Chiều nào cũng vậy, bảy ngày một tuần, Zhong Hao (ở Chiết Giang, Trung Quốc) "trực" tại quán cà phê quen thuộc để đợi những người qua đường với trang phục bắt mắt. Zhong là một nhiếp ảnh gia đường phố. Khi phát hiện "mục tiêu", anh sẽ tiến tới bắt chuyện và xin phép chụp một bức ảnh của họ. Nếu được đồng ý, Zhong hướng dẫn "người mẫu" của mình đến góc quen gần đó và chụp một tấm ảnh toàn thân.
Zhong là một người đàn ông 38 tuổi với cặp kính gọng đen đơn giản, trên tay là chiếc Rolex vàng và máy ảnh. Anh nói rằng đối với phần lớn người qua đường, việc được xin chụp ảnh là một niềm vinh hạnh. "Họ sẽ nghĩ: 'Ồ, có người nhận ra vẻ đẹp của mình rồi'. Nhưng ta cũng không thể ép người khác nếu họ không muốn bị chụp hình", Zhong nói.
Zhong là một blogger có hơn 6 triệu người theo dõi trên Weibo, với bút danh Gun Shu. Với mỗi bức ảnh, Zhong viết những dòng bình luận ngắn về cách mix đồ, phối màu và lựa chọn phụ kiện rồi đăng trên Weibo cũng như tài khoản WeChat của mình. Những bài đăng của anh có thể kèm những đoạn quảng cáo về tinh dầu, trang sức và địa điểm ăn uống. Nguồn thu này cùng với khoản lương định kỳ từ một tờ báo địa phương có thể mang lại cho anh hơn 100.000 nhân dân tệ (14.500 USD) mỗi tháng.
Zhong Hao trong một buổi chụp hình tại Hàng Châu, Chiết Giang. Ảnh: Kenrick Davis/Sixth Tone
Zhong bắt đầu công việc này từ hơn 10 năm trước, khi mà nhiếp ảnh đường phố còn chưa được nhiều người biết đến ở Trung Quốc. Nhưng chỉ vài năm sau đó, loại hình nghệ thuật này bùng nổ và trở nên phổ biến. Trong những khu mua sắm sầm uất, như Taikoo Li trong khu Sanlitun thời thượng ở quận Chaoyang, Bắc Kinh, các nhóm chụp ảnh đường phố bắt lại khoảnh khắc của mọi người qua lại như thể họ đang bước đi trên thảm đỏ, sau đó chia sẻ những bức ảnh này để giúp gia tăng lượng fan. Ảnh đường phố còn mở rộng ra các loại hình khác: clip các cô gái vừa đi vừa nháy mắt hay những cặp tình nhân tán tỉnh nhau trên phố ngày càng phổ biến trên những ứng dụng video ngắn như TikTok.
Ban đầu Zhong rất hoan nghênh khi số lượng người có cùng sở thích chụp ảnh thời trang ngày càng tăng. Nhưng bây giờ, anh và các nhiếp ảnh gia đường phố khác cảm thấy công việc này dần đi xa hơn so với khái niệm nghệ thuật ban đầu - thậm chí vượt ra khỏi những giới hạn về đạo đức và pháp lý. Những tài khoản mạng xã hội tự xưng là "nhiếp ảnh đường phố" đang trục lợi từ việc chia sẻ và mua bán những bức ảnh "nóng" của các cô gái trên đường, trong khi những video ngắn khác thường được dàn dựng và quay với mục đích thương mại.
Trong những tháng gần đây, rất nhiều trung tâm thương mại đã cấm các nhiếp ảnh gia đường phố tác nghiệp. Những người làm nghề lâu năm như Zhong cho rằng sự phát triển này đang làm sai lệch hình ảnh của nhiếp ảnh đường phố và khiến cho công việc của họ khó khăn hơn.
Trong 9 năm thực hiện công việc này, Zhong từng ghi lại khoảnh khắc vận động viên tennis Guo Yue lần đầu mặc váy và mang giày cao gót; bức ảnh một người đàn ông mang đôi boot cao gót và mặc váy được cộng đồng mạng tán dương; một người mang mặt nạ Guy Fawkes ở nơi công cộng. Công việc của Zhong chủ yếu tập trung vào thời trang, nhưng trong mắt anh, nó giống một cách để ghi lại cuộc sống nơi thành phố của mình và mở mang tầm mắt của cộng đồng mạng về những cách sống khác, phần nào gợi nhớ đến dự án ảnh "Humans of New York". "Đó không chỉ là việc truyền đạt về các khái niệm thời trang", Zhong chia sẻ. "Nhiếp ảnh đường phố là chia sẻ cuộc sống thật của mọi người".
Ngày nay, sự nổi tiếng của Zhong đồng nghĩa với việc người ta săn tìm anh: xuất hiện trong những bức ảnh của Zhong có thể là một cách để khoe với bạn bè hay nơi để những người mẫu thể hiện, anh cho biết. Nhưng khi anh bắt đầu chụp ảnh đường phố vào năm 2007, đa phần người ta không hiểu ý tưởng của anh và nổi giận khi biết mình bị chụp hình. Vài tháng sau đó, anh quyết định hỏi ý kiến đối tượng trước khi chụp. Sau khi tạo tài khoản Weibo vào năm 2010, anh đã thu hút hàng ngàn, rồi hàng triệu người hâm mộ.
Công việc của Zhong trở nên dễ dàng hơn khi nhiều tay chơi ảnh đường phố nổi lên. Nhưng vài năm trở lại đây, anh để ý rằng những xu hướng mới lại đang làm đảo lộn các hình thức nghệ thuật và khiến tên tuổi các nhiếp ảnh gia đường phố như anh trở nên xấu đi.
Zhong Hao trong lúc tác nghiệp và sản phẩm của mình. Ảnh: Weibo.
Nhiều tài khoản WeChat và Weibo nổi tiếng tự nhận là nhiếp ảnh đường phố chủ yếu chia sẻ ảnh phụ nữ mặc trang phục bó sát và "lộ hàng" ở nơi công cộng. Phần nhiều trong số đó được chụp và đăng tải mà không hề hỏi ý kiến người được chụp. Trên những tài khoản như vậy, cả phần chú thích và bình luận đều chỉ tập trung vào hình thể của người trong ảnh với những lời lẽ có phần khiếm nhã. Thậm chí, dưới bức ảnh một phụ nữ đang mặc quần tập yoga, một bình luận sỗ sàng "camel toe" (tiếng lóng chỉ chỗ kín của người phụ nữ lộ ra khi mặc quần bó sát) còn nhận được vài lượt thích.
Sự biến tướng của nhiếp ảnh đường phố từng bị chỉ trích trên báo chí. Tháng 5/2019, The Beijing News đã mô tả cách những tay chụp ảnh đường phố ở Sanlitun khi chụp hình các cô gái mà không được đồng ý. Họ chỉ chăm chăm vào những cô gái mặc quần và váy ngắn, thậm chí là đuổi theo họ dù họ đã đi khỏi và có nhiều người đăng những bức ảnh như thế để tăng fan, từ đó kiếm tiền nhờ quảng cáo trên tài khoản của mình. "Làm sao mà người ta lại chụp ảnh tôi chứ?", một người phụ nữ đã phát biểu trong bài viết. Một người khác nói họ cảm thấy bị "quấy rối" bởi những người chụp ảnh đường phố mỗi khi cô đến Sanlitun.
Các tay máy tập trung vào một cô gái ở Sanlitun, Bắc Kinh. Ảnh: VCG
Yang Fan, một blogger thời trang, đã chỉ trích các paparazzi như những người về hưu già nua giờ trở thành những kẻ chụp ảnh tự phụ với "nụ cười bệnh hoạn" và bụng bia. "Họ chuyển từ các điểm du lịch đến những địa điểm đông đúc như trung tâm thành phố để tìm những người trẻ trung", Yang viết. Anh còn chế giễu những người muốn trở thành ngôi sao online, những người mẫu ăn diện và lượn lờ ở các điểm nóng này với mục đích thu hút các nhiếp ảnh gia đường phố. Trên trang Q&A Zhihu, một người đã thẳng thắn định nghĩa cơn sốt này như "một kiểu thủ dâm tập thể trên Weibo, được thực hiện bởi các thợ ảnh đường phố nghiệp dư tại các trung tâm thương mại… để thỏa mãn ảo tưởng tình dục của người xem nam giới".
"Những thứ này không liên quan gì đến thời trang cả," Zhong chia sẻ. "Nó hoàn toàn khác với mục tiêu ban đầu của nhiếp ảnh đường phố. Người ta chỉ mượn cụm từ này và dùng nó để làm những thứ tục tĩu".
Anh cho rằng những thợ chụp ảnh theo phong cách "mãn nhãn" không quan tâm đến nội dung, họ chỉ chụp bất cứ thứ gì mà họ nghĩ là sẽ "câu view". Trong khi đó, Zhong sẽ hỏi ý kiến người được chụp và chỉnh trang một chút nếu thấy có thứ gì đó chưa phù hợp. Anh cũng từ chối chụp cho những người ăn mặc quá hở hang.
Đó không chỉ là vấn đề đạo đức. Lợi nhuận từ những bức ảnh chụp không xin phép đã cấu thành tội vi phạm bản quyền chân dung theo luật pháp Trung Quốc, Qu Zhenhong – một luật sư ở hãng luật Beijing Huayi cho biết. "Tôi thường thấy ảnh đường phố trên các tài khoản WeChat công khai hay trên tạp chí, thậm chí là quảng cáo, và điều này chắc chắn đang vi phạm bản quyền chân dung", bà chia sẻ. Qu nói thêm là những nạn nhân này có quyền yêu cầu người chụp gỡ ảnh của họ khỏi mạng xã hội và có thể kiện để đòi bồi thường.
Mu Yiyang, đang làm việc cho công ty nhiếp ảnh đường phố uy tín P1, cho rằng sự biến tướng của nhiếp ảnh đường phố là lỗi của các nền tảng như Weibo, nơi cổ súy những nội dung thô tục để thỏa mãn người xem. Anh cho biết, điều đáng buồn là những nội dung như thế quá mờ nhạt so với những ví dụ đẹp đẽ của nhiếp ảnh đường phố quốc tế mà anh thấy trên Instargram.
Mu đã chụp lại nhiều bức ảnh thời trang thú vị ở Sanlitun hơn 5 năm, nhưng không giống những thợ ảnh mà The Beijing News nhắc đến, anh nói rằng mình luôn hỏi ý kiến trước khi chụp ảnh. Sự ám ảnh gần đây khiến cho việc tạo niềm tin và chụp ảnh người khác trở nên khó khăn hơn nhiều – đặc biệt khi người chụp là nam. "Điều này đang có ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhiếp ảnh đường phố", anh cho biết. "Nó thật sự phiền phức".
Dù sống ở Hàng Châu chứ không phải Bắc Kinh nhưng Zhong cũng cảm thấy điều tương tự. Anh thường lui tới Hồ Tây, một điểm tham quan nổi tiếng trong thành phố, nhưng anh để ý thấy người ta bắt đầu tránh những nơi này vì các nhóm thợ chụp ảnh tụ tập để săn "những khoảnh khắc đời thường không nên bị bắt gặp" như ai đó đang ngoáy mũi. Sau đó anh đổi địa điểm đến chỗ hiện tại ở khu phức hợp cao cấp Kerry Center, nơi nhiếp ảnh đường phố chưa được cho phép, nhưng anh đã có được tấm thẻ cho phép nhờ vào danh tiếng của mình.
Sanlitun (Bắc Kinh) là nơi nổi tiếng với những bức ảnh theo phong cách catwalk, còn Hàng Châu lại được biết đến nhờ ảnh đường phố đăng trên các ứng dụng video ngắn. Những video điển hình ghi lại cảnh những cô gái trẻ làm những điều bất ngờ trên đường - nhảy múa hay lộn nhào – hay những khoảnh khắc đáng yêu giữa các cặp đôi, như một chàng trai giữ chiếc điện thoại khiến cô bạn gái cứ nhảy lên để đòi cướp lấy.
Những clip như thế thu hút một lượng khán giả khổng lồ. Ước tính Trung Quốc có khoảng 700 triệu người dùng ứng dụng video ngắn, kết hợp với khả năng bán hàng trên TikTok, nhiếp ảnh đường phố trở thành một ngành công nghiệp đúng nghĩa. Một bài viết gần đây tiết lộ cách Xu Chenyen, một ngôi sao online, làm việc 16 giờ mỗi ngày để tạo ra các video đường phố cho hàng triệu fan của mình trên TikTok. Tài khoản của cô bán hơn 100 sản phẩm, tạo ra nguồn thu nhập khoảng vài triệu nhân dân tệ.
Một clip được nhiều lượt thích trên TikTok. Ảnh: TikTok
Zhong chỉ trích các video này, cho rằng chúng làm mờ ranh giới thật - giả khi chỉ chạy theo những cú click chuột. "Ngay bây giờ, một người trẻ cuối 9x không quan tâm nhiếp ảnh đường phố nên được thực hiện như thế nào, miễn là có thể làm ra tiền", Zhong chia sẻ. Anh từ chối nhiều lời đề nghị béo bở từ các công ty muốn quảng cáo túi, quần áo và phẫu thuật thẩm mỹ trên tài khoản của mình. "Mọi người bây giờ nghĩ rằng chụp ảnh đường phố là chụp quảng cáo, hay nhiếp ảnh đường phố là thương mại và tất cả ảnh đường phố đều là giả tạo", anh nói thêm.
Zhong nói rằng anh sẽ vẫn chụp theo cách anh cảm thấy nó là nghệ thuật. Nhưng thỉnh thoảng, anh tự hỏi liệu thế hệ trẻ có còn đánh giá cao cách tiếp cận truyền thống của mình. Zhong từng thử dùng TikTok, đăng hơn 500 clip không màu mè, nhưng có rất ít người theo dõi. Sau đó anh thậm chí còn được nhân viên của nền tảng này tiếp cận và đề nghị chia hoa hồng. "Trong thời đại tốc độ và lưu lượng truy cập cao, thật khó để giữ mình", nhiếp ảnh gia này chia sẻ với vẻ chán nản.
Nhưng trong khi số ít người làm việc chuyên nghiệp, nhiếp ảnh đường phố hầu như chỉ là một sở thích với nhiều người, Wang Quiang - một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ở Ninh Ba - chia sẻ. Mặc dù vài tiêu cực, Wang nghĩ rằng nhiếp ảnh đường phố nên mở rộng với tất cả mọi người và không có vấn đề gì với nhiếp ảnh đường phố sexy, miễn là có sự đồng thuận.
"Nhiếp ảnh đường phố thật sự rất vui", Wang nói. "Bạn có thể lướt qua nhiều người với những phong cách khác nhau và cho họ cơ hội thể hiện bản thân. Miễn là cả người chụp và được chụp đều đồng ý, thì người ta không còn gì để nói về nó cả".
Theo Six Tone