Thông tin này được đưa ra sau khi Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), trụ sở tại London, công bố nghiên cứu mới cho rằng loại động cơ dùng cho tên lửa hạt nhân mà Triều Tiên đang chế tạo nhằm đạt tới khả năng tấn công Mỹ có thể xuất phát từ Ukraine hoặc Nga, và có thể được mua bán qua các mạng lưới thị trường chợ đen. Báo cáo này được báo Mỹ New York Times đăng tải gần đây.
Tuy nhiên, đánh giá của tình báo Mỹ khác với nghiên cứu của IISS. “Chúng tôi có thông tin tình báo cho thấy Triều Tiên không phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu. Chúng tôi đánh giá họ có khả năng tự sản xuất”, Reuters dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho biết hôm 15/8.
Giới chức Mỹ không công bố bất kỳ chi tiết nào về đánh giá đối với loại động cơ nhiên liệu lỏng hiệu suất cao, còn gọi là RD-250.
Còn Ukraine bác bỏ thông tin cáo buộc họ cung cấp công nghệ quốc phòng cho Triều Tiên. Yuzhmash, nhà máy bị nêu tên trong bài báo của New York Times, nói rằng họ không sản xuất tên lửa đạn đạo cấp độ quân sự kể từ khi độc lập khỏi Liên Xô năm 1991.
Một quan chức tình báo khác của Mỹ cho rằng những phiên bản cải tiến của RD-250 giúp cải thiện tính đáng tin cậy là nhờ Triều Tiên dựa một phần vào các nhà khoa học nước ngoài mà họ tuyển dụng hoặc do những nhà khoa học Triều Tiên được học ở Nga hoặc nơi nào khác tạo ra.
Ukraine được Mỹ hỗ trợ trong cuộc chiến dẹp lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
Khi được hỏi về báo cáo nói rằng Triều Tiên có thể mua tên lửa do Ukraine sản xuất, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hoan nghênh nỗ lực của Kiev nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí.
“Chúng tôi phải nói rằng Ukraine có hồ sơ không phổ biến vũ khí rất tốt, bao gồm cả với Triều Tiên”, bà Nauert nói.
Kết luận của IISS chủ yếu dựa vào những bức ảnh về những tên lửa đã được Triều Tiên thử nghiệm trên mặt đất vào tháng 9 và tháng 3 và thử nghiệm trên không với tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14 vào tháng 5 và tháng 7 năm nay. Hwasong-12 là tên lửa tầm trung, còn Hwasong-14 là tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên thiết kế để có thể bắn đến Mỹ đại lục.
Bằng cách so sánh động cơ tên lửa xuất hiện trong các bức ảnh, nghiên cứu của IISS cho rằng những động cơ này giống một phiên bản của động cơ RD-250 do nhà máy Yuzhmash sản xuất và giúp giải thích tại sao Triều Tiên đột ngột thử nghiệm tên lửa thành công sau nhiều vụ thất bại.
Nghiên cứu của IISS cũng đang bị nhiều chuyên gia độc lập về vũ khí hạt nhân gạt bỏ.
“Điều đó hoàn toàn sai”, ông Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Middlebury ở California, nói.
Ông Lewis cho biết các thành viên trong đội nghiên cứu của ông tiến hành đo lường độc lập trên những bức ảnh mà IISS sử dụng, và nhận thấy rằng kích thước của những động cơ đó hoàn toàn khác loại tên lửa RD-250. Ông Lewis và các đồng nghiệp cho rằng các động cơ của tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên có thể được chế tạo trong nước.
Ông Lewis cũng nhắc lại thông báo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra ngày 17/1/2017 về việc Mỹ trừng phạt tài chính các công ty Iran vì giúp Triều Tiên phát triển động cơ mà Bình Nhưỡng thử nghiệm vào tháng 11 năm đó và loại động cơ này trông giống động cơ của Ukraine.
“Tôi cho rằng chúng không giống động cơ RD-250 ngoại trừ việc các động cơ tên lửa đều có điểm tương đồng nhất định”, ông Lewis nói.