"Trận đấu cuối cùng của giải đấu cuối cùng cấp độ U23. Tôi… cảm ơn và xin lỗi nhé". Dòng trạng thái ấy hiện lên tường Facebook Phạm Đức Huy sau trận thua trước Olympic UAE ở trận tranh HCĐ ASIAD 2018. Dòng trạng thái ấy khiến ai đó chợt nhận ra có những thứ sẽ không thể níu kéo được nữa.
Đức Huy là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ 1995, 1996 của bóng đá nam Việt Nam cùng những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Duy Mạnh. Thế hệ của những tài năng, của những cuộc tranh luận không hồi kết nơi CĐV và cũng là tâm điểm của báo chí truyền thông một thời.
ASIAD 2018 là giải đấu lớn cuối cùng các cầu thủ thuộc thế hệ 1995, 1996 còn được khoác áo các đội trẻ như U23, Olympic Việt Nam. Ảnh: Hiếu Lương.
Thế hệ 1995 ấy với những con người trưởng thành từ lò đào tạo HAGL JMG từng mang đầy danh tiếng. Thế hệ gắn liền với tên tuổi của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, cũng là thế hệ làm sống lại những khán đài ở Việt Nam khi mới ở tuổi 19, đôi mươi. Thế hệ ấy mở ra một kỷ nguyên mới cho bóng đá tại dải đất hình chữ S nhưng cũng chứa đầy những bi kịch, những dở dang và tiếc nuối.
Một Công Phượng từng chết ngột khi nổi tiếng và được truyền thông săn đón từ quá sớm. Một Tuấn Anh với "đôi chân pha lê", đẹp rạng ngời mà quá dễ vỡ. Một Phí Minh Long chỉ lỡ bước một lần ở SEA Games và sẽ mãi không có cơ hội sửa sai.
Thế hệ nhận được vô vàn kỳ vọng ấy chứng kiến Việt Nam thất bại ở hai kỳ SEA Games. Thế hệ ấy mang trong mình đầy vết thương lòng, mang theo cả tình yêu và ngập tràn sự kỳ vọng.
Tuấn Anh, Phí Minh Long, Công Phượng - 3 cái tên gặp nhiều bi kịch nhất trong thế hệ của mình. Ảnh: Tiến Tuấn.
Chỉ đến tháng 10/2017, mọi thứ mới đổi thay. HLV Park Hang Seo lên nắm giữ con thuyền U23 và đội tuyển quốc gia. Từ những vết thương lòng họ nhận lại giọt mật ngọt, từ HCB U23 châu Á đến top 4 ASIAD vừa mới kết thúc không lâu. Với họ, tài năng cuối cùng cũng được song hành với thành tích.
Từ những căn nhà ngập trong chỉ trích sau SEA Games 29, họ nhận lại những bông hoa sau đêm mưa tuyết Thường Châu và chiều nắng tại Indonesia. Nếu cú sút của Minh Vương không đập trúng xà ngang, cơ hội giành HCĐ cho Olympic Việt Nam sẽ lại nhen nhóm.
Nhưng thế thì không còn đúng nữa, thế hệ này là thế hệ của những chữ "lỡ". Lỡ SEA Games cùng chiếc HCV mà cả dân tộc chưa một lần được nhìn rõ, là thứ thế hệ này được kỳ vọng vô ngần. Lỡ vài chục giây trước khi bắt U23 Uzbekistan phải đá luân lưu ở chung kết U23 châu Á. Lỡ hẹn cả với chiếc huy chương ASIAD đầu tiên trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á.
Họ cùng nhau chiến đấu ở Thường Châu trong mưa tuyết, cùng nhau chấp nhận việc để lỡ HCĐ ở ASIAD 2018. Trước đó, nỗi đau lớn nhất là việc bị loại tại SEA Games 2017 tại Malaysia. Ảnh: AFC, Hiếu Lương.
Cờ giờ trao tay thế hệ 1997, những người vẫn còn một kỳ SEA Games nữa để mơ về vàng mười. Trao tay Quang Hải, Tiến Dũng, Văn Hậu... để mơ tiếp về một VCK U23 châu Á thành công cùng tấm vé đến Olympic Tokyo 2020.
Giờ đây, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đức Huy, Minh Vương, Văn Thanh hay Duy Mạnh cùng tất cả thế hệ 1995, 1996 nói lời tạm biệt với màu áo U23. Họ chỉ còn đích đến duy nhất là sắc phục của đội tuyển quốc gia đang đón chờ.
Cảm ơn những chàng trai áo đỏ! Màu áo U23 xin tạm biệt thế hệ 1995, tạm biệt những chàng trai 1996!
Đại diện tiêu biểu của hai lứa 1995 và 1996:
1. Thế hệ 1995: Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Phạm Xuân Mạnh, Phí Minh Long, Bùi Tiến Dũng
2. Thế hệ 1996: Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh, Phan Văn Đức, Nguyễn Phong Hồng Duy