Kho vũ khí của NATO 'trống rỗng', Ukraine bất mãn với đồng minh

Kiệt Linh |

NATO cần một ngành công nghiệp “mạnh mẽ hơn” để bổ sung kho vũ khí và đạn dược đã cạn kiệt sau một năm cung cấp cho Kiev, Tổng thư ký của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - ông Jens Stoltenberg hôm qua (19/6) đã cho biết như vậy tại một hội nghị công nghiệp ở Đức.

Kho vũ khí của NATO trống rỗng, Ukraine bất mãn với đồng minh - Ảnh 1.

Liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt "phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine" như họ đã làm từ năm 2014, ông Stoltenberg nhấn mạnh tại Ngày Công nghiệp ở Berlin, do Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) tổ chức. Tổng thư ký NATO lập luận rằng: "Chúng ta cũng cần một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn. "Vũ khí và đạn dược dự trữ của chúng ta đã cạn kiệt và cần được bổ sung. Không chỉ ở Đức, mà còn ở nhiều quốc gia trong NATO."

Tổng thư ký NATO nói thêm rằng ông đã gặp gỡ các đại diện của ngành công nghiệp quân sự vào tuần trước và thảo luận về cách tốt nhất để tăng cường sản xuất và hợp lý hóa chuỗi cung ứng, đồng thời cho biết thêm rằng đây là "chìa khóa để duy trì sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine".

Ông Stoltenberg cũng lặp lại lập luận của mình rằng chỉ có một chiến thắng của Ukraine trên chiến trường mới có thể mang lại một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Các lực lượng của Kiev đã cố gắng tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn ở mặt trận phía nam trong tuần qua, với tổn thất nặng nề về nhân lực cũng như vũ khí do phương Tây cung cấp.

Mỹ và các đồng minh đã gửi vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá hơn 100 tỷ USD tới Kiev trong năm ngoái, sau khi xung đột leo thang. Họ khẳng định điều này không thực sự khiến họ trở thành một bên tham gia chiến sự với Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc phương Tây can dự trực tiếp, không chỉ với việc cung cấp vũ khí mà còn huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh, Đức, Ý và các nơi khác. Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không tham gia, đồng thời cam kết "hỗ trợ Ukraine đến chừng nào còn cần thiết" bằng vũ khí, trang thiết bị, đạn dược và tiền mặt trị giá hàng trăm triệu USD.

Kiev đã phàn nàn rằng rất nhiều về những vũ khí mà họ được phương Tây cung cấp.  Những vũ khí được bàn giao trong tình trạng tồi tệ đến mức chúng phải được tháo rời để lấy các bộ phận. Theo tờ New York Times, ít nhất 1/3 tiềm năng quân sự của Ukraine đang trong quá trình sửa chữa.

Phương Tây không thể thỏa mãn Ukraine

Trong bối cảnh này, trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Ukraine, Ngoại trưởng Dmitry Kuleba hôm qua đã thể hiện sự bất mãn với đồng minh NATO. Theo ông này, không có số lượng vũ khí hay đạn dược nào mà Mỹ và các đồng minh cung cấp cho Ukraine là đủ trừ khi Kiev giành chiến thắng.

"Khi chúng tôi giành chiến thắng, tôi sẽ nói rằng ‘đã có đủ vũ khí’. Nhưng cho đến lúc đó, sẽ không có gì là đủ, cho dù họ có gửi bao nhiêu đi chăng nữa, bởi vì nếu không có chiến thắng, điều đó có nghĩa là không đủ," ông Kuleba nói.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine cho biết thêm, những gì quân đội Ukraine cần nhất vào lúc này là đạn pháo và xe bọc thép. "Đây chính xác là những gì lực lượng của chúng tôi cần bây giờ cho cuộc phản công, và họ đang nhận được những nguồn cung cấp này hàng ngày."

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi cuối tuần vừa rồi đã chỉ ra rằng "việc phi quân sự hóa Ukraine… trên thực tế đã đạt được" trong năm qua, khi Kiev cạn kiệt vũ khí của chính mình và phải thay thế chúng bằng vũ khí được cung cấp từ phương Tây.

Phương Tây cũng đã gửi hàng trăm phương tiện bọc thép đến thay thế cho những tổn thất của Kiev, nổi bật là xe bọc thép do Đức chế tạo - xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất. Cả hai loại phương tiện này đều chịu tổn thất nặng nề trong hai tuần giao tranh vừa qua trên mặt trận Zaporozhye.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại