Khi sinh viên nóng cùng World Cup: Ra quán tốn tiền, xem ở phòng trọ phải tuân thủ luật '3 không'

Huỳnh Đức |

Việc cân bằng giữa niềm đam mê theo dõi bóng đá và học hành là một thử thách không nhỏ đối với các bạn sinh viên. Nhưng vì sở thích, họ buộc phải tìm cách "chữa cháy".

Sức nóng của World Cup 2022 đang lan tỏa mạnh mẽ ở khắp mọi nơi trên thế giới, những người hâm mộ bóng đá cũng vì thế mà vô cùng ngóng đợi giải đấu 4 năm mới có một lần này.

Song, vì cách biệt về múi giờ nên các trận bóng tại World Cup 2022 được phát sóng tại Việt Nam thường diễn ra vào các khung giờ khá "trái khoáy". Do đó, đối với những người đam mê với trái bóng tròn nói chung và các bạn sinh viên nói riêng, khi World Cup diễn ra, lối sống hàng ngày của họ cũng phải thay đổi ít nhiều. Và dĩ nhiên, khi đồng hồ sinh học thay đổi sẽ kéo theo không ít hệ lụy. Chính vì vậy, việc cân bằng giữa đam mê bóng đá, học hành và đảm bảo sức khỏe sẽ là một thử thách không nhỏ đối với các bạn sinh viên.

Muôn kiểu xem World Cup của sinh viên

Có thể nói, sức hấp dẫn của World Cup 2022 là không thể chối từ đặc biệt là đối với các bạn sinh viên có niềm đam mê với "môn thể thao vua" này. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh nên nhiều sinh viên không được ở nhà, ngồi trước màn hình tivi để xem World Cup cùng gia đình. Để niềm đam mê với trái bóng tròn không bị cản trở, nhiều bạn đã nghĩ ra muôn kiểu xem World Cup đầy sáng tạo.

Vừa trở về từ ca làm đêm tại một cửa hàng tiện lợi, thay vì để bản thân nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi, Trần Anh Nhân (sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) lại "lao" ngay đến một quán ăn vặt để cùng những người có chung niềm đam mê sân cỏ xem trận đấu "kinh điển" giữa Argentina và Mexico diễn ra vào tối 26/11.

"Mình mê Messi lắm nên trận đấu này làm sao có thể bỏ được cơ chứ! Sau ca làm tối, mình chẳng kịp về phòng trọ để tắm rửa thay đồ mà phi đến đây luôn. Cũng may là quán ăn vặt này không cách chỗ mình làm xa lắm. Chứ bỏ lỡ giây nào chắc mình tiếc đứt ruột giây đó", Anh Nhân bày tỏ.

Nói về lý do không về nhà xem bóng mà lại ra một quán ăn vặt, anh chàng chia sẻ ở trọ có nhiều bất tiện, có thể bản thân Anh Nhân thích xem bóng nhưng các bạn phòng bên cạnh chưa chắc đã cùng đam mê. Đặc biệt, khu trọ của Anh Nhân sinh sống quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề tiếng ồn vào buổi đêm. Do đó, anh chàng quyết định ra quán để xem trận đấu này một cách thoải mái nhất.

Khi sinh viên nóng cùng World Cup: Ra quán tốn tiền, xem ở phòng trọ phải tuân thủ luật 3 không - Ảnh 1.

Xem bóng ở trọ có nhiều bất tiện nên nhiều sinh viên buộc phải ra quán cafe (Ảnh minh họa)

Cũng xuất hiện tại đó để theo dõi trận đấu, Nguyễn Bá Huỳnh Phương (sinh viên năm 2, Học viện Nông nghiệp) chia sẻ, cậu bạn đã phải đi một quãng đường khá xa để đến đây. Không phải xung quanh chỗ cậu sinh sống không có nơi nào để xem World Cup, mà Huỳnh Phương quyết định đến đây là để theo dõi cùng những người bạn thân của mình.

"Lý do chính để mình di chuyển một quãng đường khá xa để đến đây xem bóng là bởi mấy những bạn thân của mình toàn ở quanh đây. Không có gì vui bằng việc xem bóng cùng bạn thân bởi không khí lúc đó nó sẽ rất sôi động. Vừa nãy, khi Messi ghi bàn vào lưới của Mexico, 4 đứa chúng mình đã nhẩy cẫng lên ôm nhau mà hô vang inh ỏi. Xem World Cup phải thế chứ!". 

Khi sinh viên nóng cùng World Cup: Ra quán tốn tiền, xem ở phòng trọ phải tuân thủ luật 3 không - Ảnh 2.

Theo Huỳnh Phương, không có gì vui bằng việc xem bóng cùng bạn thân bởi không khí lúc đó nó sẽ rất sôi động (Ảnh minh họa)

Ở một diễn biến khác, đối với những bạn sinh viên ở KTX hay ở trọ mà không có điều kiện ra ngoài để xem bóng, các bạn cũng phải có những cách thích ứng phù hợp để vừa thỏa mãn đam mê, vừa không làm ảnh hưởng tới người khác.

Cụ thể, tại KTX Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dù đã 2 giờ đêm nhưng một số phòng tại đây vẫn sáng đèn. Đó là điều không quá mới tại khu KTX này nhưng khác biệt ở chỗ, thay vì sáng đèn để học thì các bạn sinh viên lại cùng nhau xem World Cup.

Khi sinh viên nóng cùng World Cup: Ra quán tốn tiền, xem ở phòng trọ phải tuân thủ luật 3 không - Ảnh 3.

Các bạn ở KTX cũng có những cách thích ứng phù hợp để vừa thỏa mãn đam mê, vừa không làm ảnh hưởng tới người khác (Ảnh minh họa)

Hoàng Mạnh Hùng (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - một trong những người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt chia sẻ: "Vì KTX của trường yêu cầu sinh viên phải về trước 11h nhưng các trận bóng đều diễn ra khá muộn nên mình cùng các bạn đành phải... xem World Cup tại KTX. Cũng là xem đá bóng, nhưng mà xem đá bóng ở KTX nó lạ lắm".

Lý giải về cái "lạ" này, cậu bạn cho biết thêm: "Khi xem đá bóng ở phòng KTX, mọi sinh viên dường như đều phải tuân theo 3 nguyên tắc ngầm là: không hô to, không gây tiếng động mạnh, không làm ảnh hưởng đến người khác. Vậy nên, mỗi khi cầu thủ trên sân chuẩn bị kiến tạo bàn thắng, là chúng mình là bịt miệng lại không kẻo lỡ... hô to quá. Vì là không gian chung nên mình đành phải chấp nhận thôi!".

Khi sinh viên nóng cùng World Cup: Ra quán tốn tiền, xem ở phòng trọ phải tuân thủ luật 3 không - Ảnh 4.

Theo Mạnh Hùng, mọi sinh viên khi xem bóng ở KTX đều phải tuân theo 3 nguyên tắc ngầm là: không hô to, không gây tiếng động mạnh, không làm ảnh hưởng đến người khác

Sinh viên bị ảnh hưởng như thế nào khi thức khuya xem bóng?

Khi tiếng còi kết thúc vang lên cùng là lúc các cổ động viện ra về sau trận đấu đầy căng thẳng. Đối với các bạn xem World Cup tại KTX hay phòng trọ thì có thể nghỉ ngơi luôn, nhưng đối với sinh viên xem bóng ở bên ngoài, thì lại bắt đầu một hành trình để trở về nhà.

Rời khỏi Công viên Hồ Tây - nơi được rất nhiều bạn trẻ "trọng dụng" để xem World Cup 2022 sau trận Argentina gặp Mexico, nhóm bạn của Bùi Khánh Linh (sinh viên năm 1, Đại học Thương Mại) không giấu nổi sự mệt mỏi.

"Lý do mình chọn đến đây xem là để cảm nhận không khí World Cup một cách trọn vẹn nhất. Để có thể 'xí' được chỗ ngồi, mình và các bạn đã phải đến Công viên Hồ Tây từ rất sớm bởi lượng người đổ về đây xem bóng đông đến nghẹt thở. 

Nhớ không nhầm thì thời điểm kết thúc trận đấu giữa Argentina và Mexico là hơn 3h30 sáng. Di chuyển về nhà mình là vào khoảng 4h. May sao ngày hôm đấy là Chủ nhật nên bọn mình được nghỉ, chứ đi xem bóng về mà sáng hôm sau phải đi học luôn thì thực sự ám ảnh".

Khi sinh viên nóng cùng World Cup: Ra quán tốn tiền, xem ở phòng trọ phải tuân thủ luật 3 không - Ảnh 5.
Khi sinh viên nóng cùng World Cup: Ra quán tốn tiền, xem ở phòng trọ phải tuân thủ luật 3 không - Ảnh 6.

Không khí xem World Cup tại Công viên Hồ Tây

Không phải ai cũng may mắn như Khánh Linh là đi xem bóng về muộn nhưng sáng hôm sau được nghỉ và có thể "ngủ nướng vô tư". Vì các trận bóng diễn ra dàn trải trong tất cả các ngày trong tuần, nên không ít bạn sinh viên rơi vào tình cảnh tối thức muộn xem World Cup, sáng dậy sớm đi học trên giảng đường.

Đó cũng chính là câu chuyện của Hà Thu (sinh viên năm 2, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN). Cô bạn chia sẻ: "Mỗi mùa World Cup diễn ra, mình đều rơi vào tình trạng không có đủ thời gian để ngủ. Xem xong một trận bóng thường đã là lúc 3 - 4 giờ sáng. Nhiều khi dư âm của trận bóng đó vẫn còn khiến mình trằn trọc mãi không ngủ được. Thế là đành thức đến sáng rồi đi học luôn. Quả thực lúc đó buồn ngủ muốn 'xỉu', mắt cứ lờ đờ học mãi chả vào đầu gì cả!".

Cũng là một "minh chứng sống" của việc thức muộn xem World Cup, Minh Hùng (sinh viên năm 2, Đại học Phenikka) không tránh khỏi cảm giác lờ đờ, mệt mỏi sau mỗi trận bóng lăn. Thậm chí, cậu bạn còn nhận thấy sức khỏe mình giảm đi đôi chút, cân nặng thì tăng không kiểm soát do ăn đêm quá nhiều. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả bởi bài kiểm tra cuối kỳ sắp tới mới là điều mà cậu bạn cảm thấy lo lắng.

"Mỗi lần xem bóng là mình không biết trời ơi đất hỡi gì luôn. Các trận đấu dày đặc khiến mình không có đủ thời gian để phân bổ cho việc học nên kiến thức của mình bị rỗng khá nhiều. Đáng lo hơn là kỳ thi cuối kỳ đang đến rất gần, nên chắc mình sẽ phải phân bổ nhiều thời gian hơn cho việc học. Nói thế thôi chứ phân bổ bằng cách làm thì mình vẫn chưa biết", Minh Hùng giãi bày.

Khi sinh viên nóng cùng World Cup: Ra quán tốn tiền, xem ở phòng trọ phải tuân thủ luật 3 không - Ảnh 7.

Các cổ động viên sẽ không tránh khỏi cảm giác lờ đờ, mệt mỏi sau mỗi trận bóng lăn. (Ảnh minh họa)

Ngược lại, cũng có những bạn không hề bị ảnh hưởng gì đến thói quen sinh hoạt. Bạn Thanh Tiến (sinh viên năm 3, Đại học Mỏ - Địa chất) chia sẻ: "Vì có lịch học trên trường là vào buổi chiều, nên mình thường xuyên thức đến tầm 3 - 4 giờ sáng mới ngủ và 10 - 11 giờ trưa mới dậy nên mình gần như không ảnh hưởng gì lắm".

Sau tất cả, hòa chung không khí của giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới là quyền lợi của tất cả mọi người. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như việc học tập, công việc và để việc theo dõi World Cup diễn ra được vui vẻ thuận lợi nhất, mỗi người nên phân chia thời gian sao cho hợp lý. Vui thôi đừng vui quá nha mấy bạn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại