Thực tế, có hàng chục nghệ sĩ từng nhận "trái đắng" tương tự khi để bản thân sa lầy vào những vụ bê bối bị phanh phui.
Nhãn hàng quay lưng
Hơn 1 tuần nổ ra ồn ào cá nhân, hình ảnh nghệ sĩ Hồng Đăng , Hồ Hoài Anh đột ngột bị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bất động sản, dầu gội, thẻ tín dụng… xóa khỏi các nền tảng như Facebook, YouTube.
Trước đó hàng loạt nghệ sĩ trong và ngoài nước từng đều phải nhận kết "đắng", bị nhãn hàng quay lưng khi vướng scandal. Hồi tháng 5-2021, một sàn thương mại điện tử đình đám từng gỡ bỏ hầu hết hình ảnh của nghệ sĩ Hoài Linh, được sử dụng trong một chiến dịch marketing của doanh nghiệp. Sự việc diễn ra trong thời điểm Hoài Linh vướng tai tiếng vì giữ trong tài khoản suốt 6 tháng hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện của các nhà hảo tâm muốn hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hồi cuối năm 2019.
Ca sĩ Phạm Anh Khoa cũng bị Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) quyết định chấm dứt hợp tác sau lùm xùm gạ tình và tuyên bố "vỗ mông cũng là 1 cách chào hỏi" đối với vũ công Phạm Lịch, Nga My. Khi diễn biến câu chuyện ngày một căng thẳng, website và fanpage của UNFPA tại Việt Nam đã quyết định gỡ bỏ toàn bộ hình ảnh liên quan đến Phạm Anh Khoa trong chiến dịch mặc dù trước đó, nam ca sĩ 8x từng được UNFPA mời làm Đại sứ hình ảnh cho các chiến dịch phòng chống bạo lực giới. Cùng với đó, anh bị gạt tên ra khỏi nhiều hoạt động nghệ thuật và một số nhãn hàng tuyên bố hủy hợp đồng quảng cáo.
Hồ Ngọc Hà từng bị nhãn hàng quay lưng vì ồn ào người thứ 3 với một đại gia.
Hay như "nữ hoàng giải trí" Hồ Ngọc Hà cũng từng đối diện với một phen giông bão khi bị hơn 10 nhãn hàng như: phần mềm ứng dụng điện thoại, xe máy, sữa... gỡ hình ảnh có liên quan đến cô vào năm 2016. Mọi chuyện bắt đầu khi những hình ảnh Hồ Ngọc Hà hẹn hò với một đại gia rò rỉ trên mạng xã hội. Đến khi vợ của đại gia này chính thức lên tiếng nhường chồng cho nữ ca sĩ thì làn sóng phản đối, tẩy chay Hà Hồ bùng lên dữ dội.
Thậm chí, "hoàng tử Vpop" một thời – Ngô Kiến Huy cũng điêu đứng khi bị phanh phui chuyện có con riêng với em gái ca sĩ Thanh Thảo nhưng lại không công nhận vào năm 2011. Trong phút chốc, từ một gương mặt phủ sóng hầu hết các chương trình, nhãn hàng săn đón, Ngô Kiến Huy bị hủy hầu hết hợp đồng quảng cáo, mất show diễn và gần như không còn gì trong tay.
Anh cũng từng kể về quãng thời gian bế tắc của mình: "Tôi tuyệt vọng vì không có thu nhập, không thể làm trụ cột kinh tế cho gia đình. Tôi đã phải đi bưng bê trà sữa, đóng vai quần chúng vì gặp scandal ngày đó".
Tương tự, Trấn Thành, Hải Tú, Hiền Hồ… cũng là những ngôi sao đánh mất cơ hội nghề nghiệp, danh tiếng chỉ vì những bê bối đời tư.
Trông người mà nghĩ đến ta
Thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây văn hóa nhãn hàng "đoạn tuyệt" với nghệ sĩ khi vướng scandal đã xuất hiện ở showbiz Việt. Tuy nhiên, nhìn rộng ra các nước có nền công nghiệp giải trí phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,… thì hành động này ở Việt Nam vẫn dừng ở mức độ "giơ cao đánh khẽ". Đa phần, nghệ sĩ Việt vẫn có cửa quay trở lại làm nghệ thuật, thậm chí là chỉ một thời gian ngắn, khi khán giả đã nguôi ngoai. Đáng nói, chưa có nhãn hàng nào công khai đòi bồi thường từ các nghệ sĩ.
Còn ở Hàn Quốc, Trung Quốc, khi nghệ sĩ dính scandal, ngoài việc bị khán giả tẩy chay, nhãn hàng ngừng hợp tác, họ còn phải chi ra khoản tiền khổng lồ để bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp. Đơn cử, sau khi gây tranh cãi vì loạt bê bối: thiếu hiểu biết về văn hóa lịch sử, thô lỗ với đồng nghiệp, xây dựng hình tượng tri thức giả tạo…
Trương Triết Hạn mất khoảng 30 hợp đồng quảng cáo như Pandora, JLB, Coca Cola, Nivea, Joyoung, Mộng huyễn tân tru tiên.... chỉ trong 4 tiếng tính từ lúc scandal nổ ra. Nghiêm trọng hơn như trường hợp của Đặng Luân, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm… Các nghệ sĩ này còn bị nhãn hàng kiện ngược lại vì khiến thương hiệu của họ điêu đứng, thiệt hại nặng nề.
Trịnh Sảng bị gần 20 nhãn hàng gỡ bỏ hình ảnh, bài viết liên quan trong 3 ngày nổ ra bê bối trốn thuế, thuê người sinh con.
Cụ thể, Sohu tiết lộ, lùm xùm trốn thuế của Đặng Luân hồi đầu năm 2022 đã khiến anh đối mặt yêu cầu đền bù phí quảng cáo là 12,8 triệu nhân dân tệ (46 tỷ đồng), bồi thường thiệt hại 4,8 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỷ đồng) và tổn thất kinh tế 537.000 nhân dân tệ (2 tỷ đồng) nhãn hàng. Tổng cộng, trong vụ kiện dân sự này, nguyên đơn đòi Đặng Luân phải bỏ ra 18,13 triệu nhân dân tệ (65 tỷ đồng).
Ngoài ra, nam diễn viên cũng phải chịu trách nhiệm về các chi phí luật sư và kiện tụng. Tương tự, theo QQ, Ngô Diệc Phàm phải bồi thường số tiền 77 triệu USD (hơn 1.700 tỷ đồng) cho các nhãn hàng, nhà sản xuất từng hợp tác bị thiệt hại nặng nề vì bê bối tình dục của nam ca sĩ này.
Trong khi đó ở showbiz xứ Hàn, chuyện giữ hình ảnh nghệ sĩ còn nghiêm khắc hơn. Như trường hợp của Kim Seon Ho. Trước ồn ào ép bạn gái cũ phá thai, nam diễn viên kiếm được 400-500 triệu won (khoảng 7,2-9 tỷ đồng) cho mỗi hợp đồng quảng cáo. Khi bê bối nổ ra, nam diễn viên phải bỏ ra 5 tỷ won (hơn 90 tỷ đồng) tiền bồi thường nếu hơn 10 thương hiệu chấm dứt hợp đồng.
Tại Hollywood, tình trạng tương tự cũng xảy ra với Kevin Spacey. Đối mặt với cáo buộc bốn tội danh tấn công tình dục ở Vương quốc Anh, tháng 11-2021, hai công ty sản xuất M. Proffit và Trigger Street đòi nam diễn viên bồi thường 31 triệu USD (khoảng hơn 725 tỷ đồng) vì scandal của ông khiến bộ phim "House of Cards" bị ảnh hưởng.
Tờ News1 tiết lộ, hợp đồng quảng cáo giữa thương hiệu và ngôi sao thường có điều khoản "đạo đức", nghiêm cấm các hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng như hành hung, sử dụng chất cấm, lái xe khi say rượu, quấy rối tình dục... Điều khoản này trở thành cơ sở để các thương hiệu yêu cầu chấm dứt hợp tác và đề nghị bồi thường thiệt hại nếu nghệ sĩ vướng scandal. Chi phí bồi thường vi phạm hợp đồng cao gấp hai, gấp ba lần so với mức thù lao được đưa ra.
Chuyên gia PR-Marketing Phương Lê.
Trong khi đó, chuyên gia PR Phương Lê thừa nhận, khi nhãn hàng lựa chọn làm đại sứ thương hiệu, hai bên đều có hợp đồng ràng buộc với những điều khoản chẳng hạn như: Cấm sử dụng chất kích thích, chất cấm, sử dụng sản phẩm của đối thủ (với những nhãn hàng thương mại), những hành vi trái thuần phong, mỹ tục, vi phạm đạo đức, pháp luật… Mức bồi thường thiệt hại nếu vi phạm tùy thuộc vào từng bên, không có con số cụ thể.
"Tùy vào nhãn hàng mà yêu cầu có thể sẽ khác nhau, nhưng đa phần các điều khoản yêu cầu tránh làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm, nhãn hàng. Tuy nhiên, các điều khoản vẫn chưa thật sự rõ ràng, chi tiết. Thậm chí có nhãn hàng cũng không đề cập đến mức phạt, bồi thường nếu vi phạm quy định, đặc biệt với các kế hoạch hợp tác ngắn hạn. Khi bắt đầu, có ai nghĩ đến chuyện lương duyên đứt đoạn, đây cũng là sơ xuất của nhãn hàng và cả sự dễ dãi của nghệ sĩ", bà Phương Lê cho hay.
Bắt tay với nghệ sĩ như đi "đánh bạc"
Stefan Hock - giáo sư tiếp thị tại Đại học Connecticut từng khảo sát, các công ty có bất kỳ phản ứng nào với các ồn ào của nghệ sĩ đại diện thay vì im lặng đều nhận được tác động tích cực. Cổ phiếu của họ tăng trung bình 2,1% trong 4 tuần sau sự kiện. Và các công ty có phản ứng trong vòng 3 ngày kể từ khi có tin tức có nhiều tác động tích cực hơn các công ty chậm phản ứng. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm của nghệ sĩ. Tuy nhiên, đa phần giới truyền thông đều đồng quan điểm cho rằng, hợp tác với nghệ sĩ chẳng khác gì đi… đánh bạc!
Showbiz Hoa ngữ không thiếu những cuộc "phong sát" khắc nghiệt với nghệ sĩ.
Anh Phạm Thế Anh - người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, kết nối doanh nghiệp và nghệ sĩ cho biết, khi nghệ sĩ là đại sứ thương hiệu vướng scandal, doanh nghiệp phải xác định mức độ nghiêm trọng và lĩnh vực lỗi mà họ mắc phải là gì: Tính mạng con người (gây tai nạn, giết người), vi phạm pháp luật (buôn lậu, đi xe quá tốc độ), thuần phong mỹ tục (ngoại tình, gây gổ nơi công cộng), lĩnh vực chuyên môn (nghi án đạo nhạc, ứng xử với đồng nghiệp) hay cá nhân (tranh cãi trong gia đình, phát ngôn thiếu chuẩn mực)…
Cùng với sự khảo sát về phản ứng của công chúng, nhãn hàng mới đưa ra quyết định cuối cùng.
"Việc dùng hình ảnh người nổi tiếng để tăng nhận biết về thương hiệu và sản phẩm, hỗ trợ bán hàng, các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận nguy cơ bị ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu, bởi không ai là hoàn hảo. Chính vì thế, có đơn vị vẫn chấp nhận nguy cơ rủi ro để không bỏ rơi mà tiếp tục làm việc với người nổi tiếng đang vướng vào rắc rối. Thậm chí trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp lại dùng nó như một chiêu thức PR hiệu quả", anh Thế Anh bày tỏ.
Trong thời đại công nghệ 4.0, bê bối của nghệ sĩ dễ dàng trở thành "ngòi nổ" thông tin trên nền tảng Internet chỉ trong thời gian rất ngắn. Do đó, bà Phương Lê cho rằng, bản thân các nhãn hàng phải thận trọng hơn trong việc lựa chọn gương mặt sẽ hợp tác. Kể cả đã nhận được bồi thường, ở góc độ nào đó, nhãn hàng vẫn đối mặt với nguy cơ thiệt hại kể cả về danh tiếng và doanh thu. Trong khi đó, với áp lực ngày càng lớn từ phía khán giả, nghệ sĩ cần biết giữ mình hơn trong công việc, cuộc sống.
"Đa số các nghệ sĩ Việt không ý thức được công việc và trách nhiệm họ đang truyền tải tới công chúng, đối tác. Khi trở thành gương mặt đại diện cho cả một thương hiệu, trách nhiệm của họ không chỉ dừng ở việc tiếp cận, ký kết với nhãn hàng. Xa hơn, trước khi đi "bán" thương hiệu của người khác, nghệ sĩ đã phải có thương hiệu của mình rồi", bà Phương Lê cho hay.