Những lời nói dối của TT Trump: Từ chiếc mặt nạ che giấu tuổi thơ cô đơn đến nguy cơ bị luận tội ở "đỉnh cao"

Hồng Anh |

Tính tới cuối ngày 17/3 - tức ngày thứ 787 trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump đã đưa ra tổng cộng 9.178 tuyên bố sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm, theo tờ Washington Post.

Ông Trump nói dối nhiều nhất trong lịch sử chính trị Mỹ?

Trong cuộc đời mình, ai trong chúng ta đều có đôi lần nói dối. Nhưng có lẽ không ai trong chúng ta nói dối được như Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà phân tâm học Stephen Grosz, tác giả của cuốn ‘The Examined Life’ viết trong bài xã luận được đăng tải trên trang Financial Times.

Nhà phân tâm học này đánh giá vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là người rất liều lĩnh - ông Trump có thể nói dối liên tục, ở bất cứ nơi đâu, không ngừng nghỉ và không hề ngần ngại - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Mỹ và trong thời đại của chúng ta.

Quả thực, theo các kết quả được đăng tải trên chuyên mục Kiểm chứng Thông tin (Fact Checker) của tờ Washington Post, thì tính tới 23h59' ngày 17/3 vừa qua - tức ngày thứ 787 trong nhiệm kỳ đầu của mình, Tổng thống Trump đã đưa ra tổng cộng 9.178 tuyên bố sai sự thật hoặc khiến đối phương hiểu sai.

Trong năm đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, trung bình mỗi ngày ông Trump đưa ra gần 5,9 tuyên bố sai sự thật. Sang năm thứ 2, con số này đã tăng lên gần 16,5; và trong gần 3 tháng đầu năm 2019, thì số tuyên bố sai sự thật trung bình mỗi ngày trong các phát ngôn của ông Trump là 22, theo Washington Post.

Glenn Kessler, biên tập viên chủ mục Kiểm chứng Thông tin của tờ Washington Post, cho biết chỉ riêng việc kiểm tra thông tin trong các phát biểu của ông Trump đã "tốn rất nhiều thời gian của chúng tôi, vì ông ấy nói rất nhiều".

Kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống, các nhà kiểm chứng sự thật đã phải làm việc "mệt nghỉ". Linda Qiu, một phóng viên chuyên trách về vấn đề này của tờ New York Times cho biết công việc đó "rất mệt mỏi. Nhưng một điểm tốt là Tổng thống Trump thường xuyên nhắc lại những phát ngôn của mình, bởi thế nên chúng tôi cũng dễ dàng kiểm tra thông tin hơn".

"Chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ", Eugene Kiely, nhà sáng lập trang FactCheck.org, cho biết.

Những lời nói dối của TT Trump: Từ chiếc mặt nạ che giấu tuổi thơ cô đơn đến nguy cơ bị luận tội ở đỉnh cao - Ảnh 1.

Ông Trump đã nói dối trong rất nhiều lĩnh vực: Từ bản thân, chuyện kinh doanh, đến chuyện tranh cử và các chính sách của nước Mỹ... Ảnh: Twitter.

Trong số hơn 9 ngàn lời "nói dối" ấy, thì sau đây là câu chuyện khiến nhà phân tâm học Stephen Grosz ấn tượng sâu sắc:

"Sau ngày Giáng sinh năm ngoái, trong chuyến thăm không báo trước tới Iraq, Tổng thống Trump đã hứa hẹn với các binh lính Mỹ về chuyện tăng lương.

'Tôi đã thương lượng được một mức tăng lương đáng kể cho các bạn', ông Trump nói. 'Họ nói rằng: 'Ông biết đấy, chúng ta có thể dừng lại ở một mức thấp hơn, khoảng 2 - 3 hay 4% chẳng hạn.' Vậy nên tôi đã đáp lại rằng: 'Không. Hãy là 10% đi. Hãy tăng lương cho họ hơn 10% lương'.'

Tuy nhiên, cuối cùng, trái với tuyên bố của ông Trump, các binh lính Mỹ chỉ được tăng 2,6% lương.

Có lẽ các binh sĩ Mỹ đã vô cùng sung sướng khi hay tin ấy. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, có lẽ ông Trump đã được họ hoan hô nhiệt liệt - vậy còn sau đó thì sao?"

Những lời nói dối của ông Trump dưới góc độ phân tâm học: Tuổi thơ cô đơn...

Là một nhà nghiên cứu về tâm lý con người, ông Stephen Grosz đã thực hiện phép so sánh đơn giản giữa hành vi nói dối của người bình thường và của ông Trump. Theo ông, hầu hết những người bình thường sẽ nói dối để tránh gây tổn thương đến bản thân hoặc đối phương, hoặc thi thoảng là để bảo vệ bản ngã của mình.

Tuy nhiên, những lời nói dối của ông Trump lại không phải vậy. Nó không đơn thuần là sự khác biệt với những vị Tổng thống tiền nhiệm, mà còn khác biệt so với những lí lẽ, quy chuẩn thông thường.

Theo ông Grosz, ông Trump có một tuổi thơ khá cô đơn dù cha mẹ là những người giàu có. Ông hầu như không có bạn bè thân thiết ở trường phổ thông và đại học. Sau này, mặc dù quen biết không ít người nổi tiếng, phần lớn những mối quan hệ này đều chỉ mang tính chất chiếu lệ và thoáng qua.

Ngoài ra, ông Trump từng tiết lộ về nỗi sợ bẩn và vi khuẩn, cũng như việc ông không thích bắt tay vì muốn tay mình luôn sạch sẽ... Từ những hành vi này, nhiều nhà phân tâm học đều sẽ kết luận rằng Tổng thống Trump là người hay "né tránh". "Ông ấy là một trong những người cô đơn nhất tôi từng gặp. Ông ấy thiếu sót về tâm lý và tình cảm để xây dựng mối quan hệ sâu sắc với người khác", người viết tiểu sử Tim O’Brien trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Nhà phân tâm học Stephen Grosz cho rằng lí do khiến Tổng thống Trump thường xuyên đưa ra những tuyên bố sai sự thật như vậy là để thu hút sự chú ý của người khác, khiến mọi người luôn suy nghĩ và liên hệ về mặt cảm xúc với ông.

"Tôi tin là tham vọng lớn nhất của [ông Trump] không phải là trong vấn đề tài chính hay chính trị - mà là được ở trong tâm trí của mỗi người. Ông ấy muốn chúng ta không bao giờ rời mắt khỏi mình", ông Grosz viết.

"Những điều các Tổng thống thường làm dường như không mấy thú vị đối với ông Trump. Nên ông ấy đã làm nhiều điều để mọi người bàn luận về mình. Những cuộc cãi vã, những lời đe dọa giúp ông [Trump] được mọi người chú ý. Và cả những lời nói dối gây sốc, cường điệu hóa và khiến mọi người bối rối cũng vậy.

Trong giai đoạn 1980-1990, ông Trump từng sử dụng danh tính "John Barron - phát ngôn viên của Donald Trump" khi trò truyện với các phóng viên và tự khen ngợi cơ ngơi và tài sản đồ sộ của chính mình, hay 'tiết lộ' chuyện ông này hấp dẫn phái đẹp ra sao... "John Barron" chính là hình ảnh công khai đầu tiên thể hiện rằng ông Trump nghi hoặc bản thân và khao khát sự nổi tiếng đến mức nào.

Theo ông Grosz, ông Trump đã tạo ra một "John Barron" vì cho rằng sẽ không có ai bảo vệ hay khen ngợi mình; và điều này có thể là kết quả của tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương, sự chú ý cũng như sự tôn trọng của cha mẹ ông Trump.

Khi cậu con trai út chào đời vào năm 2006, ông Trump và bà Melania đã đặt tên cho đứa trẻ là Barron - có lẽ ông Trump muốn biến "người bạn tưởng tượng" của mình thành sự thật, nhà phân tâm học người Mỹ bình luận.

Những lời nói dối của TT Trump: Từ chiếc mặt nạ che giấu tuổi thơ cô đơn đến nguy cơ bị luận tội ở đỉnh cao - Ảnh 3.

Nhà phân tâm học Stephen Grosz cho rằng tuổi thơ cô đơn là một phần khiến ông Trump nói dối nhiều đến vậy. Ảnh: WXXI.

Lời nói dối nghe "thật" hơn sự thật

Ngoài ra, một lý do nữa được nhà phân tâm học Grosz đưa ra, đó là ông Trump đã nói dối vì muốn chứng tỏ mình là một người đàn ông đích thực.

Khoa học đã chứng minh rằng các bé trai sẽ có một giai đoạn muốn trở thành người giống như mẹ mình khi còn nhỏ. Và cũng chính trong giai đoạn ấy, các bé sẽ bắt đầu phát triển sự nam tính của mình.

Trong thế giới phân định rõ ràng rằng "con gái thích màu hồng, con trai thích màu xanh", thì các bé trai thường sẽ khá bối rối và phải đấu tranh tư tưởng, nhưng hầu hết sẽ giữ kín bí mật này cho riêng mình, ông Grosz viết.

Chính việc tỏ ra "đàn ông" cùng nỗi sợ sẽ bị lộ phần nữ tính trong mình cũng là một lời "nói dối". Nhà phân tâm học Grosz cho rằng ông Trump đã phần nào thể hiện điều này thông qua niềm yêu thích môn đấu vật. Ông Trump từng tích cực hoạt động trong lĩnh vực này trước khi bước chân vào chính trường.

Tới nay, ông Trump vẫn có thói quen đặt biệt danh cho các đối thủ giống như tên gọi của các võ sĩ đấu vật trên sàn đấu.

Giống như các võ sĩ Dwayne "The Rock" Johnson hay Jake "The Snake" Roberts có tên gọi gắn với một sự vật liên quan tới phong cách của họ, thì ông Trump cũng dùng cách tương tự để đặt tên cho những người ông không ưa: "Low Energy Jeb" (Jeb thiếu năng lượng), "Mr Magoo" (tên nhân vật hoạt hình dành cho ông Jeff Sessions), "Lyin’ James" (James [Comey] dối trá), hay "Rat" (Chuột - dành cho cựu luật sư Michael Cohen vì đã nhiều lần tố cáo ông Trump).

Không chỉ đặt biệt danh cho từng người, ông Trump còn gọi tên các tổ chức, các nhóm người như "fake CNN" (CNN giả dối), "Fake news" (tin giả), "Fake & Corrupt Russia Investigation" (nhóm điều tra Nga can thiệp bầu cử giả dối và bị mua chuộc).

Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi cũng từng nhắc tới tính đàn ông khi nói về những yêu cầu xây dựng tường biên giới của ông Trump. "Không có lời giải thích nào cho bức tường này. Đây không phải là cách để bảo vệ biên giới cả chúng ta... dựa trên những số liệu thực tế".

Quả thực, trong lĩnh vực đấu vật chuyên nghiệp, mọi thứ cũng vận hành theo cách đó. Đối với một người hâm mộ đấu vật, thì họ chỉ cần quan tâm đến những điều khiến họ có cảm giác là thật, cho dù đó chỉ là chuyện huyễn hoặc, nhà phân tâm học Grosz viết trong bài xã luận đăng tải trên Financial Times.

Khi làm chính trị, ông Trump đã đưa ra rất nhiều lời nói dối với logic tương tự. Ví dụ như phát ngôn của ông về giấy khai sinh của cựu Tổng thống Barack Obama, hay gần đây là vụ "những xe caravan chở tội phạm và những kẻ không rõ danh tính từ Trung Đông vào nước Mỹ" - tất cả đều sai sự thật. Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ có chung mối bận tâm và lo lắng với ông Trump, thì những lời nói dối của Tổng thống sẽ khiến họ cảm thấy "thật" hơn cả sự thật.

Khi những lời nói dối trở thành nguy cơ khiến ông Trump bị luận tội

Trong lịch sử, chưa có Tổng thống Mỹ nào bị kiện tụng bủa vây nhiều như ông Trump. Chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên làm lãnh đạo nước Mỹ, gần như mọi công ty đứng tên ông Trump đều nằm trong diện điều tra về các khoản thuế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với chính phủ nước ngoài.

Sau khi trở thành Tổng thống, ông Trump vẫn tiếp tục đứng tên sở hữu các công ty của mình dù từng tuyên bố sẽ từng bước trao quyền điều hành công ty cho các con trai Donald Trump Jr. và Eric Trump. Ngoài ra, các công ty này vẫn tiếp tục làm ăn với chính phủ nước ngoài trong thời gian ông Trump tại chức.

Những điều này đã khiến ông Trump vướng vào các vụ kiện dân sự do cáo buộc vi phạm điều khoản cấm tư lợi của Tổng thống Mỹ được quy định trong Hiến pháp.

Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Trump cũng rơi vào tầm ngắm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller do có cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử. Ban tổ chức lễ nhậm chức của ông Trump cũng đang bị điều tra về các khoản tài trợ trái phép của nước ngoài.

Những lời nói dối của TT Trump: Từ chiếc mặt nạ che giấu tuổi thơ cô đơn đến nguy cơ bị luận tội ở đỉnh cao - Ảnh 5.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang tiến hành điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Mueller đã khiến người đứng đầu chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, ông Paul Manafort, và 4 cố vấn ra nhận tội. Ảnh: CNN.

Ngay cả hoạt động của tổ chức từ thiện Trump Foundation cũng bị cáo buộc liên tục vi phạm luật từ thiện, trong đó có những hành động bất hợp pháp liên quan đến cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2016, và việc sử dụng tiền từ thiện để chi trả cho hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của ông này.

Chưa hết, ông Trump còn vướng vào bê bối tấn công tình dục 3 phụ nữ, từng bị tố chi tiền để khiến sao khiêu dâm giữ bí mật việc ngoại tình...

Trong khi mọi việc vẫn đang trong quá trình điều tra, thì ông Trump vẫn liên tục phủ nhận những cáo buộc trên và khẳng định mình "không làm điều gì sai trái", như nội dung dòng tweet ngày 4/1/2019 sau đây:

"Các người làm sao có thể luận tội một tổng thống đã giành được chiến thắng có thể nói là vĩ đại nhất trong lịch sử, không làm điều gì sai trái (không có chuyện tôi thông đồng với Nga, chính đảng Dân chủ mới là những người làm chuyện đó), có 2 năm đầu nhiệm kỳ thành công nhất so với tất cả các tổng thống tiền nhiệm, và là thành viên nổi tiếng nhất trong lịch sử của đảng Cộng hòa - với 93% ủng hộ".

Tất nhiên những tuyên bố trên của ông Trump không thể ngăn cản những người nghi ngờ ông tiếp tục nghi ngờ, và các cuộc điều tra liên quan đến hoạt động của ông Trump vẫn đang tiếp tục tiếp diễn.

Theo hãng tin ABC, hiện nay có 4 cuộc điều tra lớn đang được tiến hành nhằm vào Tổng thống Trump, bao gồm:

- Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016

- Cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ về các hành vi cản trở điều tra, vi phạm điều khoản cấm tư lợi, vi phạm luật tài chính và tranh cử, và lạm dụng quyền lực của Tổng thống

- Cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo và Ủy ban Giám sát thuộc Hạ viện Mỹ, với mục đích tương tự như cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller

- Cuộc điều tra của các bang New York, Maryland và Washington D.C về các vi phạm khác nhau của Tổng thống Trump và các công ty/quỹ từ thiện đứng tên ông

Liệu ông Trump có thể bị luận tội hay không?

Có lẽ điều này sẽ chưa thể xảy ra trong một sớm, một chiều. Ngày 11/3, trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, bà Pelosi đã phát biểu: "Tôi không chủ trương luận tội. Điều này có thể gây chia rẽ đất nước sâu sắc, trừ khi có những lí do đủ thuyết phục và được cả hai đảng ủng hộ. Tôi không nghĩ là chúng ta cần làm đến mức đó, vì nó sẽ chia rẽ nước Mỹ. Và ông ta không xứng đáng với điều đó."

Đây là động thái khá bất ngờ, bởi rất nhiều thành viên đảng Dân chủ đã có thái độ gay gắt và kêu gọi luận tội ông Trump.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh Hill TV, bà Emily Ekins, giám đốc Viện Cato (Mỹ) chuyên tổ chức các cuộc thăm dò, cho biết đảng Dân chủ cần có thái độ tiết chế trong vấn đề luận tội Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử năm 2020.

Theo bà này, nếu như đảng Dân chủ tiếp tục gay gắt, thì họ sẽ phải chịu tác dụng ngược, trong khi ông Trump lại có thể nhận được sự cảm thông của mọi người:

"Tôi tin là rất nhiều thành viên đảng Dân chủ đã nhận ra rằng nếu họ công kích ông Trump thái quá, thì họ sẽ chỉ khiến ông ta càng giống nạn nhân hơn", bà Ekins nói. "Điều này sẽ không có lợi cho cuộc bầu cử năm 2020, bởi vậy nên một số người trong số họ đã quyết định lùi lại một chút".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại