Năm 2015 bộ phim "Ma Thổi Đèn – Tầm long quyết" được ra mắt, kể về câu chuyện trộm mộ li kỳ của vua trộm mộ Hồ Bát Nhất vốn đã rửa tay gác kiếm. Từ một cơ duyên ngày nọ, anh dẫn đầu một nhóm đi tìm kiếm và đánh phá bí mật của một ngôi mộ ngàn năm tuổi. Nhưng làm thế nào mà một ngôi mộ cổ có thể dễ dàng tìm thấy? Trong phim, Hồ Bát Nhất luôn cầm trên tay một chiếc la bàn, miệng không ngừng nhắc đi nhắc lại bí quyết tổ truyền: "Muốn tìm thấy rồng thì hãy tìm những triền núi, mỗi một triền núi là một long mạch". Và cuối cùng, Hồ Bát Nhất có thể tìm thấy chính xác vị trí của ngôi mộ cổ trước sự kinh ngạc của rất nhiều người.
Câu chuyện từ bộ phim nổi tiếng này có lẽ đã được tái hiện rõ ràng ngoài đời thông qua vụ trộm mộ nổi tiếng năm 2011 tại thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Những kẻ đạo mộ đã tìm được chính xác vị trí lăng mộ của mộ t bậc đế vương. Chúng đã chọc thủng 7 lớp đất chất kín, 5 lớp ván gỗ, đào tới 15m chiều sâu , thậm chí còn nhìn thấy cả tấm ván trên mái lăng mộ . Chỉ còn cách 5 phân nữa có thể đào được tới vị trí của 10 tấn bảo vật, nhưng kẻ trộm mộ đã dừng lại. Nhờ vậy mà toàn bộ hiện vật trong lăng mộ đã được bảo toàn một cách đáng ngạc nhiên Ngược thời gian trở lại vào một đêm tháng 3 năm 2011, khi Cầu Đức Vũ (Jude Yu), một người dân ở thôn Lão Cầu đang ngủ thì bất ngờ bị đánh thức bởi tiếng gà gáy và chó sủa. Điểm mấu chốt là chúng kêu suốt cả đêm khiến Cầu Đức Vũ tức mình, sáng sớm hôm sau đã vội chạy đi một vòng núi xem xét. Ông tìm thấy một cái hố lớn có đường kính khoảng 1 mét. Mặc dù nó được bao phủ bởi một lớp lá khô nhưng đã không qua khỏi đôi mắt sắc bén của Cầu Đức Vũ.
Cái hố lớn này sâu tới mức không thấy đáy, miệng phía trên hình tròn, phía dưới hình vuông, vách trơn nhẵn, thoạt nhìn đã biết do người chuyên nghiệp đào. Cầu Đức Vũ lập tức gọi điện báo cảnh sát. Sau khi tới hiện trường, cảnh sát kết luận đây là "hố trộm" . Ngày 23, các chuyên gia của Cục Di tích Văn hóa tỉnh Giang Tây đến hiện trường, sau khi đo đạc, hang trộm sâu tới 15 mét, tương đương với một tòa nhà cao 5 tầng. Không những vậy, khi đứng dưới đáy hang có thể ngửi thấy một mùi thơm nồng, các chuyên gia chắc chắn nơi đây không hề đơn giản!
Từ ngày 15 tháng 4 năm 2011 đến ngày 31 tháng 10 năm 2015, đội khảo cổ chung được thành lập bởi Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Giang Tây và các khu vực khác cuối cùng đã hoàn thành phần lớn công việc trong 5 năm. Họ đã khai quật được khoảng 10.000 mét vuông, tiếp tục khai phá thêm tổng cộng khoảng 1 triệu mét vuông, toàn bộ lăng mộ đã được đưa ra ánh sáng. Đó chính là lăng mộ của Hải Hôn hầu gây chấn động thế giới.
Vậy Hải Hôn Hầu là ai? Đây là một tước vị của thời Tây Hán, được truyền từ đời này sang đời khác, truyền đến 4 đời và kéo dài đến thời Đông Hán.Thế hệ Hải Hôn hầu đầu tiên có thân thế lớn nhất, đó chính là Lưu Hạ - vị Hoàng đế thứ chín của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, chỉ tại vị 27 ngày năm 74 TCN. Cuộc đời của ông khá nhiều trắc trở.
Lưu Hạ sinh năm 92 trước Công nguyên, là cháu của Hán Vũ đế Lưu Triệt, và là con trai của Xương Ấp Ai vương Lưu Bác. Sau khi cha mất, Lưu Hạ được kế vị tước Xương Ấp Vương. Ông là hoàng đế thứ 9 của nhà Hán, tuy nhiên do tính tình phóng khoáng, ăn chơi sa đọa, lại vô cùng háo sắc, nên chỉ làm vua trong 27 ngày đã bị phế truất, giáng xuống làm dân thường, nên mọi người còn gọi ông là "Hán phế đế".
Từ một vương gia lên đến ngôi vị hoàng đế, rồi lại từ hoàng đế bị giáng xuống dân thường, Hán Tuyên đế cảm thấy Lưu Hạ "đáng thương" nên phong cho làm "Hải Hôn hầu". Nhưng vì đòn đả kích này quá lớn, Lưu Hạ không chịu nổi nên sinh bệnh, không bao lâu sau thì qua đời, hưởng dương 33 tuổi. Do cuộc đời quá thăng trầm nên những di tích văn hóa do ông để lại càng có giá trị nghiên cứu cao đối với ngành khảo cổ học.
Giới đạo mộ hiểu khá rõ về những điều này, nên ngay từ thời Ngũ Đại (năm 907 – 979), đã có rất nhiều kẻ trộm mộ "viếng thăm" lăng mộ của Hải Hôn Hầu, nhưng đa số đều không thành công. Hóa ra một trận động đất lớn đã xảy ra ở đây vào năm 318 sau Công nguyên, và lăng mộ Hải Hôn Hầu bị nhấn chìm trực tiếp trong lòng hồ Bà Dương (Poyang). Các mạch nước ngầm nơi đây làm ngập lăng mộ , khiến cho việc tìm kiếm ngôi mộ trở nên vô cùng khó khăn. Cũng bởi vì vậy mà lăng mộ Hải Hôn hầu tồn tại hơn 2000 năm, các di tích văn hóa cũng được bảo tồn tốt do môi trường yếm khí, mức độ ăn mòn thấp.
Bước vào thời hiện đại, giới trộm mộ đã có được những trang bị tối tân, chúng một lần nữa lại nhắm vào lăng mộ của Hải Hôn hầu. Tuy nhiên điều may mắn là người dân làng Cầu Đức Vũ đã phát hiện kịp thời, nếu không thì một ngày sau, những tên trộm mộ đã có thể kịp xuyên thủng tấm ván cuối cùng và tiếp cận trực tiếp Ngôi mộ của Hải Hôn Hầu.
Sau những nỗ lực không ngừng của các chuyên gia, lăng mộ của Hải Hôn Hầu cuối cùng đã được đưa ra ngoài ánh sáng. Cho đến nay, hơn 10.000 di vật văn hóa các loại đã được khai phá, trong đó bao gồm những bộ chuông, đàn, đàn hoàn chỉnh, những tấm ván tre với số lượng lớn chữ viết, bài vị bằng gỗ, và đặc biệt là khoảng hơn 10 tấn tiền xu ngũ thù – một loại tiền đồng thời Trung Quốc cổ đại, đây đều là những bảo vật quý hiếm đối với giới khảo cổ. Ngoài ra còn rất nhiều vàng được khai quật được từ lăng mộ Hải Hôn hầu gây chú ý, số lượng lên tới hàng nghìn miếng, được đúc dưới hình dáng chiếc bánh hoặc hình móng ngựa.
Có thể nói, lăng mộ Hải Hôn Hầu thực sự đã gặp điều may mắn nhất trong khi số phận của rất nhiều lăng mộ cổ ở Trung Quốc đều rơi vào tay giới đạo mộ . Nếu những kẻ đạo mộ là người đi trước một bước, có thể những di tích văn hóa này sẽ không bao giờ có cơ hội được thế giới biết đến.