Theo hãng tin AP, các lực lượng Ukraine đang tiến hành một cuộc tấn công ở miền nam, tập trung vào thành phố Kherson, thủ phủ của tỉnh cùng tên nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ những ngày đầu của cuộc xung đột.
Việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát Kherson hoặc Nga vẫn trụ vững tại đây sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với cả hai.
Tại sao Kherson đặc biệt quan trọng với cả Nga và Ukraine?
Kherson, nơi có dân số 280.000 người trước chiến tranh, là thủ phủ duy nhất trong các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Thành phố này và các khu vực lân cận đã nằm dưới quyền kiểm soát của Moskva từ những ngày đầu của cuộc xung đột khi quân đội Nga nhanh chóng đẩy mạnh cuộc tấn công từ phía bán đảo Crimea.
Binh sĩ Nga tuần tra trên đập nhà máy thủy điện Kakhovka, vắt ngang sông Dnieper. Ảnh: AP
Mất Kherson từng là một cú đòn lớn đối với Ukraine vì vị trí quan trọng của nó bên sông Dnieper (hay Dnepr), gần cửa Biển Đen, và vai trò của thành phố này là một trung tâm công nghiệp lớn. Các tay súng Ukraine sau đó đã tiến hành nhiều hành động phá hoại và ám sát nhằm vào quan chức do Moskva bổ nhiệm.
Kherson cũng nằm ở vị trí mà Ukraine có thể cắt nguồn nước ngọt từ sông Dnieper đến Crimea. Kiev từng chặn những nguồn cung cấp quan trọng này sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga, và Tổng thống Putin đã đề cập đến sự cần thiết phải khôi phục nguồn nước như một lý do đằng sau quyết định tấn công Ukraine của mình.
Bản đồ vùng Kherson và Mykolaiv tới ngày 22/10: Vòng tròn là khu vực giao tranh ngày 21/10; màu xanh là vùng Ukraine phản công; màu hồng là vùng Nga đang kiểm soát. Nguồn: Viện nghiên cứu chiến tranh
Trong suốt mùa hè vừa qua, quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công không ngừng để giành lại các vùng của tỉnh Kherson, một trong bốn khu vực mà Nga đã sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9.
Ukraine sử dụng các bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp để bắn liên tiếp vào cây cầu quan trọng bắc qua sông Dnieper ở Kherson và một con đập lớn ở thượng nguồn cũng được sử dụng làm nơi vượt sông. Các cuộc tấn công đã buộc Nga phải dựa vào cầu phao và phà, những phương tiện sau đó cũng trở thành mục tiêu của Ukraine.
Các cuộc tấn công, phá hoại đó đã làm gián đoạn các liên kết cung cấp cho Kherson và lực lượng Nga ở bờ tây sông Dnieper, khiến họ dễ bị bao vây. Tình trạng thiếu hụt càng trở nên trầm trọng hơn sau vụ đánh bom xe tải vào ngày 8/10 làm nổ tung một phần của cầu Crimea nối đất liền của Nga với bán đảo Crimea, vốn đóng vai trò là trung tâm cung cấp chính cho lực lượng Nga ở miền nam Ukraine.
Binh sĩ Ukraine tại khu vực tiền tuyến vùng Mykolaiv, ngày 8/8/2022. Ảnh: AP
Nga đã phản ứng như thế nào
Tổng thống Putin đổ lỗi vụ tấn công cầu Crimea cho tình báo quân sự Ukraine và đáp trả bằng cách ra lệnh không kích các cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine. Ông cũng tuyên bố thiết quân luật ở Kherson và ba khu vực mới sáp nhập khác.
Nhưng khi các lực lượng Ukraine kiên quyết đẩy mạnh cuộc tấn công về phía tây nam dọc theo sông Dnieper, quân đội Nga ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc ngăn chặn bước tiến của họ.
Tướng Sergei Surovikin, tư lệnh mới được bổ nhiệm của Nga ở Ukraine, gần đây đã thừa nhận tình hình trong khu vực là "khá khó khăn" đối với Moskva và lưu ý rằng giao tranh vẫn đang diễn ra.
Các nhà chức trách Nga cũng cảnh báo rằng Kherson có thể bị pháo kích lớn và khuyến khích người dân sơ tán đến các khu vực do Nga quản lý.
Người dân sơ tán từ Kherson tới nhà ga đường sắt ở Dzhankoi, Crimea, ngày 21/10/2022. Ảnh: AP
Lính Nga đứng gác ở Kherson ngày 20/5/2022. Ảnh: AP
Ngày 22/10, chính quyền khu vực Kherson do Nga bổ nhiệm đã thông báo khẩn cấp, kêu gọi toàn bộ dân thường lập tức rời đi "vì tình hình căng thẳng ở mặt trận, nguy cơ pháo kích lớn vào thành phố ngày càng tăng và nguy cơ tấn công khủng bố."
Các nhà chức trách cho biết ước tính có khoảng 25.000 người đã rời đi đến ngày 22/10. Các quan chức của chính quyền khu vực cũng sơ tán cùng với các công chức khác.
Moskva đã cảnh báo rằng Ukraine có thể tìm cách tấn công con đập ở nhà máy thủy điện Kakhovka ở phía thượng nguồn và gây lũ lụt trên diện rộng, bao gồm cả thành phố Kherson. Ukraine phủ nhận điều này, và ngược lại, cáo buộc Nga lên kế hoạch cho nổ tung đập để gây ra lũ lụt thảm khốc trước khi rút lui.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) được đưa xuống từ máy bay vận tải MC-130, ở Riga, Latvia ngày 26/9/2022 trước khi chuyển tới Ukraine. Ảnh: AP
Mất Kherson ảnh hưởng gì với Nga
Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết: “Kherson là một chìa khóa cho toàn bộ khu vực phía nam, chiến thắng sẽ cho phép Ukraine nhắm đến các tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga. Nga sẽ cố gắng giữ quyền kiểm soát nó bằng mọi cách”.
Đối với Ukraine, việc có được Kherson sẽ tạo bàn đạp cho việc giành lại khu vực Zaporizhzhia do Nga kiểm soát và các vùng khác ở phía nam, và cuối cùng có thể là đánh vào Crimea.
Binh sĩ Nga gác ở lối vào nhà máy thủy điện Kakhovka trên sông Dnieper ở Kherson. Ảnh: AP
Chuyên gia Zhdanov cũng cho biết Ukraine đang hy vọng sẽ nhanh chóng tăng gấp đôi số lượng bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp có thể tấn công các mục tiêu cách xa 80 km với độ chính xác cao.
Việc giành lại quyền kiểm soát Kherson cũng có nghĩa là Kiev có thể cắt nguồn nước cho Crimea một lần nữa. “Sau khi rút khỏi Kherson, người Nga sẽ lại gặp vấn đề với nước ngọt ở Crimea”.
Ông Volodymyr Fesenko, người đứng đầu tổ chức tư vấn độc lập Penta Center có trụ sở tại Kiev, lưu ý rằng việc kiểm soát khu vực Kherson và các khu vực miền nam khác là một lợi thế lớn đối với Nga, và việc để mất nơi này sẽ gây hậu quả lớn đối với Moskva ở cả trong nước và nước ngoài.