Bị Mỹ đánh thuế nặng vào hàng hóa , nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải “chạy” sang các nước, trong đó có Việt Nam. Bằng chứng là trong năm tháng đầu năm nay, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với một số dự án lớn lên con số hàng tỉ USD.
Nhiều dự án khủng từ Trung Quốc
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20-5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của năm tháng trong vòng bốn năm qua. Đáng chú ý, Trung Quốc đang nổi lên là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam khi đổ gần 7,1 tỉ USD vào nước ta, vượt qua các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, thời gian qua có khá nhiều dự án lớn từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR, tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD, do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh.
Hay dự án Công ty TNHH Lốp Advance VN đầu tư 214,4 triệu USD cho mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang; dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hong Kong) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp lên đến 3,85 tỉ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội...
Đây rõ ràng là những con số biết nói, minh chứng rõ nét cho quá trình chuyển dịch dòng vốn vào Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự dịch chuyển của nhà đầu tư Trung Quốc một phần là để tránh cuộc chiến thuế của Mỹ áp đặt lên Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam đang hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư nhờ vào hàng loạt yếu tố nền tảng.
“Chính phủ Việt Nam đang có những nỗ lực khuyến khích đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng đang sở hữu một vị trí địa lý nằm trong chuỗi cung ứng khu vực và một mạng lưới hiệp định tự do thương mại với nhiều nước trên thế giới. Những yếu tố này đã biến nước ta thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang” - ông Hiếu nói.
Hãng tin Bloomberg mới đây nhận định trong cuộc đua thu hút các công ty tìm địa chỉ sản xuất thay thế trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia khác. Ví dụ, công nhân ngành sản xuất ở Việt Nam được trả lương trung bình 216 USD/tháng, bằng chưa đầy một nửa so với mức lương ở Trung Quốc.
Vị trí gần kề Trung Quốc cũng là một điểm làm gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam. Chẳng hạn, Hải Phòng chỉ cách trung tâm sản xuất Thâm Quyến không đầy 900 km. Như vậy, việc đặt các nhà máy tại Việt Nam gần với trung tâm sản xuất truyền thống Trung Quốc giúp các nhà sản xuất giảm chi phí vận chuyển, chuyển hàng nhanh và không bị gián đoạn hay chậm trễ về nguồn cung.
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam , vốn đầu tư của Trung Quốc tại Khu công nghiệp Phố nối B (Hưng Yên). Ảnh: TTXVN
Cẩn trọng để tránh trở thành nạn nhân bất đắc dĩ
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Việt Nam, cần phải chọn lọc một cách cẩn trọng các dự án đến từ Trung Quốc. Nói cách khác, việc đón nhận dòng vốn như thế nào là một bài toán cân đo đong đếm lợi ích đặt ra với VN. Bởi nếu Trung Quốc đầu tư để lấy xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi về thuế và tránh thuế từ Mỹ thì Việt Nam dễ bị vạ lây đòn trừng phạt của Mỹ.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, mới đây đã lưu ý việc dịch chuyển đầu tư với ý đồ lợi dụng xuất xứ giả mạo Việt Nam để lẩn tránh thuế nhập khẩu của Mỹ. Vì nếu Mỹ phát hiện điều này thì nhiều khả năng hàng hóa Việt Nam bị Mỹ áp đặt thuế cao.
“Các doanh nghiệp không nên tiếp tay cho hành vi giả mạo xuất xứ. Đồng thời tăng cường quan sát thị trường để cung cấp cho cơ quan quản lý khi phát hiện bất thường xảy ra. Nếu không, thay vì nắm bắt được cơ hội, chúng ta lại là nạn nhân bất đắc dĩ của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung” - ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư VinaCapital, cho biết đã nhìn thấy nhiều nhà máy sản xuất lốp xe của Trung Quốc đặt tại Việt Nam thêm vào nhiều cấu phần để nhằm tạo ra sự hoàn thiện sản phẩm, vốn hầu hết được làm tại Trung Quốc trước đây. Các công ty này tận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi về thuế.
“Cách làm này sẽ thu hút chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hướng cái nhìn về Việt Nam, khi đất nước này đang kéo rộng ra sự thặng dư thương mại với nước Mỹ” - ông Michael Kokalari cảnh báo.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng nhìn nhận bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng cần sàng lọc, lựa chọn, tiếp nhận các dự án, chương trình đầu tư theo hướng thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.
“Không nên để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp. Đặc biệt, không nên để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” - ông Lực nói.
Lựa chọn nhà đầu tư chất lượng cao
Tại lễ công bố báo cáo thường niên diễn ra mới đây, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nói rằng Việt Nam đang tiếp nhận vốn từ nhiều nước. Mỗi quốc gia có một kiểu đầu tư riêng. Chẳng hạn, doanh nghiệp Nhật, Mỹ thường có xu hướng đầu tư dài hạn nên họ cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư vào đâu. Doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ vốn vào Việt Nam chủ yếu về vị trí địa lý, tương đồng về văn hóa, chính trị.
Việt Nam không thể can thiệp được vào tính toán của giới đầu tư ngoại nhưng Việt Nam có thể lựa chọn để chọn được nhà đầu tư chất lượng cao, có cam kết lâu dài như Nhật, Mỹ, Hàn; chọn được các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
“Muốn thu hút được các nhà đầu tư Nhật, Mỹ thì Việt Nam phải hoàn thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt” - TS Thành nhấn mạnh.