Sài Gòn 400km.

Và sớm mai thôi, khi sương mai còn vờn trên bông cà phê trắng muốt, nếp nhà sàn còn yên bình trong núi rừng Ea Tuk, chị sẽ hiện ra ở khung cửa, ôm lấy con thì thầm lời mình đã hứa: "Mẹ đã lấy bơ đổi thuốc… Mẹ không chết! Mẹ đã về với con…"

“Không được phép chết ở Sài Gòn”: Suất cơm 2000 đồng và ước mơ nhỏ nhoi của người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 14.

Xin được đón nhận những tấm lòng sẻ chia với chị H’Liu Niê (31 tuổi, ngụ Cư Pưng, Krông Buk, Đăk Lăk).

Mọi đóng góp, ủng hộ xin liên hệ số điện thoại:

088.976.0228 (gặp chị H’Liu Niê)

Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Sacombank:

050087185955

Chủ tài khoản: H Siu Nie (em gái H’Liu Niê), chi nhánh Buôn Hồ, Đăk Lăk.

Cú pháp ủng hộ bạn có thể sử dụng: Ung ho HLiu Nie chua benh ung thu.

Huy Hậu
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ19/08/2019