Khí thế hừng hực như "nuốt chửng" Iran, nhưng TT Trump muốn khai chiến còn khó hơn lên trời?

Bùi Mạnh Thành |

Trong quá trình phát triển, Mỹ là quốc gia phát động nhiều xung đột nhất thế giới, nhưng về pháp lý, các chính trị gia đều mập mờ khi đưa ra lý do để bắt đầu một cuộc chiến.

Mối nguy về cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran ngày càng được gia tăng khi Tổng thống Donald Trump quyết định gửi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, cùng phi đội oanh tạc cơ B52, tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đến các căn cứ quân sự ở Trung Đông.

Động thái quân sự, cùng với các biện pháp bao vây, cấm vận về kinh tế đối với Iran đẩy tình trạng bất ổn chính trị ở khu vực này nóng hơn bao giờ hết.

Đối với Tổng thống Trump, ngay từ khi nhậm chức, ông đề ra chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết". Trump không muốn trở thành "sen đầm quốc tế", tham gia giải quyết các hồ sơ nóng trên thế giới.

Trong một bài phỏng vấn, Trump từng nhận định: Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan và Iraq là sai lầm. Do đó, để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, ông không mong muốn sử dụng đến giải pháp quân sự, nhưng kỳ vọng giải pháp quân sự và kinh tế sẽ buộc Iran ngồi vào bàn đám phán, ký kết một Thoả thuận hạt nhân sửa đổi có lợi cho chính sách đối ngoại của Mỹ.

Đối với Iran, sự kiện Mỹ cấm vận kinh tế, gia tăng các biện pháp quân sự ở Vịnh Ba Tư khiến Tehran lâm vào tình thế lưỡng nan. Một là chấp nhận bị Mỹ tiến hành các biện pháp cấm vận kinh tế như những gì Iran trải qua hơn 35 năm (1980- 2015) , hai là tiến hành đóng cửa eo biển Hormuz.

Với lựa chọn đầu tiên, Iran sẽ vào thế đường cùng, nền kinh tế đang gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế âm, lạm phát tăng cao, sự bất mãn của người dân đối với chính quyền có chiều hướng dâng lên... Nếu tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn do bị cấm vận, nền tảng chính trị của nhà nước Hồi giáo sẽ bị lung lay.

Trong trường hợp Iran leo thang phương án quân sự ở eo biển Hormuz, việc ngăn cản các quốc gia Vùng Vịnh tiến hành xuất khẩu dầu mỏ sẽ tác động đến an ninh hàng hải ở khu vực, ảnh hưởng quyền lợi các nước xuất khẩu dầu mỏ và vị thế của Mỹ ở Trung Đông. Khi tình huống xảy ra theo chiều hướng xấu, một va chạm quân sự giữa Iran và Mỹ diễn ra sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Khí thế hừng hực như nuốt chửng Iran, nhưng TT Trump muốn khai chiến còn khó hơn lên trời? - Ảnh 2.

Lực lượng vũ trang Iran nhiều lần cảnh báo sẽ phong tỏa eo biển Hormuz để trả đũa các biện pháp gây sức ép của Mỹ (Ảnh: ATTA KENARE/AFP/GETTY IMAGES)

Mỹ khai chiến trong các xung đột như thế nào?

Nhìn lại lịch sử gần 250 năm của Mỹ, giới tinh hoa của đất nước này luôn rất mập mờ và tinh quái khi đưa ra các lý do để bắt đầu một cuộc chiến.

Theo Hiến pháp Mỹ, quyền phát động chiến tranh nằm ở Quốc hội, đây là cơ quan duy nhất của Mỹ có quyền tuyên chiến với quốc gia khác. Nhưng trong hàng chục cuộc chiến, Quốc hội Mỹ chỉ 5 lần tuyến chiến, lần 1 là với Đế quốc Anh năm 1812, lần thứ 2 với Mexico vào năm 1846 (1846-1848 ), lần thứ 3 với đế quốc Tây Ban Nha năm 1898, lần 4 và 5 là ở hai cuộc Thế chiến trong thế kỷ 20.

Từ sau Thế chiến 2, cùng với sự ra đời của Liên hợp quốc, quyền phát động chiến tranh của Mỹ có sự thay đổi. Các đời Tổng thống Mỹ đã không còn cứng nhắc trong việc xin Nghị quyết của Quốc hội để phát động chiến tranh, thay vào đó, Mỹ chỉ cần nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ.

Lần đầu tiên Mỹ áp dụng cơ chế này vào thời Tổng thống Harry Truman khi Mỹ tham chiến ở Triều Tiên (1950-1953), lần thứ hai là trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh với chiến dịch "Bão táp sa mạc" năm 1991, lần 3 là trong cuộc không kích vào Lybia năm 2011,...

Trong các xung đột kể trên, Mỹ đều tham chiến dưới lá cờ LHQ. Như lời của Tổng thống Truman, Mỹ là thành viên của LHQ, Quốc hội Mỹ thông qua Hiến chương, do đó Mỹ có nghĩa vụ chấp hành Nghị quyết của HĐBA.

Ngoài hai lý do trên, Tổng thống Mỹ được quyền phát động chiến tranh khi Quốc hội trao cho Tổng thống quyền "sử dụng vũ lực" trong tình huống an ninh quốc gia Mỹ gặp nguy nan.

Mỹ là quốc gia luôn coi pháp luật là tối thượng, nhưng xét về cụ thể, luật pháp Mỹ nhiêu khê và rắc rồi. Chính vì vậy, Quốc hội không "tuyên chiến" mà chỉ cho phép Tổng thống quyền "sử dụng vũ lực".

Sự khác nhau cơ bản giữa việc Quốc hội Mỹ tuyên chiến và cho phép sử dụng vũ lực là ở tính chất của cuộc chiến và nằm ở đặc tính của nền chính trị Mỹ. Nếu Mỹ tuyên chiến với một quốc gia thì Mỹ sẽ đầu nhân lực và vật lực phục vụ cuộc chiến, và tiến hành chiến tranh cho đến khi có thoả thuận đầu hàng. Tuy nhiên, nếu Tổng thống được "sử dụng vũ lực" thì Mỹ sẽ tham chiến trong giới hạn nhất định và rút khỏi cuộc chiến khi Quốc hội yêu cầu.

Yêu cầu này thể hiên tính chất nền chính trị Mỹ, khi quyền lực các nhánh lập pháp và tư pháp khó bị Tổng thống tác động. Quyền lực của Quốc hội, đặc biệt ở Hạ viện, là rất lớn trong việc thu chi ngân sách. Bất kỳ một viên đạn, lít xăng ra chiến trường... đều có sự cho phép chi ngân sách của Hạ viện. Hạ viện cắt giam ngân sách thì cuộc chiến của Tổng thống gặp khó khăn.

Ngoài ra, "lá cờ của NATO" cũng là lý do chính đáng để Tổng thống Mỹ có thể phát động một cuộc chiến. Với lý do này, Tổng thống sẽ viện dẫn Điều 5 của NATO để tham chiến mà không cần thông qua Quốc hội.

Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, để giới hạn quyền lực của Tổng thống với tư cách là Tổng tư lệnh quân đội, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật chiến tranh vào năm 1973, trong đó yêu cầu Tổng thống thông báo cho Quốc hội trong vòng 48 giờ sau khi khởi động chiến dịch quân sự và sau 60 ngày, phải được sự cho phép của Quốc hội bằng Nghị quyết.

Khí thế hừng hực như nuốt chửng Iran, nhưng TT Trump muốn khai chiến còn khó hơn lên trời? - Ảnh 3.

Hải quân Iran tập trận trên Vịnh Ba Tư, tháng 1/2016 (Ảnh: IRNA)

Ông Trump khó gây chiến nếu Iran không phạm sai lầm

Như phân tích ở trên, Tổng thống Trump không mong muốn một cuộc chiến tranh hao người, tốn của với Iran, mục đích chính của Mỹ là ép Iran ngồi vào bán đàm bán, ký một thoả thuận có lợi cho chính sách của Mỹ.

Đây không chỉ bắt nguồn từ mong muốn cá nhân Tổng thống, mà là yêu cầu của thời đại và sức ép đến từ Quốc hội.

Tổng thống Trump khó có thể xin Quốc hội đưa ra quyết định "tuyên chiến" với Iran, trong bối cảnh đảng Dân chủ nắm quyền ở Hạ viện và tìm mọi cách hạ bệ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Mỹ khó thuyết phục được HĐBA chấp thuận sử dụng vũ lực với Iran. 4 trong số 5 nước ủy viên thường trực của HĐBA không ủng hộ quyết định của Trump về việc rút Mỹ thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với nhóm P5+1 hồi năm 2015. Để thuyết phục được Anh, Pháp đã khó, thuyết phục được Nga và Trung Quốc càng khó hơn.

Trường hợp Trump phát động chiến dịch không kích dạng "nhanh và gọn" trong vòng 60 ngày, không cần sự cho phép của Quốc hội là quyết định mạo hiểm. Trong trường hợp giao tranh kéo dài, khi đó Tổng thống gặp thế khó hai đường, muốn kéo dài thì phải nhận được sự cho phép Quốc hội, kết thúc thì không được.

Trong căng thẳng ở Vịnh Ba Tư, Trump không muốn phát động cuộc chiến, nhưng nếu Tehran có những quyết định quân sự sai lầm như phong toả eo biển Hormuz, xảy ra đụng độ quân sự với Hải quân Mỹ dẫn đến thiệt hại tàu chiến hay binh sĩ tử nạn. Khi đó, Quốc hội Mỹ có thể sẽ cho phép ông Trump sử dụng vũ lực và chiến tranh sẽ xảy ra.

Điều quan trọng hiện nay là hai bên cần có những bước đi thận trọng. Chiến tranh rất khó xảy ra nhưng không gì là không thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại