Khi Mỹ lập căn cứ ở "sân sau của Nga": Cục diện địa chính trị sẽ thay đổi khôn lường

Thi Anh |

Việc thành lập một căn cứ thường trực của Mỹ ở nơi từng là một phần trong Khối Warsaw nhiều khả năng sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi giận.

Ba Lan không còn là "nước đệm"

Mới đây, trong cuộc họp báo chung tại Washington với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đang cân nhắc tới khả năng hiện diện quân sự thường trực tại Ba Lan theo đề nghị của ông Duda và nhấn mạnh rằng Warsaw sẵn sàng chi "hàng tỉ USD" cho việc xây dựng căn cứ mà ông Duda gọi là "Pháo đài Trump".

 Hai nhà lãnh đạo cũng đã ký kết một thỏa thuận nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng, quân sự và an ninh năng lượng giữa Mỹ và Ba Lan.

Khi Mỹ lập căn cứ ở sân sau của Nga: Cục diện địa chính trị sẽ thay đổi khôn lường - Ảnh 1.

 Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Szatkowski cho rằng, một khi căn cứ quân sự Mỹ được lập nên ở Ba Lan, nước này sẽ không còn thúc đẩy "cảm giác an ninh" nữa.

Theo ông Szatkowski, việc Mỹ mở một căn cứ quân sự thường trực ở Ba Lan sẽ làm thay đổi cục diện địa chính trị của châu Âu.

"Một căn cứ Mỹ mới, bao gồm ít nhất là [một vài] thành tố cho thấy sự hiện diện [quân sự] thường trực, có thể thay đổi cục diện địa chính trị của châu Âu", hãng thông tấn Ba Lan dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng nước này cho hay.

Khi Mỹ lập căn cứ ở sân sau của Nga: Cục diện địa chính trị sẽ thay đổi khôn lường - Ảnh 2.

Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Szatkowski. Ảnh: YFot.PAP/Radek Pietruszka

Ông Szatkowski nhận định rằng, một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại Ba Lan sẽ có tầm ảnh hưởng chính trị chiến lược, diễn tiến thành chính sách ngăn chặn dài hạn và "thuần chất" gây ảnh hưởng quân sự, bởi động thái này có thể tăng cường cho đội quân sẵn có, đồng thời tạo điều kiện đón nhận các binh lính mới.

Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan nhấn mạnh, sau khi thiết lập căn cứ quân sự Mỹ, Ba Lan sẽ không còn được coi là một nước đệm, vốn được coi là yếu tố thúc đẩy "cảm giác an ninh".

(Nước đệm là nước trung lập nhỏ giữa 2 nước lớn, thường giữ vai trò kiềm chế, ngăn ngừa xung đột - ND)

"Pháo đài Trump"

Nhà lãnh đạo Ba Lan đã bàn thảo về đề xuất này với ông Trump tại Nhà Trắng, hy vọng có thể thu hút sự chú ý vào một ý tưởng mà chính phủ của ông Szatkowski thúc đẩy suốt nhiều tháng nay để đối phó với Nga.

Ông Duda không phải lãnh đạo châu Âu đầu tiên muốn làm thân với ông Trump bằng cách khơi gợi nhận thức về bản thân của Tổng thống Mỹ.

Anh đã tìm cách "quyến rũ" ông Trump bằng lời mời dùng trà với Nữ hoàng Elizabeth II. Tổng thống Pháp Emanuel Macron thì mời ông Trump tới tham dự lễ diễu hành dọc Champs Elysees hôm 14/7, một sự kiện đã khiến ông Trump ấn tượng.

Tuy nhiên, tuyên bố mà ông Duda đưa ra ở Washington lại không được dư luận trong nước đón nhận một cách tích cực. Ông bị chỉ trích vì cái mà các thành phần phê phán gọi là "hành vi hèn nhát".

"Tổng thống Duda đã lợi dụng sự phù phiếm của ông Trump và đưa ra ý tưởng về Pháo đài Trump", nghị sĩ Ba Lan Barbara Zdrojewska đăng trên Twitter, "Nếu ông ấy nói đùa trong một cuộc nói chuyện riêng thì đó sẽ là một hành động khôn khéo nhưng tuyên bố giữa cuộc họp báo trước phân nửa thế giới thì thật thảm hại".

Mặc dù NATO đã đồng ý triển khai quân đội ở Ba Lan nhưng ý tưởng về một căn cứ thường trực của Mỹ ở nơi từng là một phần trong Khối Warsaw nhiều khả năng sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin không hài lòng, NYTimes nhận định.

Nhà lãnh đạo Nga lâu nay vốn khó chịu với sự xâm lấn của phương Tây ở những vùng đất mà Moscow coi là một phần trong "địa hạt" địa chính trị của mình như Crimea, Georgia, Ukraine và các nước vùng Baltic.

Hiện chưa rõ liệu ông Trump có đồng ý lập căn cứ quân sự ở đó không. Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Ba Lan cũng chưa đi tới thỏa thuận cuối cùng về chi phí, nhưng ông Trump cho hay: Ông Duda đã đề nghị cung cấp "hơn 2 tỉ USD để làm việc này".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại