Bài viết của tác giả Peter Robison trên Bloomberg Businessweek:
Hơn một năm trước, gia đình tôi bắt đầu thực hiện một cuộc hành trình đặc biệt. Vợ chồng tôi cùng hai con trai quyết định chuyển từ Seattle đến London. Tạm biệt nơi ở cũ, dường như chỉ trong chớp mắt, chiếc Boeing 747 của British Airways đã đưa chúng tôi đáp xuống sân bay Heathrow….
Có thể coi đây là chuyến hành trình về quê hương. Tôi đã sống ở London trong suốt tuổi 20 của cuộc đời mình. Đó là thời hoàng kim của Tony Blair. Tôi trở lại khi đã là một nhà báo dạn dầy kinh nghiệm. Tôi chuyển đến một ngôi nhà ở Crouch End, gần sân cricket và sân tennis cũng như trạm dừng xe buýt đưa tôi đến thẳng văn phòng của Bloomberg.
Mọi thứ đều hoàn hảo trừ mùi gì đó giống mùi clo nồng nặc, thoát ra từ những chiếc xe sử dụng động cơ diesel. Xe buýt, taxi chen chúc trên đường phố London phần lớn đều sử dụng loại nhiên liệu này.
Không có thành phố nào hoàn hảo. Chúng tôi đã nghĩ vậy và cố gắng thích nghi. Tuy nhiên, 2 tháng sau khi chuyển về London, chúng tôi thấy cổ họng luôn bị khó chịu và cảm giác đó không bao giờ biến mất. Giọng tôi trở nên trầm như giọng của một gã hút thuốc lá. Ngực tôi căng cứng, bệnh hen suyễn của tôi, một tình trạng mà tôi không còn bị làm phiền khi ở Seattle, lại bùng lên khi tôi trở lại London.
Tôi đến phòng khám công tại khu vực và tiến hành kiểm tra. Bác sĩ nói dung tích phổi của tôi thấp hơn 5% so với bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ không coi đó là vấn đề. Tôi được bán thuốc và căn dặn về tình trạng của mình.
London từng trải qua một đợt khói mù tồi tệ năm 1952, khi hàng ngàn người chết vì ô nhiễm khí than trong một đợt lạnh kỳ lục. Dù than đã biến mất hoàn toàn từ nhiều thập niên trước trong đời sống sinh hoạt ở London nhưng gần đây, người ta nhắc nhiều đến ô nhiễm các hạt và khí NO2, chủ yếu bắt nguồn từ hệ thống phương tiện sử dụng dầu diesel ở London.
Có 12,4 triệu phương tiện sử dụng dầu diesel ở Anh hiện nay, cao hơn nhiều so với 1,6 triệu phương tiện khi tôi chuyển đi năm 1998. Ở khắp châu Âu, có 50 triệu phương tiện loại này đang xả thải. Người ta nghĩ rằng ô nhiễm chỉ có ở thế giới thứ 3 nhưng giờ đây, thách thức làm sạch không khí lại đang là bài toán khó cho cả Liên minh châu Âu.
Bâu giờ, phổi tôi như đang cháy. Tôi bắt đầu tập trung sự chú ý vào cái mùi mà chúng tôi cảm thấy hàng ngày và sức khỏe của những người xung quanh. Một người bạn London của tôi bị hen suyễn cả thời niên thiếu. Con gái của một người bạn khác gặp phải những vấn đề về hô hấp không giải thích được. Thậm chí, Thị trưởng thành phố, ông Sadiq Khan, cũng mắc bệnh hen suyễn.
Tôi còn phát hiện ra vô số những chuyện kinh hoàng khác, từ một người đi xe đạp bị hạ gục bởi một cơn hen, một người chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ phải từ bỏ tất cả để chạy trốn khỏi London. Đó là những câu chuyện ám ảnh. Tôi bị mắc kẹt và lo lắng cho chính bản thân và gia đình mình.
Trong con mắt của cả thế giới, nước Anh đang bị bao trùm bởi những mâu thuẫn Brexit. Tuy nhiên, dù kết quả của cuộc ly hôn này có ra sao thì trong nhiều thập kỷ tới, châu Âu vẫn sẽ bị bao trùm bởi bầu không khí bẩn thỉu và một cuộc khủng hoảng đe dọa sức khỏe cộng đồng đang diễn ra chập chạp do việc đổi động cơ diesel lấy một thứ gì đó mà người ta gọi là bảo vệ môi trường. (Động cơ diesel được cho có mức phát thải khí CO2 thấp hơn so với động cơ xăng).
King’s College London đang vận hành mạng lưới các trạm quan trác không khí lớn nhất thế giới với 117 điểm quan trắc nằm ở hầu hết 32 quận của London. Công cụ này tạo ra một bản đồ ô nhiễm được đánh dấu với màu đỏ là mức ô nhiễm cao nhất và màu xanh lá cây là mức ô nhiễm thấp nhất. Ở London, màu đỏ bao trùm như một người đau mắt và mạch máu của chúng chính là đường phố.
Khi hoạt động, động cơ diesel thải ra oxit nitơ. Nó phản ứng với không khí tạo thành NO2, một loại khí gây hại cho phổi, tim, não bộ và liên quan đến ung thư cũng như căn bệnh mất trí nhớ và các bệnh khác về đường hô hấp. Động cơ này cũng tạo ra các hạt siêu mịn gọi là PM 2.5, có thể xâm nhập vào phổi người và gây bệnh.
Tình trạng ô nhiễm thứ cấp xảy ra khi ozone được hình thành do các loại khí thải phản ứng với ánh sáng mặt trời. Đó cũng là nguyên do khiến biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.
Kể từ năm 2010, London đã vượt qua giới hạn của EU về khi NO2. Tình trạng này cũng xảy ra ở Munich, Paris và các thành phố khác mà động cơ diesel chiếm đa số. Có nhiều thời điểm, mức độ ô nhiễm ở London còn cao hơn cả Bắc Kinh và vượt xa những tiêu chuẩn mà các tổ chức Y tế đặt ra.
Các nhà khoa học Anh đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe. Một nghiên cứu chỉ ra rằng các chất ô nhiễm trên đường phố Oxford lúc bị tắc có thể thổi bay mọi ích lợi của việc đi bộ với hệ hô hấp của những người trên 60 tuổi. Một thiếu niên sống trong bầu không khí ô nhiễm có nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao hơn 70% so với những nơi khác.
Cuối cùng, những người hít phải nhiều khí NO2 sẽ khiến phổi nhỏ hơn 8% so với thông thường. Phổi con người chỉ phát triển cho đến năm 18 tuổi và bắt đầu suy giảm ở độ tuổi 30. Nếu phổi nhỏ hơn, con người có nguy cơ bị co giật, hen suyễn hay các bệnh khác về đường hô hấp. Các nhà nghiên cứu Hà Lan cũng nhấn mạnh rằng 33% số trường hợp hen suyễn ở châu Âu là do ô nhiễm không khí.
Điều khiến người ta nản lòng hơn cả là động cơ diesel được coi là một vị cứu tinh của khí hậu. Về kinh tế, nó ưu việt hơn so với động cơ xăng và các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu cuối những năm 1990 tin rằng nó tạo ra ít khí CO2 hơn.
Các nhà sản xuất sử dụng động cơ diesel ở Anh, Pháp và Đức nhận được nhiều ưu đãi thuế từ chính phủ của họ. Nhà chức trách thì bị các nhà sản xuất ô tô thuyết phục rằng công nghệ này sạch và tốt hơn cho môi trường. Và tất nhiên, các nhà hoạch định chính sách tin kết quả của các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ giống như những gì diễn ra ngoài đời thực.
Trên thực tế, động cơ diesel của Volkswagen gây ô nhiễm gấp 40 lần so với trong phòng thí nghiệm. Các nhà sản xuất khác cũng thấy những khoảng trống lớn. Đối với nitrogen oxides, hoạt động trên đường phố tạo ra 700 đến 800 miligam cho mỗi km trong khi kết quả trong phòng thí nghiệm chỉ là 80 mg.
Volkswagen đã phải chịu phạt 33 tỷ USD nhưng có lẽ nó chỉ là một phần nhỏ của những phí tổn. The Royal College of Physicians ước tính có 40.000 ca tử vong mỗi năm ở Anh có liên quan đến ô nhiễm không khí. Nó cao hơn nhiều so với con số 29.000 ca vào năm 2010.
Cái chết của Ella Adoo-Kissi-Debrah, một đứa trẻ 9 tuổi, có thể thổi bùng lên phong trào chống ô nhiễm không khí ở thủ đô London. Cô bé lớn lên ở Lewisham, một quận 300.000 dân ở phía đông nam London. Cô bé thích đá bóng, chơi trống, piani và guita. Vào Giáng sinh năm 2010, ngay trước khi lên 7, Ella lên cơn hen nặng và được đưa vào bệnh viện. 28 lần thăm khám trong khoảng thời gian 3 năm không giúp ích được gì cho Ella. Cô bé qua đời tháng 2/2013.
Các nhà nghiên cứu gọi đó là trường hợp hen suyễn tồi tệ nhất từng được ghi nhận tại Vương quốc Anh. Stephen Holgate, một giáo sư của Đại học Southampton - chuyên gia hen suyễn hàng đầu, đã phát hiện ra trường hợp của Ella qua báo chí và chủ động liên lạc với mẹ cô bé. Tình trạng bệnh tình của Ella được ghi lại ở mức chuyên nghiệp nhất.
Không chỉ gây chấn động nước Anh, sự việc đã thổi bùng lên một cuộc chiến pháp lý, trong đó nhiều khả năng Tòa án Tối cao Anh sẽ sớm tuyên bố ô nhiễm không khí được trích dẫn là nguyên nhân gây chết người trong bất cứ vụ kiện nào. Nếu điều này trở thành sự thực, nó sẽ thổi bùng một làn sóng kiện tụng để buộc các nhà chức trách phải làm sạch không khí và buộc những kẻ gây ra ô nhiễm phải chịu trách nhiệm.
Giáo sư Stephen Holgate nhấn mạnh rằng con người đang giống như những con chim hoàng yến sống trong mỏ than. Chính vì thế, cần giáo dục con người về tác hại của ô nhiễm không khí giống như những nỗ lực giúp cả nhân loại nhận thức được tác hại của thuốc lá và khói thuốc như trước đây.
Về phần mình, vào tháng 12, gia đình tôi đã rời London về Seattle. Gần đây, tờ báo được phát hành trong khu phố tôi từng sống tại London cho biết những người bảo vệ ở các trường tiểu học đã phải đeo mặt nạ chống độc khi làm nhiệm vụ.