Ngày 6/1, một bức ảnh chụp thông báo từ cơ quan quản lý ngành tài chính Trung Quốc bắt đầu được lan truyền trên Twitter. 2 ngày sau mới chính thức được phát đi, thông báo này yêu cầu các chính quyền địa phương ngừng hỗ trợ các công ty khai thác đồng tiền số bitcoin và đảm bảo chắc chắn rằng những công ty này sẽ "rút khỏi thị trường một cách có trật tự".
Đối với những người bên ngoài, thông báo này chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, cộng đồng bitcoin, gồm cả những nhà đầu tư đã dốc nhiều tiền bạc vào loại tài sản mới mẻ sau khi nó tăng giá chóng mặt trong năm 2017, thông báo này rung lên 1 hồi chuông báo động.
Khi châu Á thống trị thị trường tiền số
Trung Quốc là "nhà" của khoảng 70% nguồn sức mạnh máy tính được sử dụng để "đào" bitcoin – từ dùng để chỉ hoạt động tạo ra các đơn vị tiền số mới bằng cách giải những bài toán phức tạp bằng các phần mềm chuyên dụng.
Chính sách hạn chế phát triển các mỏ đào tiền số bằng cách giảm nguồn cung cấp điện rất cần thiết cho những siêu máy tính ngốn điện khủng khiếp của Trung Quốc có thể khiến chi phí đào bitcoin tăng vọt và về cơ bản sẽ định hình lại toàn bộ thị trường. Tồi tệ hơn, đối với các nhà đầu tư bitcoin thì đây có thể là dấu chấm hết cho thời kỳ bùng nổ.
Không có gì đáng ngạc nhiên, thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực từ tin xấu này. Từ mức 17.000 USD của ngày trước đó, giá bitcoin theo Coindesk giảm 2.000 USD chỉ trong 24 giờ. Đến ngày 17/1, giá đã giảm xuống dưới 10.000 USD – bằng một nửa so với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại 19.783 USD được lập 1 tháng trước đó.
Tuy nhiên, kể cả khi giá bitcoin giảm mạnh trong nỗi lo sợ về sự đàn áp ở Trung Quốc, Bitman Technologies – công ty khai thác bitcoin lớn nhất thế giới – vẫn rất lạc quan. Nishant Sharma – giám đốc tiếp thị của Bitman – chỉ ra rằng các nhà quản lý Trung Quốc chỉ nhắm đến một vài công ty mà Bitman không nằm trong số đó.
"Thông báo của Chính phủ chỉ ảnh hưởng đến những công ty không nộp đủ thuế và hóa đơn tiền điện", Sharma nói với Nikkei 1 tuần sau khi thông báo được phát đi.
Cho đến nay Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm sử dụng bitcoin và các vụ ICO. Tuy nhiên Chính phủ quyết tâm siết chặt gọng kìm quản lý ngành "đào" bitcoin mạnh đến đâu vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Nhưng Bắc Kinh vẫn nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ blockchain ở đằng sau các đồng tiền số cũng như khả năng làm thay đổi thế giới ngân hàng, bảo hiểm và toàn bộ ngành tài chính của nó.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất siết chặt quản lý bitcoin nói riêng và tiền số nói chung. Các bộ trưởng tài chính Pháp và Đức hồi giữa tháng 1 tuyên bố rằng họ sẽ đề xuất 1 khung pháp lý toàn cầu tại hội nghị G20 vào tháng 3 tới.
Còn ở Hàn Quốc, Ủy ban dịch vụ tài chính sau khi chứng kiến "phần bù kimchi" khiến giá tiền số ở xứ sở này còn biến động mạnh hơn cả thế giới, đã cấm giao dịch tiền số ẩn danh từ ngày 30/1. Kể cả ở Nhật Bản, nơi có cách tiếp cận khá cởi mở với tiền số, cuối cùng cũng phải hành động sau vụ hack khiến 500 triệu USD biến mất trên sàn Coincheck.
Giới chức trên toàn thế giới cảm thấy cần phải hành động trong bối cảnh tiền số được giới tội phạm ưa chuộng. Họ cũng lo lắng về hệ quả của bong bóng vỡ lên các hệ thống tài chính. Mức tăng 1.330% của bitcoin trong năm ngoái khiến nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư và lãnh đạo ngân hàng gọi nó là bong bóng, lừa đảo hay thậm chí là mô hình Ponzi.
Quả thực mức độ biến động quá mạnh khiến giá bitcoin trông có vẻ phù phiếm, nhưng những công nghệ tiên tiến xung quanh thế giới tiền số từ blockchain đến các loại chip mới không hề "sớm nở tối tàn". Những công nghệ này tạo điều kiện cho các startup bùng nổ mà ở đó nhiều nhà đầu tư cũng mất tiền nhưng có 1 ngành công nghiệp mới đang nổi lên, giống như những gì đã diễn ra trong thời kỳ bong bóng dot-com.
Tuy nhiên, không giống như những năm 1990, không chỉ có thung lũng Silicon độc quyền trong ngành công nghiệp mới này. Rất nhiều trong số các công ty lớn và tân tiến nhất nằm ở châu Á.
Piyush Singh, giám đốc điều hành và phụ trách mảng dịch vụ tài chính ở Accenture châu Á Thái Bình Dương và châu Phi, cho rằng châu Á đang đứng trước cơ hội rất tốt để bỏ xa thế giới về các công nghệ liên quan đến blockchain. "Mặc dù các công ty châu Á khởi đầu khá muộn so với thung lũng Silicon, họ được hỗ trợ bởi các Chính phủ cấp tiến như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) và nhanh chân hơn phương Tây ở khâu áp dụng thực tiễn", Singh nói.
Xây dựng "nền kinh tế thông minh"
Còn rất trẻ nhưng Bitman hiện là một trong những startup về tiền số nổi tiếng nhất của Trung Quốc, đang vận hành 2 mỏ đào bitcoin lớn nhất thế giới là AntPool và BTC.com. Được đặt ở vùng nông thôn nhằm tận dụng giá điện rẻ, Bitman ngốn khoảng 44% tổng nguồn điện được sử dụng để đào bitcoin của thế giới.
Tuy nhiên nguồn doanh thu lớn nhất của Bitman không phải là các mỏ đào mà đến từ hoạt động bán các siêu máy tính sử dụng chip do hãng tự thiết kế. Nhu cầu về chip ASIC do Bitman thiết kế lớn đến nỗi tháng trước hãng đã phải đặt hàng gấp từ Taiwan Semiconductor (TSMC), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Bitman đã bắt đầu thiết kế các loại chip khác, trong đó có chip dành riêng cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ cạnh tranh với Google và Nvidia. Được thành lập năm 2013, Bitman là khách hàng top đầu của TSMC, sánh ngang với Qualcomm và Nvidia. Chủ tịch Morris Chang của TSMC mới đây tuyên bố AI và đào tiền số sẽ là 2 động lực chính giúp hãng tăng trưởng trong năm nay.
Trung Quốc cũng không phải là nơi duy nhất ở châu Á đang có ngành tiền số bùng nổ mạnh mẽ. Vansa Chatikavanij – người gốc Thái Lan đã tốt nghiệp ĐH Columbia – bắt đầu biết đến bitcoin khi đang là 1 chuyên gia về nguồn nước của World Bank. Cô nhanh chóng nhận ra đồng tiền số này có tiềm năng rất lớn có thể giúp chuyển tiền một cách an toàn ở các nước kém phát triển.
Sau khi rời World Bank cuối năm 2016, cô bắt đầu làm việc với 1 công ty đầu tư mạo hiểm và cuối năm ngoái có 1 buổi phỏng vấn với Omise Holdings, 1 startup về thanh toán số có trụ sở ở Bangkok.
Tuy nhiên, sau buổi thảo luận sôi nổi, 1 dự án mới đã ra đời với tên gọi OmiseGo, hướng đến mục đích kết nối mọi mạng lưới trao đổi giá trị từ thẻ tín dụng đến thanh toán di động và cả chính hệ thống của Omise vốn đang được sử dụng ở McDonald’s Thái Lan và nhiều hãng thương mại điện tử ở Nhật Bản. Mạng lưới OmiseGo được cho là có thể xử lý hàng triệu giao dịch mỗi giây, so với con số 30.000 của Visa và 3-4 của bitcoin.
Tháng 6/2017, OmiseGo tiến hành ICO và huy động được số ether trị giá 25 triệu USD. Ra đời năm 2013, công ty mẹ Omise cũng nhận được vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn như Mitsubishi hay Charoen Pokphand Group của Thái Lan.
Ở châu Á còn rất nhiều startup đang cố gắng vươn ra thế giới. NEO, 1 nền tảng blockchain mã nguồn mở, được phát triển ở Thượng Hải và có đồng NEO đã lọt top những đồng tiền số có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Theo nhà sáng lập Da Hongfei, NEO được thiết kế để "kết nối thế giới số với thế giới thực". Hơn một chục startup ở cả trong và ngoài Trung Quốc đang phát triển phần mềm "ứng dụng phân phối" dựa trên công nghệ của NEO. Trong số đó có Red Pulse, công ty cung cấp hệ thống nghiên cứu cổ phiếu bán tự động sử dụng AI để thu thập dữ liệu và tạo ra các báo cáo nghiên cứu trước khi được biên tập bởi con người. Khách hàng của Red Pulse có Bloomberg và một số hãng tin tài chính khác.
Hướng ra nước ngoài
Sau khi Indonesia cấm sử dụng tiền số từ tháng 11 năm ngoái, công ty có trụ sở tại Jakarta Pundi X buộc phải bất ngờ thay đổi kế hoạch kinh doanh. Ban đầu muốn phát triển hệ thống POS chấp nhận tiền số, Pundi X đang nhắm tới các thị trường nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Thụy Sĩ.
Huobi, từng là sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới, đã chuyển tất cả các tài sản số của mình sang 1 sàn mới ở Hồng Kông sau lệnh cấm ở Trung Quốc, đồng thời thông báo sẽ hợp tác với SBI Group để mở sàn mới ở Nhật Bản. OKCoin cũng chuyển từ Trung Quốc sang Hồng Kông.
Đối với các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn muốn tìm cơ hội ở tiền số, có rất nhiều lựa chọn thay thế ở nước ngoài. Nhiều người chỉ đơn giản là tìm đến các môi giới tự do ở bên ngoài Trung Quốc, trong khi nhiều người khác giao dịch trên các kênh phi chính thức như Telegram. Trừ khi Chính phủ chặn các ứng dụng này, người dân vẫn có thể giao dịch tiền số.
Bất chấp những động thái của Chính phủ, các doanh nhân Trung Quốc vẫn khá lạc quan. Hôm 13/1, hơn 80 người đã tụ tập ở 1 quầy rượu ở Bắc Kinh. Họ là những sinh viên, học giả, thợ đào tiền số, kỹ sư và cả những nhân viên ngân hàng hay chuyên gia phân tích rất quan tâm đến thị trường tiền số.
Trong số đó có Bobby Lee, nhà sáng lập của BTCC và là người hiểu rõ về cơ quan quản lý hơn ai hết. Từng là sàn giao dịch tiền số lớn thứ 2 thế giới, tháng 9 năm ngoái BTCC buộc phải đóng cửa sau lệnh cấm ICO, dẫn đến công ty bị thâu tóm bởi 1 quỹ blockchain đến từ Hồng Kông.
Tuy nhiên Lee vẫn rất lạc quan về tương lai của tiền số. Anh nghĩ rằng giá trị của bitcoin được tạo ra bởi "những thất bại, hạn chế và bất tiện của hệ thống tiền tệ chính thống". Anh gọi tiền số là "những con thú hoang dã khó có thể thuần phục".
Đối với các nhà quản lý trên khắp thế giới, họ sẽ phải đối mặt với bài kiểm tra để túm lấy những công nghệ hoàn toàn mới mẻ và có phần hoang dã này, nhưng vẫn phải đảm bảo sẽ không giết chết sáng tạo.