Khi sao Hàn chỉ là "con tốt" trong bàn cờ của chính phủ

My Hà |

Có hay không việc scandal của sao Hàn bị phanh phui là nhằm che giấu những sự thật đen tối trong bộ máy quyền lực của đất nước kim chi?

Những năm gần đây, K-POP phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành công nghiệp mang về nguồn lợi nhuận bạc tỷ cho Hàn Quốc. Bởi thế mà "nhất cử nhất động" của những ngôi sao nổi tiếng ở đây đều được hàng triệu người theo dõi. 

Chính từ những điều cứ ngỡ như là ưu điểm này, hàng loạt ngôi sao đã bị mang ra làm "con tốt" trên bàn cờ chính trị. 

Những scandal nổ ra tưởng chừng là "vô tình", nhưng thực chất đã có sự tham gia của báo chí, dưới sự "giật dây" của chính phủ Hàn, nhằm định hướng dư luận theo chiều mà những người cầm quyền mong muốn.

Từ những scandal tình ái...

Nếu để ý kỹ có thể thấy, trong phần lớn các scandal hẹn hò của sao Hàn, báo chí đều đã theo dõi những cặp đôi này khá lâu. 

Những hình ảnh chụp lại được "ém" trong thời gian dài. Một nguồn tin từ giới báo chí xứ Hàn từng cho biết, các cơ quan truyền thông ở đây đều có sẵn một "kho" tin tức hẹn hò của sao, đến thời điểm "chín muồi", những thông tin này mới được tung ra trên mặt báo. Vậy, như thế nào là thời điểm "chín muồi"?

Cuối tháng 3 năm 2015, chuyện hẹn hò của chàng trai "đẹp hơn hoa" Lee Minho và gương mặt đại diện của nhóm MissA – Suzy, được coi là tâm điểm của dư luận Hàn. Đây là đề tài xuất hiện trên trang nhất của tất cả các tờ báo.

 Tên của 2 nhân vật này trở thành từ khóa tìm kiếm hàng đầu. Chuyện tình yêu của "nam thần" và "nữ thần" làng giải trí được khai thác triệt để ở khắp các phương tiện truyền thông.

 Cùng thời điểm này, báo chí liên tiếp khui ra hàng loạt cặp đôi khác như kiều nữ phim "Gia đình là số một" Park Ha Sun và nam tài tử điển trai Ryu Soo Young, chuyện tình yêu của người mẫu sáng giá Jang Yoon Joo và giám đốc một công ty thời trang danh tiếng. 

Nhưng, điều khiến người ta nghi ngờ, là những hình ảnh hẹn hò của các cặp đôi này đều được chụp cách thời điểm tung tin từ 1 – 2 tháng.

Khi sao Hàn chỉ là con tốt trong bàn cờ của chính phủ - Ảnh 1.

Những hình ảnh hẹn hò của cặp "tiên đồng ngọc nữ" trong làng giải trí Hàn – Lee Minho và Suzy, bị tung ra vào tháng 3 năm 2015.

"Trùng hợp" một cách ngẫu nhiên, thời điểm tháng 3 năm 2015 cũng là lúc cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak bị tình nghi tham nhũng số tiền lên đến hơn 280 tỷ won. 

Đáng lẽ, với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đây phải là đề tài được giới truyền thông chú ý. Nhưng, kỳ lạ là toàn bộ báo chí lúc bấy giờ đều tập trung vào scandal hẹn hò của các cặp đôi nổi tiếng.

Không khó để kể ra những vụ bê bối của chính phủ Hàn có thời điểm trùng với scandal hẹn hò của các ngôi sao.

Tháng 5 năm 2015, dịch MERS bùng nổ ở Hàn Quốc. Cách giải quyết thiếu chuyên nghiệp của Bộ Y tế nước này đã khiến nhiều người không giữ được tính mạng. 

Khi sự việc chưa kịp đẩy lên cao trào, thì hàng loạt scandal tình ái của những ngôi sao hàng đầu như Shin Min Ah – Kim Woo Bin, Lee Dong Gun – Jiyeon (T-ara) bị phanh phui trên mặt báo. Và câu chuyện về đại dịch bỗng nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Khi sao Hàn chỉ là con tốt trong bàn cờ của chính phủ - Ảnh 2.

Shin Min Ah và Kim Woo Bin, những "con tốt" khác bị thí mạng trước bê bối của chính phủ Hàn.

Đến đây, có lẽ ai cũng có thể hình dung được, thời điểm "chín muồi" để tung ra scandal hẹn hò của sao Hàn chính là khi những nhà cầm quyền cảm thấy cần sử dụng báo chí như một công cụ để che mắt dư luận, hướng sự chú ý của công chúng đến những thứ "bề nổi" mà quên đi những bê bối nghiêm trọng khác.

...đến những vụ vi phạm pháp luật "động trời"

Khi scandal hẹn hò chưa "đủ đô" để thu hút dư luận, thì báo chí sẽ tung ra những thông tin mang tầm ảnh hưởng nặng hơn.

Tháng 10 năm 2011, scandal sử dụng cần sa khi tiệc tùng của G-Dragon, trưởng nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc – Big Bang, khiến dư luận được một phen "dậy sóng". 

Báo chí khi ấy đồng loạt xoáy sâu vào nguyên nhân G-Dragon sử dụng cần sa, các mức án dành cho nam ca sĩ, và cả sự bê bối trong cuộc sống đời tư của anh. Nhưng, việc GD bị điều tra từ tháng 5 và đã được xét nghiệm âm tính với cần sa từ tháng 7, thì tuyệt nhiên không một tờ báo nào đưa tin.

Khi sao Hàn chỉ là con tốt trong bàn cờ của chính phủ - Ảnh 3.

Scandal hút cần sa từng là cú sốc lớn đánh vào sự nghiệp của G-Dragon, dù ở thời điểm báo chí đưa tin, anh đã được chứng minh là vô tội.

Cũng trong thời gian này, chính phủ Hàn Quốc bị một phen "lao đao" trước bê bối hơn 100 quan chức đương quyền thường xuyên ra vào sòng bạc. Tuy vậy, công chúng dường như không mấy quan tâm đến vụ việc này. Bởi, họ còn đang bận theo dõi và chửi bới G-Dragon.

Mới đây nhất, tin tức ngôi sao hàng đầu với hình ảnh trong sạch Park Yoochun liên tiếp bị tố xâm hại tình dục đã trở thành đề tài bàn tán số một ở Hàn. 

Tuy nhiên, trong khi người ta đang mải bàn xem Park Yoochun sẽ bị xử như thế nào, cảnh sát đang điều tra vụ án đến đâu, thì có những sự kiện nghiên trọng khác đã lặng lẽ bị chôn vùi.

Khi sao Hàn chỉ là con tốt trong bàn cờ của chính phủ - Ảnh 4.

"Nam thần" K-POP Park Yoochun cũng bị phanh phui scandal vào đúng thời điểm Hàn Quốc xảy ra một loạt bê bối.

Cục công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc bị phát hiện gây thất thoát ngân sách tới hơn 100 tỉ won. Tin tức về vụ việc được thông báo nhanh vào ngày 16/6 – chưa tới 3 ngày sau vụ xâm hại tình dục đầu tiên của Park Yoochun bị đưa ra ánh sáng. 

Do đó, việc chính phủ chỉ cách chức 2 cán bộ liên quan đến vụ thất thoát và không điều tra sâu hơn, cũng chẳng khiến dư luận quan tâm.

Cũng trong thời điểm này, tập đoàn Lotte bị cáo buộc đã lập quỹ đen và biển thủ, hối lộ hàng trăm tỷ won với quan chức chính phủ. Nhưng, thông tin về vụ việc chưa kịp đến với công chúng, thì cũng đã sớm bị chôn vùi.

Kết

Việc báo chí trở thành "con rối" để chính phủ giật dây, và những thần tượng xứ Hàn chỉ là "con tốt" thí mạng trên bàn cờ chính trị, đã là sự thật không thể chối cãi. 

Nhưng, nguyên nhân sâu xa của những vụ việc này, một phần là do công chúng quá dễ dãi trong việc tiếp nhận thông tin. Dù không ít người đặt ra nghi vấn về những vụ bê bối của chính phủ bị che giấu, nhưng người ta vẫn nhanh chóng cho qua và tập trung vào những thông tin mới giật gân hơn. 

Tâm lý chạy theo số đông, dễ bị những thứ hấp dẫn bề nổi lôi kéo cũng khiến dư luận dễ bị báo chí định hướng thông tin một cách sai lệch.

Khi sao Hàn chỉ là con tốt trong bàn cờ của chính phủ - Ảnh 5.

Báo chí Hàn Quốc đang là "con rối" bị giật dây bởi chính phủ.

Có người lên án chính phủ Hàn vì thiếu công khai minh bạch trong vấn đề chính trị, nhưng, để thay đổi thực trạng này, có lẽ phải bắt đầu từ chính mỗi người dân. 

Tiếp nhận thông tin một cách tỉnh táo và chọn lọc, biết cách phân biệt mức độ quan trọng của thông tin, là cách để không bị "xỏ mũi" trước "chiêu bài" của báo chí và chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại