Nước Anh lại phản ứng trước dòng tweet của ông Trump
Nếu chỉ nhìn vào biểu hiện bề ngoài thì mối quan hệ giữa Mỹ và Anh hiện tại không được êm thấm. Điều này không thể không gây bất ngờ bởi xưa nay nó vốn luôn được coi là "đặc biệt" và luôn thể hiện trên thực tế là mối quan hệ đặc biệt.
Ở thời ông Donald Trump làm tổng thống ở Mỹ và bà Theresa May làm thủ tướng ở nước Anh, mối quan này cũng biểu hiện ra bên ngoài như thế. Bà May là thủ tướng chính phủ nước ngoài đầu tiên làm khách của ông Trump ở Nhà Trắng. Ông Trump là một trong số rất ít nguyên thủ quốc gia nước ngoài được Nữ hoàng Anh Elizabeth II mời sang thăm Anh chính thức cấp nhà nước gần như ngay sau khi chính thức nhậm chức tổng thống ở Mỹ.
Vậy mà mới rồi lại có cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa hai bên. Ông Trump dùng Twitter còn bà May chọn trả lời phỏng vấn làm vũ khí. Vụ việc khơi mào từ khi ông Trump đăng tải lại (retweet) một video clip của đảng Britain First ở Anh. Không biết vì chia sẻ nội dung trong tweet hay vì tâm đắc với ẩn ý từ cái tên của đảng này - đâu có khác gì khẩu hiệu America First đối với ông Trump - mà ông Trump đã hành động vậy.
Phản ứng của một số dân biểu và thành viên chính phủ Anh rất gay gắt. Bà May thẳng thừng cho rằng ông Trump làm như thế là sai.
Thị trưởng thủ đô London của Anh lên tiếng yêu cầu huỷ bỏ lời mời ông Trump sang thăm chính thức nước Anh cấp nhà nước. Bà May còn quả quyết "Việc chúng ta hợp tác với Mỹ không có nghĩa là chúng ta ngần ngại nói thẳng ra là phía Mỹ sai mỗi khi chúng ta cho rằng phía Mỹ sai". Nhưng bà May khẳng định chuyến thăm Anh của ông Trump vẫn sẽ diễn ra như dự định vào tháng Giêng năm tới.
Bà Theresa May trong chuyến thăm Mỹ sau khi ông Trump mới nhậm chức. Ảnh: AP
Đáp lại bà May, ông Trump dùng tweet khuyên bà May không nên để ý đến mình mà nên tập trung vào đối phó với những lực lượng Hồi giáo cực đoan ở nước Anh.
Bà May thể hiện bản lĩnh không né tránh Mỹ còn ông Trump tỏ ra bất chấp tác động tai hại tới mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và mối quan hệ cá nhân mà ai cũng dễ tưởng rất tốt đẹp với bà thủ tướng nước Anh.
Trận bão trong cốc nước
Trong thực chất thì những gì vừa xảy ra này chẳng qua chỉ là một trận giông bão trong cốc nước. Chúng không gây tổn hại nhiều cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và cũng chẳng làm đổ vỡ mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và bà May. Vì ba nguyên cớ chính.
Thứ nhất, tính cách của ông Trump là như thế. Người này có cách ứng xử và hành xử riêng và không phải vì đã trở thành tổng thống Mỹ mà chịu thay đổi nó. Ông Trump chia sẻ nội dung video clip của Britain First không phải nhằm mục đích gây khó cho bà May mà đúng hơn thì phải nói là do không lưu ý đầy đủ đến mức độ nhạy cảm của hành động ấy về chính trị nội bộ ở Anh.
Ông Trump dùng việc ấy để nhằm vào bộ phận công chúng ủng hộ mình ở nước Mỹ và khích lệ các nơi khác ở châu Âu cũng "First" như Britain First ở nước Anh.
Người này rất hay thay đổi quan điểm và không cảm thấy ngại ngùng gì khi thay đổi quan điểm, vì thế cho nên đã nhiều lần "hành động thế nhưng không nghĩ như thế". Đáp trả của ông Trump về phát ngôn của bà May đâu có phải là cuộc tranh luận về nội dung, cũng chẳng phải cách thức giao thiệp ngoại giao kinh điển mà là phản ứng của một người rất dễ dị ứng với mọi phê phán, đặc biệt lại còn là khi bị cho là đã hành xử sai.
Chẳng bao lâu nữa đâu, ông Trump sẽ lại dành nhiều lời hay, ý đẹp cho nước Anh và bà May.
Thứ hai, cho dù ngày nay tính từ "đặc biệt" để chỉ mối quan hệ giữa Mỹ và Anh phải hiểu khác với trước, mối quan hệ này vẫn không y như mối quan hệ của Mỹ với các thành viên khác của NATO và EU. Nó vẫn có giá trị riêng đối với cả hai nước ở tầm chiến lược và địa chính trị châu lục cũng như toàn cầu đối với cả hai nước mà họ không thể bỏ qua.
Mối quan hệ này có thể biến động nhất định về mức độ theo thời gian và phụ thuộc vào nhân sự lãnh đạo ở hai nước, nhưng không thay đổi cơ bản gì về bản chất.
Thứ ba, ông Trump tận lợi được như thế nào việc retweet video clip của Britain First và đối trả bà May về chính trị nội bộ ở Mỹ thì bà May cũng thu lợi được bấy nhiêu về chính trị nội bộ ở Anh nhờ thể hiện bản lĩnh ứng phó với những tweets liên quan của ông Trump.
Cho nên phía Anh sẽ không rút lại lời mời ông Trump tới thăm đảo quốc. Chậm nhất tới chuyến thăm ấy, cuộc khẩu chiến hiện tại và cơn bão trong cốc nước này sẽ chỉ còn là một giai thoại trong lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Anh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ "xử lý vấn đề Triều Tiên" sau vụ phóng tên lửa ngày 29/11/2017