Không được chủ quan với nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc

THANH HÀ |

Việt Nam chưa có nhà máy điện hạt nhân nhưng chúng ta bị đặt vào tình thế phải có phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra từ các sự cố phóng xạ hạt nhân.

Đó là khi ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc xây dựng gần biên giới Việt Nam đã đưa những tổ máy đầu tiên vào hoạt động.

Dù các chuyên gia về điện hạt nhân khẳng định ngày nay công nghệ điện hạt nhân rất an toàn, khả năng xảy ra sự cố phóng xạ là rất nhỏ, nhưng họ cũng nhấn mạnh không thể coi an toàn đó là tuyệt đối, xác suất rất nhỏ nhưng vẫn có thể xảy ra.

Hơn nữa, mức độ nguy hiểm và hậu quả kinh khủng của những sự cố phóng xạ đòi hỏi chúng ta phải có dự phòng ứng phó.

Nhiều quốc gia trên thế giới có mạng lưới quan trắc phóng xạ, nên việc phát hiện sự cố rò rỉ phóng xạ đều diễn ra sớm và kịp thời có phương án ứng phó.

Các chuyên gia cho rằng phải sớm có mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, vì Việt Nam ở vị trí sát sườn với một số quốc gia có nhà máy điện hạt nhân đang vận hành như Trung Quốc, hay đang trong kế hoạch phát triển và xây dựng nhà máy như Thái Lan, Indonesia, Campuchia...

Trong tương lai rất gần, khi cả ba nhà máy Phòng Thành, Xương Giang và Trường Giang (Trung Quốc) hoạt động hết công suất, có tới 18 tổ máy phát điện hạt nhân ngay gần biên giới nước ta.

Cần nhắc lại là mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia vốn đã được đưa vào quy hoạch từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực vì... thiếu vốn.

Nhưng ngay khi Nhà nước đã dành được 1.000 tỉ đồng để đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ thì chưa phải là đã xong việc.

Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học đừng quên một việc không kém phần quan trọng, đó là cộng đồng sinh sống trong các vùng có khả năng ảnh hưởng của các nhà máy điện hạt nhân phải được cung cấp đầy đủ thông tin, được tư vấn, hướng dẫn những kiến thức cần thiết và cả được tập huấn phương thức, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố phóng xạ với những mức độ khác nhau...

Với khoảng cách từ các nhà máy điện hạt nhân đến Việt Nam chỉ trong khoảng từ 50km, xa nhất là 200km, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam thuộc khu vực cần phải có phương án ứng phó sự cố phù hợp theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trong số bốn phân vùng cần phải có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp ở khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn hơn 1.000 MW theo IAEA, các tỉnh biên giới Việt Nam thuộc hai khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD) ở phạm vi dưới 100km và khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD) phạm vi dưới 300km.

Như vậy ngoài quan trắc và cảnh báo, chúng ta còn phải xây dựng phương án xử lý sự cố phù hợp với vị trí của hai phân vùng kể trên, có những phương án ứng phó cụ thể với các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm do sự cố phóng xạ, bảo vệ sự an toàn của người dân, cho hàng hóa và thực phẩm...

Chẳng ai muốn chuyện xấu xảy ra, nhưng đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, đặc biệt với hạt nhân, không có chỗ cho sự chậm trễ, chủ quan, sơ suất dù chỉ là rất nhỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại