Mỹ đang bị động
"Tôi gọi điện cho một số giám đốc bệnh viện ở New York, và họ nói rằng các bệnh viện đã kí hợp đồng với các công ty Trung Quốc để cung cấp thiết bị y tế như găng tay, hay khẩu trang. Nhưng khi những mặt hàng này đang chuẩn bị được xuất đi, chính phủ Trung Quốc đã ngăn lại và nói rằng ‘không, chúng ta cần những thứ này’ ", phóng viên Maria Bartiromo kể lại trên một chương trình truyền hình trên kênh Fox Business Network vào ngày 19/2 vừa qua.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ sau đó vài ngày, Cố vấn Thương mại của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro đã đưa ra thêm nhiều lý do nước Mỹ cần tìm nguồn cung hàng hoá khác thay vì Trung Quốc: "Họ đã đưa ra quyết định hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang N95, và sau đó "quốc hữu hoá" một nhà máy sản xuất khẩu trang ở ngay tại Mỹ".
Dịch bệnh Covid-19 đang làm lộ diện những nguy cơ mà Mỹ phải đối mặt. Hiện nước này đang thiếu nguồn cung khẩu trang N95, nhưng đó không phải là loại khẩu trang duy nhất mà họ cần.
Các nhà máy tại Trung Quốc hiện chưa thể hoạt động trở lại, một phần là bởi thiếu khẩu trang công nghiệp. Do đó, Bắc Kinh đã quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng này ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
"Trung Quốc sẵn sàng cấm xuất khẩu khẩu trang để ưu tiên bảo vệ an toàn sức khoẻ cho người dân trong nước", Jonathan Bass, giám đốc công ty PTM Images có trụ sở ở Los Angeles, nói. "Điều này cho thấy nước Mỹ đang ở thế bị động khi Trung Quốc sẵn sàng dừng xuất khẩu đối với những mặt hàng y tế. Và điều gì có thể xảy ra kế tiếp? Dừng xuất khẩu dược phẩm, các kim loại hiếm, hay giày dép?"
Tháng 4 - thời điểm tình hình trở nên nghiêm trọng
Bất kể cho đó là mặt hàng nào, việc dừng nguồn cung hàng hoá nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Đã không còn cảnh các tàu container cỡ lớn tấp nập đổ về cảng biển Trung Quốc, hay khi rời đi số hàng hoá chỉ còn khoảng 10% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Tại cảng Long Beach, lượng tàu container cập cảng đã giảm chỉ còn 40%, mà lý do chính là do các nhà máy tại Trung Quốc hiện đang đóng cửa.
Ở các nhà máy tại Thành Đô, nhà chức trách yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp 2 khẩu trang mỗi ngày cho người lao động. Để có thể hoạt động trở lại, mỗi nhà máy phải đảm bảo có đủ lượng khẩu trang cho ít nhất 2 tuần. Tuy nhiên, khi khẩu trang trở nên khan hiếm, ở một khu công nghiệp, chỉ có 5 trong tổng số 50 công ty có thể hoạt động trở lại.
Nhưng kể cả khi các nhà máy có thể hoạt động hết công suất, tình hình vẫn hết sức khó khăn với các doanh nghiệp logistics. Khi các nhà kho đóng cửa, việc vận chuyển hàng hoá khó có thể được thực hiện. Điều này dẫn đến hàng loạt các container hiện đang xếp đống ở những cảng biển ở Thiên Tân và Ninh Ba mà chưa biết bao giờ được xuất cảng.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ dự kiến sẽ bị chậm hơn 4 tuần lễ so với kế hoạch ban đầu.
Một số tin rằng, tình trạng khan hiếm hàng ở những chuỗi bán lẻ tại Mỹ sẽ trở nên nghiêm trọng vào thời điểm giữa tháng 4, đặc biệt là những công ty quy mô lớn khi họ thường chỉ duy trì số lượng hàng dự trữ ở mức tối thiểu. Đặc biệt là Walmart, khi hãng này có thể sẽ phải đối mặt với các khó khăn ngay từ tháng tới.
Ngày 17/2, Apple công bố nhiều khả năng sẽ không đạt được mục tiêu lợi nhuận trong quý 1/2020, một phần là do thiếu nguồn cung sản phẩm Iphone. Tình trạng trì hoãn sản xuất ở Trung Quốc có thể nghiêm trọng hơn những đánh giá ban đầu. Khi so với thời điểm dịch SARS vào những năm 2002 - 2003, ở thời điểm này, khi vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng lớn, những tác động tiềm tàng sẽ lớn hơn nhiều lần so với trong quá khứ.
Ngay cả những công ty với doanh thu lớn cũng thể hiện sự bất ngờ trước tình hình hiện tại. Apple, với sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, đã đưa ra dự báo tình hình kinh doanh đầy triển vọng vào ngày 28/1, chỉ 3 trước khi công bố sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu vào ngày 17/2. Qua đó cho thấy sự đi xuống nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc.
Điều này một lần nữa nói lên sự phụ thuộc của Mỹ đối với Trung Quốc trong một số mặt hàng trọng yếu. Hơn cả điện thoại, những khó khăn mà Trung Quốc đang đối mặt sẽ dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung của hơn 150 loại thuốc, mà trong đó một số khó có thể tìm sản phẩm thay thế, Gordon G. Chang - nhà bình luận người Mỹ viết.
Ông Navarro cho biết Tổng thống Trump đang có những quyết sách quan trọng để giải quyết vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. Đây không phải là vấn đề mới mẻ đối với người đứng đầu Nhà Trắng. Ngày 21/7/2017, ông Trump công bố sắc lệnh về việc đánh giá và tăng cường năng lực sản xuất cơ sở quốc phòng của Mỹ, cũng như tính ổn định của nguồn cung từ Trung Quốc.
Nghiên cứu này, sau đó đã góp phần thúc đẩy chính quyền Washington đưa ra quyết định áp thuế nhập khẩu nhôm và thép vào năm 2018 để bảo vệ các cơ sở công nghiệp của Mỹ.
Cũng với mục đích trên, Mỹ đã tiếp tục áp thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Trung Quốc. Dù cho động thái này có thể tạo ra sự bất ổn đối với tương lai thương mại Mỹ - Trung, điều này đã góp phần thúc đẩy nhiều công ty chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.