Không chỉ cấm xe, cấm xây, cấm khai thác: Bắc Kinh "cầu mưa" ngay sát Quốc khánh vì một lý do

Tất Đạt |

Buổi lễ kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang nhận được sự chú ý và chuẩn bị toàn diện từ chính quyền Bắc Kinh.

Chuẩn bị trước nhiều tháng

Trong những tuần sát tới ngày lễ kỉ niệm quan trọng của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách đảm bảo rằng bầu trời vào ngày 1/10 sẽ trong xanh để thực hiện lễ diễu binh quân sự hoành tráng qua quảng trường Thiên An Môn cũng như biểu diễn máy bay chiến đấu.

Các xe tải cỡ lớn đã bị cấm di chuyển tại Bắc Kinh từ ngày 20/8, tất cả các công trình xây dựng gần trung tâm thành phố bị buộc phải dừng hoạt động từ ngày 1/9. Các khu công nghiệp trong vòng bán kính hơn 400km xung quanh Bắc Kinh bắt buộc phải kiểm soát lượng khí thải hoặc dừng sản xuất. Các hoạt động khai thác mỏ, đặc biệt là khoan và nổ mìn, đã bị tạm dừng tới ngày 7/10. Ngoài ra, không người dân nào ở Bắc Kinh được phép đốt pháo.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa thậm chí còn tới Cục khí tượng thủy văn Trung Quốc và đặc biệt yêu cầu cơ quan "hỗ trợ vấn đề khí tượng để đảm bảo sự thành công của các hoạt động tại lễ kỷ niệm".

Ông Hồ nói các chuyên gia thời tiết cần cung cấp những "thông số cụ thể và có kế hoạch ứng phó" với hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo Washington Post, chất lượng không khí tại Bắc Kinh đã suy giảm nhanh chóng trong những thập kỉ gần đây. Chính quyền đã cố gắng giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trước các sự kiện lớn và tạo ra một bầu trời trong lành "tạm thời" bằng cách yêu cầu các nhà máy xung quanh tạm dừng hoạt động và cấm xe tải hạng nặng di chuyển trong thành phố.

Năng lực "dọn sạch bầu trời" của Trung Quốc còn được nhắc tới bằng thuật ngữ "màu xanh APEC". Khi Bắc Kinh tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hồi năm 2014, chính quyền địa phương đã chi phối thời tiết để tạo nên bầu trời xanh mặc cho nhiều tháng trước đó mức độ ô nhiễm không khí của Bắc Kinh liên tục đạt ngưỡng rất cao theo bảng Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI).

Không chỉ cấm xe, cấm xây, cấm khai thác: Bắc Kinh cầu mưa ngay sát Quốc khánh vì một lý do - Ảnh 1.

Không khí ô nhiễm tại Bắc Kinh. Ảnh: Twitter

Hiện tại, áp suất không khí thấp đang đem khí thải công nghiệp và phương tiện từ các tỉnh lân cận tới thủ đô Trung Quốc. Độ ẩm tại Bắc Kinh đang khiến tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo dự báo, trong tuần tới Bắc Kinh sẽ xảy ra hiện tượng sương khói.

Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo "da cam" vì ô nhiễm không khí nặng, yêu cầu các trường học ở thủ đô hủy hoạt động ngoài trời và lưu ý cho học sinh ở trong lớp.

11 đường cao tốc xung quanh Bắc Kinh đã bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ vào ngày 27/9 vì tài xế không thể nhìn được đường. Nhiều chuyến bay từ Cảng Hàng không Quốc tế Bắc Kinh cũng đã bị hủy bỏ hoặc hoãn.

Hãng IQAir AirVisual của Thụy Sĩ cho biết, trong tháng này, Bắc Kinh sẽ "thoát" khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Mật độ bụi siêu nhỏ tại đây sẽ giảm tới ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2008 tới nay.

Thị trưởng Bắc Kinh Chen Jining cho biết mật độ bụi PM2.5 đã giảm 43% so với năm 2013. Thành tích này nhờ một phần vào việc giảm tiêu thụ than đá ở Bắc Kinh, xuống ngưỡng chỉ bằng 1/5 so với mức thông thường.

"Chất lượng không khí tại Bắc Kinh đã cải thiện nhanh chóng. Trước đây người ta đề cập tới 'màu xanh APEC' hay 'màu xanh diễu hành', nhưng trong năm nay bầu trời xanh đã trở thành chuyện bình thường," thị trưởng Chen nói.

Vấn đề thời tiết

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc đã bắt đầu "chế độ làm việc đặc biệt" từ ngày 26/9 cho tới hết ngày 2/10 để liên tục theo dõi thời tiết của buổi lễ.

Một số chuyên gia cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ sử dụng kĩ thuật "tạo mây nhân tạo" - dùng máy bay rải muối hoặc một số hóa chất khác vào mây để tăng tốc độ ngưng tụ và làm trời mưa sớm hơn thông thường.

"Bắc Kinh có khả năng cao sẽ chọn phương án tạo mưa nhân tạo 1 hoặc 2 ngày trước lễ diễu hành," Tian Pengfei, nhà khoa học khí tượng tại đại học Lan Châu, nói. "Nếu trời mưa sớm hơn, các loại chất ô nhiễm trong không khí sẽ bắt đầu tích tụ lại và khiến Bắc Kinh chịu một đợt bụi mới".

Mưa nhân tạo và các biện pháp điều khiển thời tiết khác đã trở nên khá phổ biến trước các sự kiện lớn ở Trung Quốc.

Hồi Olympic Bắc Kinh năm 2008, thành phố đã chi 30 triệu USD để đảm bảo thời tiết. Từ năm 2012 tới năm 2017, Trung Quốc chi tới 1,2 tỉ USD để kiểm soát thời tiết trước các sự kiện như thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu và Diễn đàn Vành đai Con đường ở Bắc Kinh.

Năm 2015, cơ quan kinh tế hàng đầu của Trung Quốc thông báo kế hoạch xây dựng hàng loạt phòng thí nghiệm thời tiết tại Bắc Kinh. Tới năm 2020, Trung Quốc muốn có "hệ thống điều khiển thời tiết phức tạp có khả năng tăng lượng mưa và tuyết". Tuy nhiên, hiện chưa có thêm thông tin về dự án này.

Các thành phố khác như Bangkok và Kuala Lumpur cũng dùng mây nhân tạo để giảm ảnh hưởng của bụi độc. Các khu vực hạn hán ở Australia và Mỹ cũng đôi lúc sử dụng cách tạo mưa như vậy.

Nhưng một vấn đề khác có thể xảy ra đối với Bắc Kinh là khu vực này có thể không có đủ mây để tạo mưa.

"Vấn đề là thời tiết mùa thu ở Bắc Kinh thường khá khô, và chúng tôi không có đủ mây để tạo mưa," Huang Binxiang, một nhà nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho hay.

Điều đó có nghĩa rằng các nhà khí tượng học có thể sẽ phải mô phỏng mưa bằng cách dùng máy bay phun nước trên bầu trời nhằm quét sạch các hạt bụi nhỏ.

"Tôi cũng biết một số ý tưởng lạ lùng như dùng quạt siêu khổng lồ để thổi bay bụi. Tôi không nói rằng đây là chuyện bất khả thi, nhưng tới nay không có ai làm như vậy cả," ông Huang nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại