Khoa học chứng minh bạn có thể học ngoại ngữ trong khi ngủ

THANH LONG |

Rõ ràng, đây là một chủ đề nghiên cứu có thể mở ra nhiều định hướng ứng dụng trong tương lai, không chỉ dừng lại ở việc học một ngôn ngữ mới trong khi bạn ngủ. Theo đó, não bộ ẩn chứa những tiềm năng vô biên mà chúng ta còn chưa khai phá hết.

Trong xã hội công nghiệp ngày nay, ngủ thường được coi là khoảng thời gian bị lãng phí. Đơn giản là vì chúng ta không thể làm việc hay học tập trong khi ngủ. Mặc dù, giấc ngủ gián tiếp giúp bạn khỏe mạnh để làm điều đó tốt hơn khi thức tỉnh. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng tốt hơn chúng ta nên tận dụng thời gian ngủ để làm gì đó, học ngoại ngữ chẳng hạn.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học cho biết đó không phải là một ý tưởng quá viển vông. Dường như việc học từ mới ngoại ngữ trong khi ngủ là có thể, nếu chúng ta biết tận dụng những đợt sóng não đặc biệt mà ở đó cơ thể vẫn nghĩ rằng nó còn thức.

Tín hiệu thính giác và khu vực xử lý ngôn ngữ vẫn còn hoạt động trong trạng thái này. Bạn có thể nghe các từ mới khi ngủ, tỉnh dậy và nắm được một phần ngữ nghĩa của những từ đó.

Khoa học chứng minh bạn có thể học ngoại ngữ trong khi ngủ - Ảnh 1.

"Các vũng não chịu trách nhiệm cho việc học ngôn ngữ khi chúng ta thức, bao gồm cả vùng hồi hải mã vẫn được kích hoạt khi [các tình nguyện viên của chúng tôi] học từ vựng trong giấc ngủ sâu", Marc Züs, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Bern cho biết.

"Có vẻ như những cấu trúc não bộ này có thể điều chỉnh sự hình thành trí nhớ độc lập với bất kỳ trạng thái ý thức nào mà chúng ta đang có - cho dù là vô thức trong giấc ngủ, hay có ý thức trong khi chúng ta thức".

Thí nghiệm học ngoại ngữ khi đang ngủ

Để kiểm tra khả năng học ngữ khi đang ngủ, các nhà khoa học tại Đại học Bern của Đức đã tuyển dụng 41 tình nguyện viên tham gia vào một thí nghiệm. Họ cho những người này đội một chiếc mũ điện não đồ để đo sóng não và đeo tai nghe để nghe từ mới khi đang ngủ.

Khác với điều mọi người vẫn nghĩ, não bộ chúng ta không hề nghỉ ngơi trong khi ngủ mà chúng vẫn hoạt động rất tích cực. Cứ mỗi nửa giây, nó lại đi vào một trạng thái mà các nhà khoa học gọi là "up-state" và hoạt động như lúc chúng ta đang thức. Nửa giây sau, nó đi vào trạng thái "down-state", giảm hoạt động khi chúng ta ngủ.

Quá trình này luân phiên liên tục khiến chính các nhà khoa học cũng khó xác định khi nào trạng thái ý thức thực sự "ngủ" và khi nào nó thực sự "thức".

Đây là cơ sở cho họ tin rằng nếu tình nguyện viên nghe được các từ mới và ví dụ minh họa cho chúng vào đúng giai đoạn "up-state" khi đang ngủ, não bộ của họ cuối cùng có thể học được từ này.

Khoa học chứng minh bạn có thể học ngoại ngữ trong khi ngủ - Ảnh 2.

Để làm điều đó, các nhà khoa học đã tạo ra một số các từ vựng giả - hay một ngôn ngữ không có thật mà họ tự sáng tạo ra và gán nghĩa cho chúng. Chẳng hạn, "tofer" là một tính từ ám chỉ một thứ gì đó rất lớn còn "aryl" nghĩa là một thứ gì đó khá nhỏ.

"Thay vì sử dụng một ngoại ngữ thực sự, chúng tôi đã tạo ra các từ giả có âm thanh nước ngoài để tránh bất kỳ sự ảnh hưởng nào trong kinh nghiệm ngoại ngữ trước đó của tình nguyện viên", các nhà nghiên cứu cho biết.

Nghĩa của các từ này được dạy cho tình nguyện viên bằng cách phát kèm chúng với các ví dụ là các danh từ tiếng Đức. Chẳng hạn để minh họa cho từ "tofer" nghĩa là "to", nó sẽ được phát cùng với những đồ vật to như "haus", nghĩa là ngôi nhà. "Tofer-Haus, Haus-tofer, tofer-Haus, Haus-tofer" 4 lần như vậy.

Từ "aryl" nghĩa là nhỏ sẽ được phát kèm các ví dụ như "cork" nghĩa là cái nút chai rượu.

Khi tỉnh dậy, các tình nguyện viên sẽ được hỏi hai từ mà họ đã học trong giấc ngủ, "tofer" và "aryl", từ nào chỉ một vật to hơn, từ nào chỉ vật nhỏ hơn? Kết quả cho thấy tình nguyện viên đã phân biệt được nghĩa của không chỉ một cặp từ này mà còn khoảng 35 cặp từ khác.

Khoa học chứng minh bạn có thể học ngoại ngữ trong khi ngủ - Ảnh 3.

Các nhà khoa học cũng cho biết khi các cặp từ mới và ví dụ cho chúng được phát trùng vào giai đoạn đỉnh sóng của trạng thái "up-state", các tình nguyện viên sẽ học tốt hơn so với khi âm thanh bị lệch ra khỏi đó.

Ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng fMRI sau đó xác nhận các khu vực não liên quan đến trí nhớ và học tập ngôn ngữ như vùng hồi hải mã của tình nguyện viên được kích hoạt khi họ đoán nghĩa của các từ mới này.

Chúng ta thực sự có thể học khi đang ngủ

Simon Ruch, đồng tác giả nghiên cứu mới cho biết với kết quả này họ đã "bác bỏ [các giả thuyết trước đây cho rằng] hành vi học tập phức tạp là không thể trong khi ngủ sâu".

Các kết quả hiện tại nhấn mạnh một khái niệm lý thuyết mới về mối quan hệ giữa trí nhớ và ý thức mà Katharina Henke đã công bố vào năm 2010 trên tạp chí Nature Reviews Neuroscience. Trong đó, Henke cho biết con người có thể tìm cách nạp thông tin vào não bộ mình trong giai đoạn ngủ sâu, và đó sẽ là một chủ đề nghiên cứu mới hấp dẫn các nhà khoa học.

Cho đến nay, nghiên cứu về giấc ngủ chỉ mới nhấn mạnh vào vai trò củng cố ký ức cho chúng ta. Chẳng hạn, nhiều nhà nghiên cứu cho biết sau khi bạn học bài xong và ngủ một giấc, khi tỉnh dậy bạn sẽ nhớ được bài học đó tốt hơn do não bộ trong giấc ngủ sẽ tự động sắp xếp các mảnh ký ức mà bạn vừa học được vào bộ nhớ dài hạn, cho phép bạn củng cố kiến thức.

Khoa học chứng minh bạn có thể học ngoại ngữ trong khi ngủ - Ảnh 4.

Bây giờ, nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Bern là một bước tiến xa hơn. Nó chứng minh một khái niệm quan trọng rằng chúng ta có thể học tập một cách vô thức ngay trong giấc ngủ.

Nghiên cứu thú vị này nằm trong một dự án lớn được gọi là "Giải mã giấc ngủ: Từ tế bào thần kinh đến sức khỏe và tâm trí – IRC". Dự án có sự tham gia của 13 nhóm nghiên cứu về y học, sinh học, tâm lý học và tin học để khám phá tiềm năng của giấc ngủ con người, sự ảnh hưởng của nó tới ý thức và nhận thức của chúng ta.

Rõ ràng, đây là một chủ đề nghiên cứu có thể mở ra nhiều định hướng ứng dụng trong tương lai, không chỉ dừng lại ở việc học một ngôn ngữ mới trong khi bạn ngủ. Theo đó, não bộ ẩn chứa những tiềm năng vô biên mà chúng ta còn chưa khai phá hết.

Chuyên đề Khoa Học Vui Nhộn nhận bài viết cộng tác gửi về email khampha@soha.vn. Quý độc giả đọc được những nghiên cứu bất ngờ - lý thú - vui nhộn nào có thể gửi bài cộng tác (lưu ý dẫn đầy đủ các nguồn tham khảo). Tiêu đề thư ghi gõ: Bài cộng tác Khoa Học Vui Nhộn. Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại