Tổng Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị triển khai nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Chính phủ ban hành ngày 26-5.
Nghị định 46 sửa đổi, bổ sung, mô tả làm rõ đối với 150 hành vi và nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong đó, bổ sung 33 hành vi và nhóm hành vi vi phạm trên, nhưng chưa được quy định trong Nghị định 171 và 107.
Cụ thể, hành vi chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn khi xe đang chạy, sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000-800.000 đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy hay điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà, sẽ bị xử phạt với mức 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
Đặc biệt không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác đầy đủ theo quy định trên xe ô tô chở hành khách, như biển số xe, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng, khẩu hiệu “tính mạng con người là trên hết” sẽ bị xử phạt tiền với mức từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Ngoài ra những hành vi như lùi xe ở đường có biển cấm đi ngược chiều, chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20m2 làm nơi trông giữ xe, để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực thu phí, điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định… cũng bị xử phạt.
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết Nghị định 46 đã nâng mức xử phạt lên cao hơn nhằm tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Đồng thời, bổ sung đầy đủ hành vi vi phạm và sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản mới.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, và khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 171 và 107 của Chính phủ.