Theo nhà tâm lý học Rick Hanson đến từ Đại học UC Berkeley, bất cứ ai cũng có thể rèn luyện cho não bộ trải nghiệm hạnh phúc nhiều hơn mỗi ngày, nhờ một loạt các bài tập ngắn được thực hiện trong cả khi làm việc, lẫn thời gian nghỉ ngơi.
Trong cuốn sách của mình mang tên "Hardwiring Happiness: The New Brain Science of Contentment, Calm, and Confidence" (tạm dịch: Lập trình hạnh phúc:
Khoa học não bộ về sự mãn nguyện, yên ổn và tự tin), Hanson giải thích rằng, quá trình tiến hóa đã để lại trong con người xu hướng luôn chú ý đến những điều tiêu cực.
Vì sự sinh tồn phụ thuộc trực tiếp vào khả năng nhận diện và phản ứng với những mối đe dọa, nên bộ não đã tiến hóa theo hướng nghiêng về phía tiêu cực và đề phòng.
Do đó, những trải nghiệm xấu có xu hướng được ghi nhớ lâu hơn (vì có vẻ chúng rất QUAN TRỌNG), trong khi những trải nghiệm tốt lại nhanh chóng bị quên lãng.
Ví dụ, Hanson đưa ra dẫn chứng về những nghiên cứu cho thấy, các mối quan hệ tốt đòi hỏi tỉ lệ giữa các tương tác tích cực, với các tương tác tiêu cực là 5-1.
Nghĩa là, bạn sẽ thấy ghét cấp trên của mình nếu ông ta không tuyên dương bạn nhiều hơn gấp 5 lần những gì ông ta chỉ trích bạn.
Điều may mắn là trong khi não người có xu hướng nghiêng về phía những điều tiêu cực, nó lại rất linh hoạt, và đó là lý do mà bạn có thể "lập trình" lại để giúp chính mình cảm thấy hạnh phúc nhờ trong khoảng 10 - 30 giây tập trung vào cảm giác hạnh phúc bạn có được, khi trải qua một điều thú vị nhỏ nhỏ nào đó.
Niềm vui nhỏ bé này có thể là: được chơi với con, hay đơn giản chỉ là cảm giác hài lòng sau khi hoàn thành xong một việc gì đó.
Lúc này, bạn có thể "hướng dẫn" bộ não gắn nhãn "điều này rất QUAN TRỌNG!!!" nên những niềm vui nhỏ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.
Theo thời gian, bộ não sẽ thích nghi với trạng thái hạnh phúc, như Hanson giải thích trong một cuộc phỏng vấn trên The Atlantic:
"Một số loại trải nghiệm có thể giải quyết những vấn đề ở đây. Chẳng hạn, những trải nghiệm thư giãn, yên bình, cảm giác được bảo vệ, thấy mình mạnh mẽ và tháo vát, tất cả đều hướng đến những vấn đề về an toàn.
Nếu lặp lại nhiều lần cảm giác yên bình, một người dần dần sẽ đủ khả năng đối mặt với các tình huống khó khăn trong công việc, cũng như trong cuộc sống, mà không bị choáng ngợp và gục ngã, không bị đẩy vào trạng thái bị động".
"Điều chúng ta cần là hướng tới sự thỏa mãn, sự vui sướng, cảm giác hoàn thành một việc gì đó, cảm giác thành đạt, cảm giác có một sự toàn vẹn trong cuộc sống, chứ không phải sự trống rỗng, tuyệt vọng.
Khi người ta thiết lập được những nét tâm lý ấy, họ sẽ đủ khả năng đối mặt với những vấn đề như: mất mát, khó khăn hay thất vọng".
Bạn thấy đấy, những người hạnh phúc nhất không phải là những người ít gặp khó khăn trong cuộc sống, mà là những người có khả năng tìm thấy niềm vui trong bất cứ hoàn cảnh nào đang diễn ra với họ.