Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã khiến nhiều người chợt nhớ ra rằng nghề nào cũng có giá trị và xứng đáng được tôn vinh. Y bác sĩ chữa bệnh cứu người, cảnh sát giữ gìn an ninh trật tự... chắc chắn là những vị anh hùng. Nhưng bên cạnh đó, người lái xe cấp cứu, shipper hay các nhân viên bán hàng cũng là mắt xích không thể thiếu trong cuộc chiến toàn dân đẩy lùi dịch bệnh.
Nhận ra tầm quan trọng của họ, các doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ đã đồng loạt tăng lương thưởng, nới lỏng các chính sách để giúp nhân viên của mình vượt qua cơn khủng hoảng. Tuy nhiên đối với những người trong cuộc phải tiếp xúc với hàng trăm lượt khách hàng mua sắm mỗi ngày, họ có những gánh nặng, những nỗi phiền não mà tiền lương thưởng cũng không thể giải quyết được.
Doanh nghiệp "trút" tiền thưởng để giữ chân người bán hàng
Hàng loạt nhà bán lẻ và chuỗi cửa hàng mua sắm ở Mỹ đã tăng lương thưởng cho các nhân viên phải đi làm mùa dịch, bao gồm nhân viên thu ngân, kho bãi và nhiều vị trí khác.
Khoản tiền này chỉ là tạm thời trong thời dịch, tuy nhiên các chuyên gia hi vọng nó sẽ dọn đường cho người lao động thu nhập thấp ở Mỹ được hưởng phúc lợi tốt hơn, một cách bền vững và lâu dài.
Hàng triệu người ở nhà cách ly xã hội, nhưng các nhân viên bán hàng vẫn nỗ lực làm việc (Tranh: Rob Tornoe/ Inquirer)
Siêu thị Walmart đã trả thưởng đặc biệt cho cả nhân viên toàn thời gian và bán thời gian với tổng quỹ lương lên tới 550 triệu USD. Ngoài ra đến ngày tưởng niệm Chiến sĩ trận vong (25/5), tập đoàn dự kiến sẽ tăng lương thêm 2 USD/giờ cho các nhân viên ở nhà kho đóng gói sản phẩm.
Trong ngành thương mại điện tử, gã khổng lồ Amazon cũng tạm thời trả các nhân viên 17 USD/giờ, tăng so với mức thông thường 15 USD; và trả tiền làm thêm giờ tương đối cao cho các nhân viên kho bãi.
Tương tự, hãng Target cũng trả lương cạnh tranh 17 USD/giờ và có chính sách thưởng cho 20.000 nhân viên kho làm việc bán thời gian. Chuỗi hiệu thuốc CVS cho biết sẽ thưởng đến 500 USD cho các nhân viên thời vụ, quản lý cửa hàng và cả dược sĩ.
Amazon trả thêm 2 USD/giờ cho đa số nhân viên bán hàng, kho bãi trong dịch Covid-19 (Ảnh: AFP/Getty)
Không chỉ có các siêu thị đình đàm, một loạt cửa hàng bách hóa cũng tung ra hàng loạt chính sách để "níu chân" nhân viên tiếp tục đồng hành qua mùa dịch Covid-19. Đó là vì ở nhiều tiểu bang, nhân viên bán hàng luôn được xem là người lao động trong lĩnh vực thiết yếu.
Tập đoàn Albertsons - sở hữu chuỗi cửa hàng Safeway - đã nâng lương thêm 2 USD/giờ. Chuỗi bán lẻ Kroger "thưởng nóng" cho nhân viên chính thức 300 USD và nhân viên thời vụ 150 USD.
Lần gần đây nhất các tập đoàn bán lẻ đồng loạt tăng lương là vào cuối năm 2017, khi Tổng thống Trump thông qua cắt giảm thuế doanh nghiệp. Hiện giờ, các hãng bán lẻ Mỹ lại tiếp tục "trút" cơn mưa tiền thưởng, nhưng là để giữ người lao động ở lại với công ty theo tiêu chí đôi bên cùng có lợi. Các nhân viên sẽ có thể duy trì và tăng thêm (một chút) thu nhập, trong khi công ty vẫn được vận hành trơn tru. Nhiều doanh nghiệp còn tuyển dụng khẩn cấp để giảm áp lực cho đội ngũ hiện tại.
(Ảnh: Getty)
"Các nhà bán lẻ đang nỗ lực lôi kéo nhân viên tiếp tục ở lại làm việc" - theo chuyên gia Patricia Campos-Medina từ Đại học Cornell nhận xét.
Bà cho rằng sau khi đại dịch qua đi, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực không nhỏ về việc tăng lương. "Họ đã tạo ra sự kì vọng cho các nhân viên của mình, rằng ông chủ có thể trả thêm tiền trong tình thế bắt buộc. Vì vậy người lao động Mỹ sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ chủ doanh nghiệp".
Mặt khác, dù tăng lương nhưng Walmart, Amazon và nhiều đế chế bán lẻ khác vẫn bị chỉ trích là không làm hết sức để bảo vệ nhân viên trong mùa dịch. Được biết, gần đây Walmart và Amazon đã ban hành các chính sách nghỉ việc khẩn cấp liên quan đến dịch Covid-19.
"Sức khỏe của chúng tôi cũng là vấn đề thiết yếu" - các nhân viên Amazon ở New York đình công để yêu cầu công ty đóng cửa khử trùng, sau khi đã có nhiều người nhiễm Covid-19 (Ảnh: Getty)
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts đã viết thư gửi đến CEO các công ty này, cộng thêm một cánh thư đến McDonald's, đề nghị họ mở rộng chính sách nghỉ bệnh của công ty.
"Tôi mừng là các doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của chính sách nghỉ bệnh có trả lương trong cuộc khủng hoảng lần này" - bà Warren cho biết. "Tuy nhiên, tôi e rằng những kẽ hở trong chính sách hiện tại sẽ khiến nhiều người lao động không được chăm sóc y tế tốt nhất khi bị bệnh; từ đó sẽ khiến bản thân họ, đồng nghiệp và cộng đồng xung quanh đối mặt với những mối nguy hại lớn hơn".
Nhân viên bán hàng cảm thấy như thế nào khi bỗng nhiên trở thành người hùng ở tuyến đầu chống dịch?
Dù các doanh nghiệp khẳng định các chính sách của mình hoàn thiện đến thế nào, chúng ta cần lắng nghe trải nghiệm thực tế của nhân viên bán hàng để có cái nhìn khách quan nhất.
Rebecca, 35 tuổi, nhân viên thu ngân ở quận Mahattan, New York cho biết nghề nghiệp của cô từ "lương thấp áp lực cao" đã biến thành vai trò thiết yếu giữa mùa dịch Covid-19.
Rebecca chỉ tạm thời làm thu ngân trong khi học nhạc và theo đuổi con đường nghệ thuật, tuy nhiên dịch bệnh đã nổ ra, khiến "nghề tay trái" trở thành chiếc phao cứu sinh để duy trì thu nhập.
Dù vậy, cô cho biết: "Tôi cũng tự hào với công việc của mình, nhưng cảm giác bao trùm là lo lắng. Tôi đang làm việc 30-40 giờ mỗi tuần ở chính cái chỗ mà đáng lẽ cần tránh xa (để cách ly xã hội)".
Cửa hàng nơi Rebecca làm việc đã thay đổi chính sách, cho phép nhân viên mang khẩu trang nhưng họ chẳng... cung cấp khẩu trang. Ngoài ra, cửa hàng cho nhân viên tạm nghỉ 30 phút/lần để rửa tay kĩ càng, và yêu cầu mang găng tay trong lúc làm việc.
(Ảnh minh họa: AP)
Trong khi đó, Gabrielle, 23 tuổi, vẫn đang làm ca đêm tại cửa hàng Walmart ở bang Pennsylvania. Cô cho biết khách hàng hầu như không tuân thủ cách ly xã hội. "Họ thường quên mất các hướng dẫn và tiến lại gần nhân viên siêu thị khi cần hỏi thông tin. Đến hiện tại, tôi chỉ có tổng cộng 1 khách hàng tuân thủ quy chuẩn an toàn".
Siêu thị nơi Gabrielle làm việc cung cấp găng tay, bình xịt khử trùng nhưng vẫn không có khẩu trang. Ngoài ra, nhân viên được khuyến nghị đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến nơi làm việc.
Cả Rebecca và Gabrielle đều có thể nộp đơn xin nghỉ có lương trong 2 tuần nếu nhiễm Covid-19. Tuy nhiên cũng giống như nhiều người khác ở Mỹ, họ cảm thấy việc xét nghiệm không hề đơn giản.
Rebecca cho biết: "Cửa hàng của tôi đã có 2 người nhiễm virus, và tôi làm việc với cả 2 trong suốt nửa tháng qua. Dù vậy tôi chưa được làm xét nghiệm, tôi cứ tiếp tục đi làm và chờ xem có triệu chứng hay không".
Thu nhập thấp, áp lực cao, sợ nhiễm bệnh, sợ mất việc... những người bán hàng với đồng lương theo giờ có quá nhiều nỗi lo khi tiếp tục đi làm mùa dịch (Ảnh: NY Times)
Một người bán hàng 45 tuổi ở bang Nam Carolina, nói rằng cô có cảm giác bị kẹt giữa những quyết định khó khăn. "Tôi rất sợ mắc bệnh khi tiếp tục đi làm ở một nơi chỉ trả lương ít hơn 12 USD/giờ. Tuy nhiên, tôi chẳng thể ở nhà vì mọi người cũng cần có nhu yếu phẩm và đây là một công việc tử tế. Quyết định giữa đi làm hay ở nhà thật sự khó khăn".
Josh, 22 tuổi, nhân viên giao thức ăn cho UberEats ở Mahattan, cho biết đây là "công việc duy nhất vẫn tuyển dụng ở thời điểm hiện tại". Ngoài ra, cậu cảm thấy giao đồ ăn là ngành dịch vụ quan trọng và "cần có ai đó đảm trách việc này".
Josh luôn đeo găng tay và thường đặt đồ ăn bên ngoài cửa để hạn chế tiếp xúc với khách hàng. Ngoài ra, cậu nhìn thấy một mặt tích cực hiếm hoi giữa đại dịch toàn cầu: xe cộ hầu như vắng bóng nên hành trình giao đồ ăn đã nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều!
Qua những chia sẻ của các nhân viên bán hàng nói trên, hi vọng rằng lần sau đi mua sắm bạn hãy giữ khoảng cách với họ ít nhất 2 mét, nhưng đừng quên gửi lời cảm ơn nếu có thể nhé.