Trong hàng thập kỷ, nhân loại vẫn tranh cãi xem IQ (Intelligence quotient - chỉ số thông minh) hay EQ (Emotional quotient - chỉ số thông minh cảm xúc) là thứ quan trọng hơn cho cuộc sống của chúng ta.
Tuy nhiên những năm gần đây, có một chỉ số thông minh khác đang được rất nhiều chuyên gia và doanh nghiệp xem trọng, thậm chí còn vượt qua cả IQ. Đó là CQ - chỉ số được nhắc đến trong bài phát biểu gây sốt của Tổng giám đốc HSBC mới đây .
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - (Ảnh chụp màn hình)
CQ - yếu tố quyết định thành công của con người trong thời đại mới
CQ là viết tắt của Curiosity quotient, hay có thể dịch là "chỉ số tò mò". Đây là một khái niệm do nhà báo Thomas Friedman đưa ra, và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều chuyên gia. Chỉ số này đến từ việc tất cả những người đứng đầu, người thành đạt hay các thiên tài đều có một đặc điểm chung, đó là sự tò mò để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Đây là một yếu tố hết sức quan trọng, bởi nó xuất phát từ thực tế. Các công ty, doanh nghiệp vẫn luôn tìm kiếm những nhân viên ham học hỏi, và có chí cầu tiến. Vấn đề là ở chỗ thế giới thay đổi rất nhanh chóng, nên sự học cần tiếp diễn liên tục để bản thân có thể thích ứng càng nhanh càng tốt.
Vào thời khắc bạn nghĩ rằng đã đạt được mục tiêu, bạn lại phải thay đổi, thích ứng và làm mới bản thân mình. Các kỹ năng cần được kết hợp và luyện tập, nhắm đáp ứng được sức ép từ công nghệ và quá trình toàn cầu hóa. Và động lực để bạn làm được những điều đó chính là sự tò mò.
"Người chiến thắng trong thời đại số sẽ là những người có CQ đủ cao để xử lý mọi công nghệ mới. Không chỉ để tìm việc, mà còn là tạo ra công việc mới, hoặc tái nâng cấp công việc cũ. Không chỉ để học hỏi, mà còn tiếp tục học trong suốt một đời." - đây là những gì Friedman đã nói khi đưa ra khái niệm về CQ.
Người tò mò thì sẽ ham học hỏi, và đó là mấu chốt của sự thành công
Chỉ số CQ hiện đang là yếu tố được các doanh nghiệp ưu tiên khi tìm kiếm các tài năng, cùng với PQ (chỉ số đam mê). Giờ đây, những người tồn tại được trong nền kinh tế hiện đại là người có CQ cao bẩm sinh. Và thực tế cũng cho thấy những đứa trẻ có đam mê và giàu tính tò mò ngày trước, thì khi lớn lên cũng tỏ ra vượt trội hơn so với nhóm sở hữu IQ cao hơn.
Lãnh đạo cần CQ cực cao, và sự sáng tạo cũng vậy
Trong một bài viết tại diễn đàn của CCL (Center for Creative Leadership - trung tâm lãnh đạo sáng tạo) có nêu lên sự quan trọng của tính tò mò ở thời điểm hiện tại.
Nó cần thiết, nhưng phải tò mò một cách đúng đắn.
"Trong thời đại số nơi thông tin ngập tràn, nếu chúng ta không hướng được tính tò mò vào chuyện học hỏi và rèn luyện, bạn sẽ dễ dàng bị xao nhãng bởi các tin tức vô giá trị,"
Bài viết đánh giá chỉ số tò mò là một dạng thông minh. Đúng hơn, đó là một kỹ năng gắn liền với khả năng tư duy phản biện mà tất cả đều cần phải có khi muốn giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, chỉ số CQ còn liên quan đến khả năng lãnh đạo. Một người lãnh đạo giỏi sẽ luôn đặt ra những câu hỏi "khó" - khó trả lời, khó nghĩ - nhưng gợi ra tính tò mò. Họ luôn muốn biết nhiều hơn, muốn tiếp cận công nghệ mới, muốn thay đổi và sáng tạo... Và chính ham muốn ấy sẽ giúp cả doanh nghiệp tiếp tục phát triển, và rộng ra là cả một nền kinh tế.
Thế giới cần người sáng tạo, những nhà phát minh, và người có tính tò mò sẽ làm được điều đó. Từ "phát minh" ở đây không có nghĩa phải là công cụ mới, mà có thể là một loại hình công việc mới tồn tại được trong thời đại máy móc lên ngôi.
Người lãnh đạo có CQ luôn cao, vì chúng giúp họ luôn đổi mới.
Và điều quan trọng nhất: bạn có thể tự nâng cao CQ của bản thân
Chỉ số CQ thường không được quy ra điểm cụ thể, mà chỉ được đánh giá dựa trên tính cách và thói quen thường ngày của bạn.
Tuy nhiên khác với IQ mang tính chất bẩm sinh, thì CQ lại có thể được hấp thụ qua rèn luyện. Bạn cần phải học hỏi nhiều hơn, trau dồi nhiều hơn, và có một thái độ cầu thị trước những kiến thức mới.
Hơn nữa, hãy học những gì mình thích, bởi sự tò mò được gắn liền với đam mê. Khi yêu thích một thứ gì đó, sự tò mò sẽ dần xuất hiện, và bạn sẽ thấy mọi thứ thú vị hơn rất nhiều.
Tham khảo: Thrive Global, Initiative Thinking