Khi giáo dục thành một món hàng thì ai cũng có thể thành... mặt lợn

Hoàng Anh Tú |

Vụ thêm một "cô giáo cung Bọ Cạp" chửi học viên là "mặt lợn", "con lợn không thể thành người" ầm ĩ trên mạng xã hội thậm chí làm lu mờ cả vụ Vietlott thông báo có người trúng hơn 300 tỷ, cho thấy sự nhạy cảm của dư luận với giáo dục kinh khủng thế nào. Nhưng ai trả lời cho ta những câu hỏi này?

Trong clip được tung lên mạng xã hội, hơn chục học viên trong clip đều cúi đầu im lặng. Thứ được thấy là 2 nhân vật chính tăng cấp liên tục ngôn từ với nhau.

Tạm bỏ qua "mức độ sát thương" của những ngôn từ thể hiện thì thứ chúng ta thấy chung quy vẫn là câu chuyện tiền bạc.

Người học nói đã đóng tiền - người dạy nói đã có quy định về việc phạt tiền và tôi cũng đồ rằng số học viên câm lặng xung quanh cũng vì… đã đóng tiền học nên không phản ứng vì… sợ mất tiền.

Là tôi đoán vậy thôi chứ chỉ các học viên trong cuộc mới biết lý do vì sao họ im lặng như thế, trước một sự việc mà lẽ ra bất cứ ai chứng kiến cũng nên lên tiếng tại chỗ. Hoặc can gián cuộc cãi vã với những ngôn từ mạt sát nhau như thế.

Hoặc phản ứng với người dạy vì họ đang xúc phạm bạn học của mình. Hoặc phản ứng với người bạn học nếu như họ đồng thuận với quy định kỷ luật thép của trung tâm.

Nhưng họ đã chọn im lặng để rồi quay lại clip và tung lên mạng xã hội. Nếu họ phản ứng ngay tại chỗ, có lẽ họ đã "cứu" được cô giáo thoát khỏi cơn mưa gạch đá của cư dân mạng.

Sẽ chẳng có người dạy nào muốn trở thành người… "mất dạy" theo cái cách như thế này cả. Tiếc thay, thời của mạng xã hội nên con người đang biến cuộc đời thực thành nơi cư xử giả tạo và biến mạng xã hội thành nơi để bày tỏ thái độ thực.

Thậm chí đôi khi cả chuyện gia đình, vợ không phản ứng với chồng, chồng im lặng với vợ rồi sau đó mới bày tỏ thái độ trên FB.

Đến khi nào chúng ta bớt "ưu tiên" sử dụng mạng xã hội như vũ khí tiêu diệt nhau? Bao giờ chúng ta chịu mặt đối mặt thay vì dùng cái "Mặt Sách" (Facebook) với nhau?

Tôi lần theo những comment của mọi người và nhanh chóng tìm ra Facebook của cô giáo lẫn Fanpage của trung tâm Anh ngữ ấy. Thứ tôi thấy trên 2 địa chỉ đó là một rừng bình luận mà mức độ sát thương gấp trăm lần những gì cô giáo nói trong clip.

Thứ tôi thấy khủng khiếp hơn cả là cái cách mà cộng đồng mạng đang hành xử thật không khác gì thời trung cổ, xem trên phim cổ trang khi người dân ném gạch đá, trứng thối, rác rến vào kẻ bị đưa diễu hành.

Ở đây là những bình luận văng tục, những mạt sát bằng tất thảy những từ ngữ bẩn thỉu nhất.

Và sau sự kinh hoàng ấy là câu hỏi: Tác giả của những bình luận kia có phải là những người có ăn có học không? Họ đã học được cách chửi bới kinh khủng ấy từ đâu?

Có ngôi trường nào, giáo viên nào đã dạy họ những câu chửi đó? Cứ nhìn độ tuổi của người viết bình luận thì sẽ thấy rằng giáo dục Việt Nam ít nhất 20 năm qua đã làm gì với những con người như thế.

Nếu không phải từ những giáo viên bắt học trò uống nước giặt giẻ lau thì liệu có phải từ những người cha đánh bác sỹ ở bệnh viện, những người cha cùng con thoá mạ công an giữa đường?

Hàng nghìn con người đang thể hiện một con người gớm ghiếc qua những bình luận của họ hẳn sẽ là câu hỏi khó cho nhiệm vụ giáo dục? Chúng ta cần những học sinh toàn diện hay cần những con người văn minh?

Chúng ta cần những huy chương vàng trong các kỳ thi quốc tế hay cần sự thiện cảm của khách quốc tế với con người Việt Nam?

Trở lại câu chuyện cô giáo "cung… mặt lợn", liệu có không quy định người đứng lớp ở các trung tâm Anh ngữ?

Nếu họ chỉ là những gã Tây ba lô biết chút chút tiếng Việt sang dạy tiếng Anh, những sinh viên tốt nghiệp có tiếng Anh tốt hay chỉ đơn giản là những người có năng khiếu tiếng Anh, dạy được người khác là có thể trở thành cô giáo, thầy giáo thì đừng xếp họ vào hàng ngũ giáo viên vốn cũng đang khiến dư luận bất bình.

Những trung tâm ngoại ngữ mọc như nấm hiện nay chẳng khác gì những nhà trẻ tự phát. Nên ở nhà trẻ thì bảo mẫu bạo hành trẻ, ở trung tâm ngoại ngữ giảng viên bạo hành học viên. Và với phần đông dư luận, tất thảy đều được gán cho mác "giáo viên mất dạy".

Khi giáo dục được coi là một món hàng thì người bán sẽ có những bà hàng tôm hàng cá ngoài chợ thôi.

Khi giáo dục được coi là một món hàng thì chúng ta sẽ còn gặp nhiều cảnh không thuận mua vừa bán và đương nhiên, sẽ lại xuất hiện thêm nhiều "cô giáo 100K" hay học viên "thằng người mặt lợn", "thằng lợn không thể thành người".

Chúng ta sẽ còn phải chứng kiến dài dài những câu chuyện thế này.

Và đau đớn để thông báo với tất thảy chúng ta, những ai đang quan tâm đến giáo dục, rằng sẽ không chỉ ở lãnh địa trung tâm ngoại ngữ, giáo dục đang được "bán" ở nhiều lãnh địa khác như trường tư thục, các trung tâm giáo dục nghề, năng khiếu…

Giáo dục đang trở thành một món hàng hấp dẫn khi số người mua không bao giờ giảm chỉ có tăng, nhu cầu học luôn cao bất chấp hàng trăm ngàn giáo viên được đào tạo tử tế đang nghỉ việc vì lương thấp, đang vạ vật chờ được vào biên chế, đang bị cho nghỉ việc vì thừa giáo viên.

Để đáp ứng nhu cầu đó, sẽ có hàng ngàn người không được đào tạo làm giáo viên sẽ được làm giáo viên khi họ có năng lực nhưng không có kỹ năng sư phạm, không bị những ràng buộc đạo đức nghề giáo.

Khi giáo dục thành một món hàng thì ai cũng có thể thành... mặt lợn - Ảnh 2.

Cuối cùng, quay trở lại cách mà trung tâm anh ngữ của cô giáo "cung… mặt lợn" đang thông báo công khai trên trang chủ của họ về cái cách giáo dục bằng kỷ luật. Như những gì họ công khai: Học viên và trung tâm sẽ ký hợp đồng 4 bên bao gồm trung tâm - giảng viên - học viên và người làm chứng.

Theo đó, họ sẽ phạt giảng viên và học viên nếu không đáp ứng những yêu cầu đã cam kết.

Nó không chỉ cho thấy yếu tố giáo dục hoàn toàn được xếp sau những ràng buộc mang tính "đánh vào kinh tế" mà còn khẳng định một cách rõ rệt mối quan hệ người mua - kẻ bán.

Thế nên đừng chờ đợi ý nghĩa nhân văn hay quan hệ thầy trò ở đây. Nhưng thứ chúng ta đang ầm ĩ lại chỉ xoay quanh chuyện quan hệ thầy trò - tư cách giáo viên.

Thật chẳng khác nào chúng ta yêu cầu người bán sách phải là các nhà văn - nhà phê bình văn học, yêu cầu bà bán thịt lợn đầu chợ phải là chuyên gia dinh dưỡng kiêm chuyên gia thú y.

Chúng ta cứ luôn lầm lẫn như vậy trong không chỉ câu chuyện này mà còn rất nhiều những câu chuyện khác đã và đang xảy ra ngoài xã hội.

Thứ mà cần phải nhìn nhận đúng về "cô giáo 100K" nên chăng chỉ là một người bán hàng kiểu phở mắng, cháo chửi.

Và người mua hàng có thể từ chối mua hàng thay vì cố mà "nuốt cho trôi" rồi gật gù tâm đắc "giáo dục phải kỷ luật như thế mới nên người", "miễn là đồ ăn ngon là được".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại