Niềm tự hào của VinFast và nỗi đau mang tên Vinaxuki
Mấy ngày hôm này, truyền thông trong nước và quốc tế đều hướng vào sự kiện VinFast - một trong những doanh nghiệp của Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam Vingroup giới thiệu 2 mẫu xe hơi đầu tiên tại triển lãm ô tô danh giá bậc nhất thế giới Paris Motor Show.
Không giấu được cảm xúc tự hào, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh chia sẻ: "Hôm qua 2 chiếc xe VinFast trình làng ở Paris. Cá nhân tôi cho rằng đây là cột mốc đáng tự hào của công nghiệp xe hơi Việt Nam".
Là một người nghiên cứu sâu vào dự án của VinFast, chuyên gia thương hiệu Đặng Thanh Vân cũng có chung cảm nhận: "Không thể phủ nhận niềm hãnh diện, vô cùng đáng ngưỡng mộ với cách VinFast đã triển khai để ra mắt thành công 2 mẫu xe. From Zero To Hero.
Với người Việt Nam, lễ ra mắt tại Paris Motor Show đã góp phần làm nên một niềm tự hào Việt Nam, đưa Việt Nam ra thế giới. Bạn phải gặp và nói chuyện cùng "người VinFast" , thấy họ gọi chiếc xe thân thương là "Hero" mới thấy hết được niềm tự hào và tâm huyết đó".
Mẫu sedan của VinFast
Mẫu SUV LUX SA 2.0
Tuy nhiên, xen lẫn với những tự hào đó, trăn trở vẫn luôn thường trực trong đầu nữ chuyên gia này.
"Tôi mãi trăn trở với câu hỏi: Các hãng xe Trung Quốc với tiềm lực tài chính của Chính phủ Trung Quốc, tại sao vẫn không có thương hiệu ô tô nào thực sự trở thành niềm tự hào? Có duy nhất một hướng đi mà các thương hiệu xe hơi Trung Quốc đã vượt trội, qua mặt các cường quốc xe hơi: Ô tô Điện.
Tôi lặn lội tìm về câu chuyện của VinaXuki, lặng lẽ cảm nhận sự xót xa của doanh nghiệp trong những ngày VinFast nổi đình đám suốt hơn 1 năm nay. Cái sai lầm của VinaXuki nhiều người đã phân tích, tuy nhiên có một sai lầm lớn nhất, đó là không biến giấc mơ của một cá nhân, thành "giấc mơ" của quốc gia, dân tộc" bà thể hiện sự xót xa.
Bà Đặng Thanh Vân
Sự kiện ra mắt ô tô của VinFast cũng khiến ông Vinh nhớ lại về thương hiệu xe hơi đầu tiên của Việt Nam mang tên Vinaxuki.
"Năm 2012, lần đầu tiên được tổ chức Triển lãm Ô tô Việt Nam, tôi là người chứng kiến hai chiếc xe "hàng mẫu đang hoàn thiện" của Vinaxuki bơ vơ, khiêm tốn ngoài sân Giảng Võ.
Xếp cuối giờ press tour nên lượng báo chí, dù cố lắm, cũng không còn đông đúc, máy ảnh, máy quay không còn lao xao như khi đứng trước các gian hàng hào nhoáng của các thương hiệu ngoại.
Ngày hôm sau, buổi hội thảo nóng bỏng cũng chứng kiến ông chủ Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên chật vật kêu gọi bảo hộ ô tô thương hiệu Việt. Năm 2017, chính ông Huyên tuyên bố công nhận sự phá sản của tham vọng xây dựng một thương hiệu ô tô của Việt Nam".
Vinaxuki - thương hiệu xe hơi "made in Vietnam" vì đâu nên nỗi?
Vinaxuki là tên viết tắt của CTCP Ô tô Xuân Kiên. Từ một nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng, doanh nghiệp nay được cấp phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại. Doanh nghiệp này có trụ sở tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Từ khi được sản xuát, lắp ráp ô tô, Vinaxuki làm ăn khá hiệu quả với số tiền lãi có năm cao nhất lên đến 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2009 là năm cuối cùng doanh nghiệp này có lãi.
Những năm tiếp theo, hoạt động kinh doanh đình trệ, rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, nợ hàng nghìn tỷ đồng nhưng ông chủ Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên vẫn đắm chìn trong giấc mơ làm ô tô "made in Vietnam".
Khu nhà xưởng hoang vắng, gỉ sét, cỏ mọc trên dưới một mét, tòa nhà trước đây là nơi làm việc của hơn 1.700 công nhân, giờ chỉ còn lại hơn chục người cả bảo vệ. Hơn 25 ha đất của nhà máy tại Thanh Hóa của Vinaxuki cũng bị thu hồi lại.
Ông Lê Quốc Vinh
Lý giải cho việc không thành công của doanh nghiệp trong việc sản xuất ra chiếc xe ô tô "made in Vietnam", ông Huyên cho rằng, bởi Vinaxuki có đường hướng phát triển phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng.
Khi các nhà băng đột ngột cắt các khoản vay dài hạn, kinh doanh của hãng sa sút, không có nguồn tài chính để tái đầu tư, phát triển dẫn tới tình trạng đình trệ.
Dưới con mắt của một người làm truyền thông, ông Vinh lại nhìn nhận việc thất bại của Vinaxuki là bởi phương pháp của doanh nghiệp này chưa thực sự phù hợp.
"So sánh sẽ là khập khiễng, vì cách làm của Vingroup và Vinaxuki là khác nhau. Cả ông Vượng (Ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Vingroup) và ông Huyên đều là những người đáng nể trọng, nhưng phương pháp và điều kiện quyết định ai sẽ đi được xa hơn.
Ông Huyên dường như tuyệt đối cô đơn và dựa hoàn toàn vào năng lực chuyên môn trong nỗ lực xây dựng thương hiệu ô tô riêng. Ông Vượng thì khác, cái gì ông không làm được thì ông thuê người khác làm, cái gì ông không có thì ông đi mua.
Tôi nghĩ triết lý xây dựng thương hiệu ô tô của ông Vượng khá dễ hiểu: Nếu người ta có thể OEM điều hoà, máy lạnh, máy lọc nước, cho đến dược phẩm, quần áo, thì tại sao không thể OEM ô tô?
Nhưng chắc chắn Vingroup không dừng lại ở OEM. Đó chỉ là một "short cut" để táo bạo đi đến mục đích mà Vinaxuki đi mãi chưa tới.
VinFast đang xây nhà máy ở Hải Phòng, mua cả một chuỗi phân phối và bảo trì xe đang hoạt động ngon lành khắp Việt Nam, và tôi cũng sẽ không hề ngạc nhiên nếu ông Vượng đang có trong ngăn kéo những kế hoạch sản xuất nội địa phần nào đó linh kiện ô tô", ông Vinh nhận định.
Chiếc ô tô của Vinaxuki
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến sự khác biệt trong ngoại thất của mẫu xe do Vingroup và Vinaxuki sản xuất: "Những chiếc xe xuất hiện hôm qua không chỉ đẹp, mà nó khác xa với tư duy của ông Huyên và bất cứ ai đã từng tham vọng thiết kế xe Việt trước đây".
Không tiếp tục bình luận về việc không thành công của Vinaxuki, bà Thanh Vân lại thể hiện sự tin tưởng rằng Vingroup sẽ thành công với đường hướng phát triển mà họ đã vạch ra: "Tâm huyết, sự quyết liệt, nguồn lực đầu tư tập trung, mọi thứ đều hội tụ đủ ở case VinFast.
Nhưng với quy mô dân số, thị trường, tốc độ phát triển hạ tầng, năng lực nội địa hoá... liệu những kỳ vọng và đầu tư của Chính phủ và Vingroup có đủ để làm nên thành công của một thương hiệu trong 10 năm tiếp theo?
Dẫu sao, niềm tin với Vingroup và Mr. Vượng, trước những điều Vingroup đã làm và thực thi thành công, ít nhất tôi tin vào chất lượng của chiếc xe mà chúng tôi đã được biết đến; tin vào các concept phát triển của 2 dòng xe... và những dòng khác nữa".