Hãy trách... Sir Alex Ferguson
Năm 2013 khi M.U sở hữu danh hiệu Premier League lần thứ 20, Sir Alex đã nói từ chia tay sau 27 năm gắn bó. Chức vô địch cuối cùng dưới triều đại của ông, M.U lên ngôi với một đội hình gồm nhiều ngôi sao trẻ và những lão tướng tưởng chừng đã “hết hạn sử dụng”.
Chỉ có Sir Alex mới lên ngôi được với một đội hình như vậy. Minh chứng rõ ràng là trong suốt 5 năm qua, gần như tất cả những gương mặt từng vô địch cùng M.U năm 2013 đều đánh mất mình và trượt dài trong sự nghiệp. Hệ lụy nhãn tiền, đội bóng chật vật trong từng đó thời gian chỉ để cạnh tranh một mục tiêu trong Top 4.
Năm 1992, Sir Alex cho ra đời lứa “Bầy chim nhỏ” gồm dàn hảo thủ như Beckham, anh em Neville, Scholes, Giggs... những người sau này đã đi cùng quãng thời gian chói lọi nhất lịch sử CLB. Nhưng điều tương tự đã không đến trong năm 2013, khi ông ra đi và để lại cái bóng, với những di sản cùng với một khoảng trống quá lớn như là bài toán nan giải...
Hàng loạt người kế nhiệm như Moyes, Van Gaal hay Mourinho đều là những cái tên sáng giá và được đánh giá cao về sự thích hợp lẫn tiềm năng, thế nhưng tất cả đều không vực lại được một CLB “chẳng còn gì sau thời vinh quang”. Nếu chỉ dừng lại ở Moyes hay Van Gaal, có thể trách những HLV này yếu kém hay đó là những lựa chọn sai lầm. Thế nhưng “quá tam ba bận”, đến Mourinho cũng không để lại dấu ấn, vẫn vật vã với những vấn đề cũ y hệt những người đi trước là đủ hiểu M.U hiện tại đã “mất gốc” và gánh nặng với những người ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng của đội bóng này là như thế nào.
Trách nhà Glazers, trách thứ gọi là “bóng đá kim tiền”
Những trường hợp như Sir Alex hay Arsene Wenger đã là dĩ vãng. Bóng đá hiện đại chưa chứng kiến bất cứ ai đứng mãi trên đỉnh cùng một CLB lớn trong hơn 20 năm. Dù thành công cỡ Zidane cũng chỉ vỏn vẹn 3 năm tại Real Madrid để rồi tự ra đi.
Sự kiên nhẫn là thứ quá xa xỉ với những người coi bóng đá là công cụ kiếm tiền và đầu tư vào bóng đá như một thương vụ kinh doanh. Nhà Glazers, Abramovic, Stan Kroenke hay bất cứ ai luôn quan tâm xem hàng năm, đội bóng thu lời được bao nhiêu tiền chứ không kiên trì đi cùng một chiến lược gia để xây dựng CLB. Nhìn vào trường hợp M.U, ngày Sir Alex mới đến, đội bóng cũng lâm vào nhiều phen “thập tử nhất sinh” nhưng rồi ông già gân vẫn được tin tưởng, ở lại và đi tiếp rồi trở thành huyền thoại.
Nếu nhà Glazers cũng kiên nhẫn với Moyes hay Van Gaal, câu chuyện chưa ai biết sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng chính sự vội vã, vội thu lợi, vội muốn có vinh quanh của các ông chủ Mỹ sau một chu kỳ thành công đã hại chính M.U. “Quỷ đỏ” tiêu hàng tỷ bảng để mua sao và trả lương trong 5 năm qua nhưng rồi kết quả vẫn ì ạch.
Trách Mourinho, trách Pogba và trách tất cả cầu thủ
Mourinho là HLV trưởng, Pogba là ngôi sao sáng nhất nhưng hai người này lại xảy ra mâu thuẫn. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến Manchester United lụi bại như lúc này.
Ở Real Madrid, Chelsea hay hiện tại, Mourinho luôn bị các ngôi sao trụ cột “làm phản”. Không thể nói “Người đặc biệt” không sai, bởi nếu ông đúng sẽ chẳng có chuyện các cầu thủ liên tục phản đối và đá ghế như vậy. Trong khi đó với Pogba, ngôi sao 26 tuổi đang quá tự kiêu và coi mình là “cái rốn của vũ trụ”. Hành động đứng yên nhìn đối phương cướp bóng trong trận gặp West Ham đã cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của nhà vô địch thế giới.
Cuối cùng, như lời Luke Shaw chia sẻ, tất cả cầu thủ M.U hiện tại không xứng khoác lên mình chiếc áo của truyền thống lịch sử hào hùng, sau những gì đã thể hiện từ đầu mùa. Tinh thần uể oải, sức chiến đấu ở dưới mức trung bình và gần như tất cả đều hỏng “dây thần kinh xấu hổ” sau những trận thua đã qua. Một M.U hào hùng, gồm những chiến binh kiệt xuất đã bị thay bởi một tập thể rệu rã và có thể rã đám bất cứ lúc nào.
Nhìn lại, chỉ thương các CĐV “Quỷ đỏ” vẫn từng ngày dõi theo, mong chờ đội bóng con cưng sống dậy để rồi nhận những kết quả cay đắng. M.U bây giờ tệ đến vậy sao?