Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã rời cõi tạm 17 năm. Quả thật nhanh như một cái chớp mắt. Và cho dù ông đã trở thành người thiên cổ từ khi một đứa trẻ chào đời đến lúc nó biết yêu, thì nhân gian vẫn chưa khi nào ngừng hát nhạc của ông.
Với hững người có "duyên nợ" với Trịnh Công Sơn cũng vẫn đau đáu nỗi niềm của một thời thanh xuân được bên cạnh vị nhạc sỹ tài hoa ấy.
Danh ca Khánh Ly, một người gắn bó nhất với Trịnh Công Sơn (ngoài gia đình ông), cho đến tận bây giờ, những ký ức về ông vẫn còn in hằn sâu trong trái tim của bà, với tất cả sự tôn kính và biết ơn.
Với Khánh Ly, Trịnh Công Sơn còn hơn cả tình yêu, đó là tình tri kỷ, là duyên nợ của đời người gắn vào nhau bởi âm nhạc. Trong cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hoá (TTXVN), bà đã chân tình bộc bạch rất nhiều tâm tư về "người tình" âm nhạc Trịnh Công Sơn.
"Trong cuộc đời, nếu như ta muốn được điều gì đó, thì phải mất đi những thứ khác, nhiều khi cái mất nó nhiều hơn cái được. Nhưng với tôi, tôi được nhiều hơn mất, bởi vì tôi "được" ông Trịnh Công Sơn là tôi được tất cả rồi.
Ông Sơn đối với tôi đáng quý hơn cả một kho tàng. Bởi, tiền bạc dẫu để trong ngân hàng cũng có lúc mất, nhưng tâm hồn và trái tim của người nhạc sỹ đó thì không bao giờ mất cả. Tôi tin như vậy!
Có nhiều nhạc sỹ sáng tác rất hay, nhưng cái đời sống nghiệt ngã đã làm cho người ta lỡ đi mất nhiều cơ hội, đánh mấy hoặc bỏ lỡ nhiều cái hạnh phúc. Nhưng mà không trách được, bởi ai cũng phải "vì" cái đời sống của mình.
Có lẽ ông Trịnh Công Sơn hạnh phúc hơn nhiều người khác, bởi ông ấy có một gia đình mà gia đình ấy bao bọc ông ấy kín đến mức không có một kẽ hở nào cả, không ai có thể lọt vào đó cả. Cho nên ông ấy mới luôn bình yên để nhìn cuộc sống, để trải nghiệm cuộc sống.
Dĩ nhiên, ông ấy cũng gặp phải những gian nan, nhưng mà nhờ sự yêu thương đùm bọc của gia đình mà ông ấy vượt qua được.
Bằng hữu của ông Sơn cũng nhiều, nhưng không phải ai cũng tốt đâu, nên là, bằng hữu cũng chỉ là bằng hữu thôi không thể nào bằng gia đình được.
Ông Sơn là người có tấm lòng rộng mở, theo thuyết nhà Phật nghĩa là ông ấy "ngộ" rất sớm, nên ông sống bằng lòng từ bi. Ông từng viết trong bài hát của mình "yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ" bởi ông ấy có cái hạnh bố thí, cho đi không bao giờ đòi hỏi.
Có nhiều người đến với ông Trịnh Côn Sơn ca hát, vui chơi rồi...bỏ ông ấy. Mà cái bỏ ấy nó tàn nhẫn lắm. Tôi không dám kết tội những người đó, nhưng tôi cảm thấy buồn cho ông Sơn thôi. Ấy vậy mà ông Trịnh Công Sơn vẫn cứ thương người ta.
Trong cuộc đời tôi từ khi biết ông Sơn đến lúc ông ấy "vẫy tay" chào tôi, thì tôi chỉ thấy ông ấy buồn lòng đúng một người thôi. Mặc dù cuộc đời ông Sơn, có nhiều người tặng cho ông ấy những "viết thương" nặng lắm nhưng mà ông ấy không giận.
Câu cửa miệng của ông ấy là "Thôi, kệ đi" - lúc nào ông ấy cũng nói như vậy. Tôi đã học được ở ông Trịnh Công Sơn rất nhiều và không có điều gì xấu cả, toàn điều tốt, tử tế. Để học được những điều đó rất khó, vì mình là con người mà, đâu phải thần thánh.
Nhưng mà, vì muốn theo ông ấy, không muốn để cho ông ấy thất vọng khi ông ấy chọn mình thì mình phải sống tử tế. Và tử tế cũng chính là điều tôi thấy rõ nét nhất ở ông Trịnh Công Sơn.
Tấm lòng của ông ấy, tôi chắc là không gặp được ở người thứ 2. Vì thế, tôi coi ông Trịnh Công Sơn như người cha của mình vậy.
Nếu bây giờ tôi nhận là người yêu của ông Trịnh Công Sơn - điều đó có thể lắm chứ. Tôi có thể nói điều đó mà không ai phiền trách cả...nhưng mà nó không phải như vậy.
Nếu cứ cố tâm nghĩ như thế, thì thật là tội cho ông Sơn, vì ông Sơn phải yêu một người không xứng đáng với ông ấy – là tôi (cười)!
Mặc dù tôi không có sự rung động tình ái với ông Trịnh Công Sơn, nhưng nếu không gặp thì tôi lại rất nhớ, ông ấy cũng vậy. Thế nhưng, nhiều khi gặp nhau, ngồi với nhau hàng giờ mà không ai nói câu gì cả, nhưng dường như là hiểu hết "anh nghĩ gì, tôi nghĩ gì".
Tôi không nghĩ ông Sơn để lòng riêng tư với tôi đâu, bởi tôi đâu phải người "ngu" để không cảm nhận được điều gì, hay là tại ông ấy giấu kín nên tôi không biết (cười).
Nhưng rõ ràng là không có gì cả. Chúng tôi rất kính trọng, rất vị nể nhau, và tôi chưa bao giờ làm điều gì trái ý ông Sơn cả.
Ông Sơn quý và thương tôi, luôn lo lắng cho tôi. Khi tôi lấy chồng, ông Trịnh Công Sơn muốn người chồng đó phải xứng đáng với tôi, phải lo cho tôi được như ý ông ấy muốn vì ông không muốn tôi khổ.
Tuy nhiên, chồng tôi sau này cũng không thể nào hoàn hảo như điều ông Sơn muốn được, điều đó là tất nhiên thôi vì cuộc đời có ai hoàn hảo đâu. Nhưng hạnh phúc là do mình chứ không phải do ai mang đến, vậy nên, nếu chồng mình cao quá thì mình kéo xuống, hoặc thấp quá thì mình đưa lên cho bằng mình, như thế mới dễ sống.
Hạnh phúc là phải vun trồng, ví dụ mình trông cây mà không chăm bón thì sao nó ra trái ngọt được. Nên là tôi cũng ý thức được điều đó, luôn chăm sóc cho gia đình mình để luôn có những phút giây hạnh phúc.
Nhưng ông Sơn vì thương tôi nên luôn muốn chồng tôi phải chăm sóc, lo lắng cho tôi. Chả thế mà khi tôi lấy chồng, ông ấy viết cho tôi lá thư có đoạn "bộ hết người để lấy rồi hả Mai" vì cũng chỉ nghe người ta đồn về chồng tôi.
Sau này gặp, chồng tôi có nhắc lại chuyện bức thư tay đó, ông Sơn cười xoà "Tại vì hồi đấy anh không biết Đoan, nhưng bây giờ thấy Đoan lo lắng được cho cuộc sống của Mai thì anh yên tâm rồi".
Đấy, trong cuộc đời này, có một người mà luôn lo lắng cho mình, luôn muốn mình sống sung sướng yên vui, thế là quá đủ rồi, còn cần gì nữa. Chứ yêu đương vào, có khi lại hận thù nhau, làm sao mà giữ được một mối quan hệ như tôi đã có với ông Sơn..."
Câu chuyện với danh ca Khánh Ly còn dài, cả về chuyện bà viết sách, chuyện bà quay trở lại Hà Nội lần nào cũng tìm về ngôi nhà xưa cũ dù bây giờ đã thuộc sở hữu của người khác,... những câu chuyện ấy càng khắc hoạ sâu đậm hơn chân dung của một danh ca, một người con gái Hà Nội cho đến khi về già vẫn giữ được cái cốt cách, thần thái của người Tràng An – những điều làm nên con người và giọng hát của bà – danh ca Khánh Ly.