Không chiến ngoài tầm nhìn - Vì sao tiêm kích Mỹ nên bỏ chạy khi gặp Flanker?

ĐTN |

Dự báo trong tương lai, không chiến ngoài tầm nhìn sẽ trở thành hình thức tác chiến chủ đạo của máy bay tiêm kích.

Ưu thế vượt trội của chiến đấu cơ Nga

Các mô hình không chiến ngoài tầm nhìn của Nga có nguồn gốc từ thời Chiến tranh Lạnh. Khi Liên Xô sử dụng tên lửa không đối không thế hệ cũ, họ phân tích và thấy rằng xác suất tiêu diệt mục tiêu thấp do kết cấu khung thân, đặc biệt là đầu dò rất dễ bị vô hiệu hóa bởi các biện pháp phòng vệ, gây trở ngại lớn đến hiệu suất chiến đấu.

Đến năm 1970, để tăng xác suất bắn trúng, kỹ thuật không chiến ngoài tầm nhìn tiêu chuẩn của Liên Xô là bắn 2 đạn tên lửa không đối không với 2 kiểu đầu dò khác nhau, một đầu dò dẫn đường bằng radar bán chủ động và một đầu dò dẫn đường hồng ngoại.

Với kỹ thuật không chiến này, một số máy bay chiến đấu của Liên Xô được trang bị chế độ chọn vũ khí với khả năng tự động sắp xếp trình tự phóng 2 loại đạn tên lửa.

Không chiến ngoài tầm nhìn - Vì sao tiêm kích Mỹ nên bỏ chạy khi gặp Flanker? - Ảnh 1.

Su-27 trang bị đạn tên lửa R-27R/ER và R-27T/ET với 2 kiểu đầu dò khác nhau

Câu hỏi được đặt ra là tại sao các phiên bản Su-27 Flanker lại có 8, thậm chí lên tới 12 giá treo tên lửa không đối không? Câu trả lời thật đơn giản - vì họ có thể bắn nhiều hơn 1, 3 hoặc 4 tên lửa tầm xa trong loạt đạn đầu tiên khi tham chiến. 

Với cách tấn công này, các mục tiêu (máy bay) đang bị ngắm bắn phải gây nhiễu, thả mồi bẫy và cơ động né 3 - 4 tên lửa đang bay đến với khoảng cách sát nhau. Thậm chí nếu giả định mỗi tên lửa có xác suất tiêu diệt khoảng 30% thì một loạt 4 đạn tên lửa có tổng xác suất vượt quá 75%.

Không chiến ngoài tầm nhìn - Vì sao tiêm kích Mỹ nên bỏ chạy khi gặp Flanker? - Ảnh 2.

Su-35S mang 10 tên lửa RVV-AE và 2 tên lửa R-73

Kịch bản đối đầu với tiêm kích phương Tây

Điều quan trọng khi đánh giá hiệu quả không chiến ngoài tầm nhìn của Nga là so sánh chiến thuật của họ với phương Tây cũng như tính hiệu quả của AIM-120 AMRAAM - loại tên lửa không đối không chính của đối phương. 

AIM-120A AMRAAM được giới thiệu vào cuối Chiến tranh Lạnh để cung cấp một tên lửa "bắn và quên". Vũ khí này có hai pha hoạt động, pha đầu dẫn đường bằng quán tính và hỗ trợ liên kết dữ liệu cung cấp bởi radar trên máy bay, trong khi pha cuối sử dụng radar chủ động, cho phép tiêm kích phóng nhiều đạn cùng lúc. 

Sau đó phiên bản AIM-120B cải tiến đã thay thế AIM-120A, tiếp đến là AIM-120C-3 có kích thước phù hợp với khoang vũ khí của F-22A. AIM-120C-4 có hiệu suất khí động học tốt nhờ động cơ lớn và trang bị đầu đạn tốt hơn, trong khi AIM-120C-6 lắp ngòi nổ có khả năng phát hiện mục tiêu (Quadrant Target Detection Device/ QTDD). 

Thành viên mới nhất của gia đình AIM-120 là AIM-120D với đầu dò được thiết kế lại cho độ bền cao khi làm việc trong môi trường rung động mạnh, liên kết dữ liệu 2 chiều, GPS để bổ sung cho dẫn đường quán tính, khí động học được cải thiện và hiệu suất tìm kiếm tốt hơn nhằm tiêu diệt được mục tiêu ở góc ngoài đường ngắm cao (high-off boresight).

Không chiến ngoài tầm nhìn - Vì sao tiêm kích Mỹ nên bỏ chạy khi gặp Flanker? - Ảnh 3.

Tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C-5

Thành tích chiến đấu của tên lửa AIM-120A/B/C cho đến nay cũng chưa có gì ngoạn mục. Các cuộc thử nghiệm kiểm tra đối với phiên bản AIM-120C cho thấy, với 214 lần phóng thì khoảng 85% số tên lửa có xác suất tiêu diệt được mục tiêu. 

Thống kê thực tế cho cả 3 phiên bản thậm chí còn ít hơn, theo nguồn tin của Mỹ thì chỉ có 10 mục tiêu bị tiêu diệt (có một vụ bắn nhầm chiếc trực thăng UH-60), trong đó chỉ có 6 mục tiêu là không chiến ngoài tầm nhìn đúng nghĩa. 

Tuy nhiên đối tượng bị bắn hạ đều là máy bay thế hệ cũ đã lỗi thời, do vậy chúng không đại diện cho một cuộc không chiến ngoài tầm nhìn đúng nghĩa có thể xảy ra với những chiếc tiêm kích tương tự Flanker. Chống lại các mục tiêu "mềm" như vậy, AIM-120 chỉ có xác suất tiêu diệt ít hơn 50%.

Không chiến ngoài tầm nhìn - Vì sao tiêm kích Mỹ nên bỏ chạy khi gặp Flanker? - Ảnh 4.

Danh sách các mục tiêu do AIM-120 bắn hạ

Vậy liệu máy bay tiêm kích của các nước phương Tây mang tên lửa AIM-120 có thể thắng khi đối đầu gia đình Su-27 Flanker trang bị tên lửa không đối không tầm xa với số lượng gấp 3 lần?

Ví dụ minh họa là F/A-18E/F Super Hornet và F-35 JSF vũ trang bằng 6 tên lửa AIM-120. Giả sử các phi công Flanker không bắn trước - một giả định lạc quan - sau đó xác suất tiêu diệt một mục tiêu tốt nhất cho AIM-120 với loạt bắn 2 - 4 đạn là hơn 90%. 

Tuy nhiên, nếu chúng ta giả định rằng các phi công Flanker gây nhiễu chủ động và cơ động né tên lửa, họ sẽ làm giảm khả năng bắn trúng của AIM-120 xuống còn khoảng 50% - cơ sở thống kê lạc quan một cách hợp lý ở đây. 

Như vậy, tổng xác suất tiêu diệt với loạt 2 đạn tên lửa là khoảng 75% và loạt 4 đạn tên lửa là trên 90%. Nhưng F/A-18E/F hoặc F-35 JSF sẽ phải phóng tất cả tên lửa AIM-120 mà mình có cho 1 mục tiêu, chúng chẳng thể tiếp tục không chiến nữa.

Một phi công Flanker có kinh nghiệm sẽ phóng loạt đầu tiên với 3 hoặc 4 tên lửa R-27 (AA-10 Alamo) mang 2 loại đầu dò khác nhau, dự trữ 1 hoặc 2, thậm chí 4 đạn còn lại trên giá treo. 

Flanker còn có thiết bị làm nhiễu xung đơn DRFM hiện đại, đủ khả năng gây nhiễu AIM-120. Nhờ động cơ đẩy vector (TVC), phi công Flanker sẽ biến mình thành một đối tượng rất khó tiêu diệt đối với AIM-120 mà không cần phụ thuộc vào tính năng thiết bị gây nhiễu của mình. 

Không chiến ngoài tầm nhìn - Vì sao tiêm kích Mỹ nên bỏ chạy khi gặp Flanker? - Ảnh 5.

Động cơ đẩy vector (TVC) của Su-35S

Việc sử dụng radar AESA AN/APG-79 hoặc AN/APG-81 như một máy gây nhiễu bằng sóng X năng lượng cao chống lại radar BARS hoặc Irbis-E của Nga không phải là "thuốc chữa bách bệnh", thậm chí có thể khiến F/A-18E/F hoặc F-35 JSF "chuốc họa vào thân" khi không chiến ngoài tầm nhìn. 

Lý do đơn giản là để gây nhiễu, AN/APG-79 hoặc AN/APG-81 phải "chen chúc" trên các tần số được sử dụng bởi radar của Nga, điều này sẽ biến radar AN/APG-79 hoặc AN/APG-81 thành một "cột phát sóng khổng lồ", tiết lộ vị trí của máy bay và dễ dàng làm mồi cho tên lửa chống bức xạ như R-27P hoặc R-77EP.  

Không chiến ngoài tầm nhìn - Vì sao tiêm kích Mỹ nên bỏ chạy khi gặp Flanker? - Ảnh 6.

Radar AESA AN/APG-81

Trong điều kiện chiến tranh điện tử, không bên nào nắm lợi thế quyết định mình thắng hay thua, nhưng Flanker có ưu thế lớn ở máy bay, tên lửa và số lượng đạn mang theo. Kết luận đơn giản được rút ra là F/A-18E/F hoặc F-35 JSF nên cố gắng tránh không chiến ngoài tầm nhìn với Flanker.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại