Ấn Độ cần làm những gì để trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao? Theo học giả người Ấn Độ Ram Shivakumar, Giáo sư Kinh tế & Chiến lược tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, nước này có thể học hỏi được nhiều điều từ kinh nghiệm của các quốc gia khác đã đi trước trong hành trình tăng trưởng này.
Sau đây là nội dung lược dịch từ bài viết của ông được đăng tải trên trang The Print (Ấn Độ).
---
Cuối năm 2021, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Ấn Độ ước tính là 2.277 USD.
Đây là số liệu được Ngân hàng Thế giới (WB) sử dụng để phân loại các quốc gia theo nhóm thu nhập, theo đó các quốc gia có GNI bình quân đầu người trong khoảng từ 1.036 - 4.045 USD là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, và những quốc gia có GNI bình quân đầu người trong khoảng từ 4.405 - 12.235 là các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Liệu Ấn Độ có thể bắt kịp Malaysia và Trung Quốc?
Biểu đồ 1
Biểu đồ 1 cho thấy những khả năng tăng trưởng của GNI bình quân đầu người của Ấn Độ trong 26 năm tới, trước khi nước này kỷ niệm 100 năm độc lập.
Đường màu xanh lam thể hiện một viễn cảnh lạc quan, trong đó tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đạt trung bình 9%/năm. Nếu điều đó trở thành sự thật, thì GNI bình quân đầu người của Ấn Độ vào năm 2047 sẽ xấp xỉ 21.400 USD - cao hơn gấp 9 lần so với hiện tại.
Đường màu đỏ thể hiện một viễn cảnh bi quan, trong đó tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ chỉ ở mức trung bình 4%/năm. Trong kịch bản này, GNI bình quân đầu người của Ấn Độ vào năm 2047 sẽ xấp xỉ 6.300 USD - tương đương khoảng 2,75 lần so với hiện nay.
Biểu đồ 1 cũng thể hiện các khả năng đối với mức GNI bình quân đầu người cho giới hạn dưới (đường màu tím) và giới hạn trên (đường màu đen), được giả định sẽ tăng trung bình 3%/ năm trong 26 năm.
Sau đây là 3 kết luận rút ra từ biểu đồ 1:
- Thứ nhất, ngay cả khi Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ 9%/năm, thì nước này sẽ phải mất tối thiểu 10 năm (tức năm 2032) để gia nhập hàng ngũ các quốc gia có thu nhập bình quân cao. Ấn Độ có thể sẽ phải mất hơn 25 năm nữa để đạt được mức GNI bình quân đầu người cao tương đương với những quốc gia giàu có hơn như Malaysia và Trung Quốc.
- Thứ hai, việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao sẽ ngày càng khó khăn hơn khi GNI bình quân đầu người của Ấn Độ tăng lên.
Một số nhà kinh tế học đã phát hiện ra rằng nhiều quốc gia có thu nhập bình quân cao lần đầu tiên trải qua sự suy giảm khi thu nhập bình quân đầu người đạt mốc 10.000 - 11.000 USD, và mốc suy giảm thứ 2 là khi thu nhập bình quân đầu người đạt 15.000 - 16.000 USD.
- Thứ ba, các động lực thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ sẽ thay đổi trong 26 năm tới. Theo các nhà kinh tế học, các yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế thay đổi khi mức thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia đạt mốc cao hơn.
Cụ thể, khi thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia ở mức thấp, động lực chính của tăng trưởng là các biến số nhân khẩu học - chẳng hạn như tỷ lệ nam-nữ và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, cùng với đó là các biến số về hiệu quả tài chính như chênh lệch giữa tiền gửi và lãi suất cho vay.
Trong khi đó, khi mức thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia tăng cao hơn, thì các biến số nhân khẩu học và hiệu quả tài chính không còn quan trọng như trước, mà thay vào đó, động lực tăng trưởng chính sẽ là khả năng các quốc gia này tránh được khủng hoảng tài chính hoặc ngân hàng, quy mô nợ công (tính theo % GDP), và thành phần vốn nước ngoài (FDI) trong dòng vốn đầu tư.
Như vậy, vấn đề quản lý tài chính và tiền tệ của Ấn Độ sẽ ngày càng quan trọng hơn trong 26 năm tới. Ấn Độ có thể học được nhiều bài học quan trọng từ các quốc gia đi trước.
Hàn Quốc và bài học từ "Kỳ tích sông Hàn"
Biểu đồ 2
Biểu đồ 2 thể hiện GNI bình quân đầu người của Hàn Quốc từ năm 1992 đến năm 2021, cho thấy rất rõ lý do nước này được mệnh danh là "Kỳ tích sông Hàn". Chỉ trong khoảng thời gian 30 năm từ năm 1992 đến năm 2021, GNI bình quân đầu người của Hàn Quốc đã tăng với tốc độ 5,3%/năm!
Tuy nhiên, tăng trưởng của Hàn Quốc xen kẽ với suy thoái mạnh.
Lần suy thoái đầu tiên xảy ra vào năm 1998, khi châu Á trải qua cuộc khủng hoảng tài chính. GNI bình quân đầu người của Hàn Quốc đã giảm 23%.
Lần suy thoái thứ hai xảy ra trong cuộc Đại suy thoái 2008-2009, GNI bình quân đầu người của Hàn Quốc giảm 7,5%.
Và lần suy thoái thứ ba của nước này xảy ra sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, khiến GNI bình quân đầu người giảm 2%.
Mặc dù vậy, Hàn Quốc đã xoay xở để phục hồi diễn ra nhanh chóng sau mỗi lần suy thoái.
Một trong số những yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc đạt được phép màu kinh tế bao gồm việc nước này tiếp xúc nhiều với thương mại quốc tế và dòng vốn, vì điều này đóng vai trò là thước đo để xác định các ngành và doanh nghiệp xứng đáng được hỗ trợ chính sách công nghiệp.
Trong các thập niên 1960 và 1970, các ngành hàng xuất khẩu của Hàn Quốc (thực phẩm, hàng dệt may, giày dép, tóc giả, v.v.) là các ngành sử dụng nhiều lao động. Ngày nay, các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc là sản phẩm công nghệ cao (ô tô, phần cứng, phần mềm, v.v.).
Khác với các doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp Ấn Độ ít phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế hơn, và cũng kém năng động hơn so với các doanh nghiệp nước bạn.
Nếu tính theo quy mô GNI, Ấn Độ có ít công ty lớn (với doanh thu hàng năm lên tới 1 tỷ USD) và các công ty quy mô trung bình (với doanh thu từ 50 triệu đến 1 tỷ USD) so với một số quốc gia khác.
Các nghiên cứu của McKinsey Global Institute (MGI) đã chỉ ra rằng đây là thiếu sót của Ấn Độ khi có ít các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng phát triển năng lực đặc biệt, phát triển nhanh chóng và cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ trong nước và quốc tế.
Từ bài học của Hàn Quốc, có thể thấy rằng Ấn Độ nên có các chính sách thân thiện hơn với thị trường bằng cách khuyến khích cạnh tranh tự do và công bằng.
Bài học từ "bẫy thu nhập trung bình" ở Brazil
Biểu đồ 3
Trái ngược với câu chuyện tăng trưởng của Hàn Quốc, biểu đồ 3 thể hiện GNI bình quân đầu người của Brazil từ năm 1992 đến năm 2021. Brazil là một ví dụ điển hình về một quốc gia đã rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có mức thu nhập trung bình sang mức thu nhập cao.
Trong 30 năm qua, Brazil đã trải qua hai đợt tăng trưởng bùng nổ, nhưng cũng đã trải qua hai đợt suy giảm kéo dài.
Đợt tăng trưởng đầu tiên của nước này là từ năm 1993 đến năm 1997, sau khi chính phủ áp dụng đồng tiền mới và chấm dứt một thập kỷ siêu lạm phát, và đợt tăng trưởng thứ hai từ năm 2003 đến năm 2013 được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của hàng hóa quốc tế.
Cả hai giai đoạn suy giảm (1998-2003 và 2013-nay) đều kéo dài và dẫn đến mức giảm hơn 40% GNI bình quân đầu người.
Các chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế của Brazil đã rơi vào tình trạng trì trệ do thiếu các cải cách cơ cấu và tài khóa quan trọng, thiếu đầu tư vào giáo dục và y tế, và thiếu những chính sách thúc đẩy thương mại tự do và cạnh tranh.
Brazil đã chi khoảng 6% GDP cho giáo dục và 9,5% GDP cho y tế vào năm 2019, thế nhưng Ấn Độ còn đầu tư ít hơn thế cho giáo dục (4,5% GDP vào năm 2019) và y tế (3% GDP vào năm 2019). Do đó Ấn Độ có thể rút kinh nghiệm từ bài học của Brazil để tránh rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" tương tự.
Ấn Độ cần mở cửa thương mại
Ấn Độ có khả năng sẽ gia nhập hàng ngũ quốc gia thu nhập trung bình cao hơn vào năm 2030, nhưng GNI bình quân đầu người của nước này sẽ khó đạt được mức cao như các quốc gia như Trung Quốc trong hơn 25 năm tới.
Việc Ấn Độ có thể đạt được hai cột mốc quan trọng này hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều biến số. Câu hỏi đặt ra cho Ấn Độ là: Một, các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ có thể tránh được những sai sót về chính sách hay không? Hai, liệu các điều kiện kinh tế toàn cầu có thuận lợi để Ấn Độ tăng trưởng kinh tế không?
Ấn Độ có thể học được nhiều điều từ bài học tăng trưởng của Hàn Quốc, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia này.
Trong số đó, Ấn Độ cần áp dụng chính sách của Hàn Quốc về thương mại tương đối tự do và cởi mở nếu nước này muốn chạm đến các mốc tăng trưởng như mong muốn. Ấn Độ có thể tạo ra các công ty đẳng cấp thế giới bằng cách cho các công ty này tiếp xúc với các ý tưởng từ khắp nơi trên thế giới và tuân theo các tiêu chuẩn cạnh tranh cao nhất, giống như Hàn Quốc./.