Không ai ngờ đây mới chính là quốc gia của những "con sâu rượu"

Thu Trang |

Mặc dù đang là quốc gia có số người nghiện rượu cao nhất thế giới nhưng có vẻ như người dân nước này không có gì là muốn thay đổi thói quen "uống rượu như nước lã" đó.

Cô gái trẻ đang ôm cái bồn cầu trong toilet một quán cà phê ở trung tâm thành phố Seoul, tóc tai dính bê bết khắp khuôn mặt xinh đẹp.

Cảnh sát cố gắng lay cô tỉnh dậy nhưng cô gái trẻ người đã mềm nhũn như con chi chi, hoàn toàn không nhận thức được những gì diễn ra xung quanh nữa rồi. "Tôi nghĩ cô ấy xỉn quá rồi", cảnh sát Hazel Chang cho biết.

Không ai ngờ đây mới chính là quốc gia của những con sâu rượu - Ảnh 1.

Cô gái trẻ say xỉn tới nỗi không biết gì. (Ảnh minh họa)

Nữ cảnh sát Chang cùng đồng nghiệp dìu cô gái ra xe và đưa về trụ sở cảnh sát để nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và liên lạc với thân nhân để nhận về.

Đây chỉ là một trong vô vàn trường hợp bất tỉnh vì quá say xỉn mà cảnh sát phải xử lý trên đường phố Seoul, thủ đô của Hàn Quốc.

Theo kết quả nghiên cứu của công ty Eurominitor, rượu là một phần không thể thiếu được trong đời sống của rất nhiều người dân xứ sở kim chi.

Ở đây, rượu được bán với giá rất rẻ và được coi như "miếng trầu làm đầu câu chuyện" cho những cuộc làm ăn, gặp gỡ bạn bè, đồng thời là một cách để xả stress sau những giờ làm việc dài và mệt mỏi.

Không ai ngờ đây mới chính là quốc gia của những con sâu rượu - Ảnh 2.

Rượu được coi là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế và Phục lợi Xã hội Hàn Quốc, quốc gia này có nhiều người nghiện rượu nhất thế giới và chi phí xã hội cho các vấn đề liên quan tới rượu lên tới 20 tỷ USD/năm.

Cứ vài ngày một lần, anh Suh Seung-Beom, một nhân viên ngân hàng ở Seoul, lại rủ đối tác, đồng nghiệp hoặc bạn bè đi nhậu. Như đa số người dân Hàn Quốc, họ chọn uống soju, một loại rượu chiết xuất từ gạo đặc trưng của văn hóa nước này.

Trong một buổi chè chén gần đây nhất, anh Suh và "đồng đội" của mình đã bị rượu "vật" cho một trận nhừ tử. Thế nhưng anh vẫn nhất quyết phủ nhận uống cho tới bến là mục tiêu của những buổi chè chén không hồi dứt của mình.

Không ai ngờ đây mới chính là quốc gia của những con sâu rượu - Ảnh 3.

Người Hàn Quốc coi rượu như "miếng trầu làm đầu câu chuyện".

"Đó đơn thuần chỉ là một cách để xây dựng quan hệ xã hội. Ở công sở, đồng nghiệp khó có thể mở lòng với nhau nhưng bên bàn rượu, chúng tôi có thể cùng nhau xây dựng những kỉ niệm vui vẻ", anh Suh chia sẻ quan điểm với tờ Al Jazeera.

Một trong những đối tác bên bàn nhậu của Suh, anh Brent Lee, cũng cho rằng bản thân mình và bạn bè không hề uống nhiều rượu. Bên cạnh đó, theo anh Lee, uống rượu ở chừng mực nào đó cũng có lợi vì có thể giúp giải tỏa căng thẳng.

Tuy nhiên, các sĩ quan cảnh sát làm nhiệm vụ tuần cảnh ở khu vực kinh doanh dịch vụ giải trí sầm uất nhất Seoul không đồng tình với điều đó một chút nào.

"Tôi nghĩ say xỉn là cả một vấn đề"

Công việc của những cảnh sát tuần tra tại khu vực này có thể coi là nặng nề nhất vì hầu hết các cuộc điện thoại gọi đến đều liên quan tới người say xỉn.

Nữ cảnh sát Chang, trước đây từng là một giáo viên, đã rất sốc khi chứng kiến quá nhiều trường hợp say xỉn vạ vật ngay trên đường phố kể từ khi gia nhập lực lượng tuần tra này khoảng 2 tháng trước.

"Cá nhân tôi thấy uống rượu say xỉn là cả một vấn đề… một vấn đề lớn", cảnh sát Chang cho biết.

Không ai ngờ đây mới chính là quốc gia của những con sâu rượu - Ảnh 4.

Cảnh sát Seoul liên tục phải xử lý những trường hợp liên quan tới say rượu.

Đồng nghiệp của cô, Choi Kyung-reol, cho hay trong một số năm gần đây, số lượng các vụ việc liên quan tới những người say xỉn gọi tới trụ sở cảnh sát tăng đột biến. Đau lòng hơn, số phụ nữ uống say, bất tỉnh trên phố cũng ngày một nhiều.

"Tôi thấy những cố gắng nỗ lực của mình và đồng nghiệp không cải thiện được vấn đề. Người ta vẫn cứ uống rượu, đi "quẩy" dữ dội hơn. Và hầu hết các trường hợp chúng tôi được gọi tới để giải quyết đều có yếu tố bạo lực", cảnh sát Choi chia sẻ.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng vấn đề ngày càng nghiêm trọng một phần cũng là vì quốc gia này không có chế tài đối với những người thường xuyên quá chén.

"Quẩy" xong rồi gục luôn tại trận

Theo số liệu điều tra của Euromonitor, trung bình, người Hàn Quốc tiêu thụ 14 cốc rượu mạnh/tuần trong khi con số này ở Nga và Mỹ lần lượt là 6 và 3.

"Rượu chè quá mức dẫn tới rất nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có các bệnh về gan. Tuy nhiên, vấn đề là chính phủ chưa đưa ra hướng dẫn nào về lượng rượu mỗi cá nhân được tiêu thụ", Chun Sung-soo, cán bộ Hiệp hội Y tế Cộng đồng Hàn Quốc cho biết.

Chun cho biết nhiều người dân nước này vẫn chưa ý thức được những nguy cơ đối với sức khỏe của việc nốc quá nhiều rượu.

Không ai ngờ đây mới chính là quốc gia của những con sâu rượu - Ảnh 5.

Người dân Hàn Quốc dường như vẫn chưa ý thức hết được những tác hại do rượu gây ra.

Theo anh Chun, chính phủ chỉ trích một phần nhỏ tiền thuế thu được từ doanh thu bán rượu cho các chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về các tác hại của rượu.

"Trong suốt 20 năm qua, chúng tôi đã liên tục đề xuất các chính sách giảm tối đa lượng tiêu thụ rượu như tăng giá sản phẩm, điều tiết số lượng sản phẩm bán ra, hạn chế quảng cáo…

Thế nhưng, những đề xuất đó đều không được quốc hội thông qua.

Người dân chắc chắn sẽ dán mắt vào xem những đoạn quảng cáo rượu xuất hiện người nổi tiếng. Điều này sẽ khiến lượng tiêu thụ rượu tăng lên, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người say xỉn và bất tỉnh ngay trên bàn nhậu", anh Chun cho biết.

Tác hại ai cũng biết nhưng không mấy người muốn thay đổi

Ông Kim là người biết rõ hơn ai hết tác hại của việc nghiện rượu. "Con sâu rượu" này đã lâm vào cảnh nghiện ngập hàng thập kỷ này rồi. Ông ta đã đốt hết tài sản của mình vào rượu chè và khiến gia đình tan nát.

"Tôi chỉ uống rượu chay mà chẳng ăn uống gì hết ngày này qua ngày khác. Sau mỗi trận rượu như thế tôi lại bê bết trong bệnh viện và chẳng thể làm ăn gì. Cuối cùng, tôi đã mất cả vợ cả con", ông Kim kể lại.

Không ai ngờ đây mới chính là quốc gia của những con sâu rượu - Ảnh 6.

Ông Kim đã từng là một "con sâu rượu". Chè chén suốt ngày, ông thậm chí còn mất đi cả gia đình mình. (Ảnh minh họa)

Hiện tại, ông Kim bị xơ gan, một căn bệnh mà hầu như những người nghiện rượu nào cũng đều mắc phải. Thế nhưng, ông thừa nhận vẫn không thể bỏ rượu.

Mặc dù nhiều tấm gương tày liếp ra đó nhưng lớp trẻ Hàn Quốc vẫn không từ bỏ được văn hóa uống rượu để thể hiện bản thân của mình.

Jiyeon Shin, một sinh viên đại học, cho biết cô thường xuyên ra ngoài tụ tập uống rượu với bạn 5 lần/tuần. Với cường độ học hành 18 giờ/ngày, cô và bạn bè mình đều cho rằng uống rượu là cách để giải tỏa áp lực.

Không ai ngờ đây mới chính là quốc gia của những con sâu rượu - Ảnh 7.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc cho rằng việc uống rượu có thể giúp họ bớt stress.

"Tôi nghĩ có thể giờ tôi sắp trở thành con sâu rượu mất rồi. Tôi thường xuyên khởi xướng các các cuộc nhậu và thường xuyên kết thúc bằng các màn say xỉn quên đường về", cô gái trẻ cho biết.

Khi được hỏi, cô có nghĩ một ngày nào đó người Hàn Quốc sẽ bớt uống rượu đi không, Jiyeon vẫn giữ vững lập trường của mình.

"Chắc chắn là không. Rượu là thứ không thể thiếu trong mối quan hệ giữa bạn bè và gia đình. Tôi nghĩ văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc ngày càng "lên trình" thì đúng hơn.

Chính vì vậy, chẳng có lý nào người Hàn Quốc sẽ uống rượu ít đi… mà cũng chẳng cần thế", cô gái trẻ cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại